5 quốc gia vùng Vịnh giàu có: Saudi Arabia, United Arab Emirates (UAE), Qatar, Kuwait, Bahrain đến nay vẫn không chấp nhận bất kỳ người người di cư Syria nào.
Hành động này gặp phải chỉ trích từ công luận quốc tế nhưng 5 quốc gia trên vẫn bảo vệ quan điểm của mình vì lo ngại vấn đề an ninh, khủng bố.
Hơn 4 triệu người Syria buộc phải rời quê hương, trốn cuộc nội chiến không có hồi kết, tàn phá đất nước họ, gây nhiều mất mát, thương vong. Đa số những người đáng thương này sống chen chúc trong các trại tị nạn đông đúc ở Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, Ai Cập, Iraq để tránh chiến tranh. Một số khác cố gắng vượt chặng đường dài đến châu Âu và các nước khác khiến cho hành trình di cư đầy cam go, không ít câu chuyện bị thương xảy ra như rơi vào tai bọn buôn người, tai nạn chìm thuyền… cướp đi sinh mạng của nhiều người.
Cuộc khủng hoảng di cư là vấn đề nóng bỏng nhất hiện nay
Thực tế đã và đang xảy ra này khiến châu Âu gặp không ít khó khăn vì phải nghĩ cách sắp xếp, tiếp nhận những người di cư này thế nào. Trong khi đó, 5 quốc gia vùng Vịnh giàu có: Saudi Arabia, UAE, Qatar, Kuwait, Bahrain đến nay không tiếp nhận người di cư Syria nào. Hành động này bị chỉ trích dữ dội bởi công luận quốc tế.
Sherif Elsayid-Ali, Giám đốc Cơ quan về quyền của người nhập cư của Tổ chức Ân xá Quốc tế nhận định hành động từ chối người di cư trên của các quốc gia vùng Vịnh thật đáng xấu hổ, thất vọng.
Rời khỏi quê hương với hai bàn tay trắng, trốn chạy khỏi nội chiến, những người di cư vượt hàng ngàn dặm từ Trung Đông thông qua Trung Âu và Địa Trung Hải để tới Đức và Áo, họ lẻn lên tàu hỏa hoặc chồng chất nhau trên xe tải. Một số người đi thuyền vượt eo biển Manche vào Anh. Gần 3.000 người chết trong năm nay khi cố đến châu Âu bằng đường biển, trong đó hàng trăm người cố thực hiện hành trình mạo hiểm có thể đe dọa mạng sống của con cháu họ. Cái chết thương tâm của bé Aylan Kurdi, 3 tuổi, vừa qua gây rung động thế giới và khiến vấn đề di cư trở nên cấp thiết hơn bất cứ lúc nào.
Sự khốn khổ của người di cư được chú ý thì vấn đề được lật lại là vì sao 5 quốc gia vùng Vịnh trên lại ngoảnh mặt làm ngơ trước vấn nạn này. Sooud al-Qassemi, một chuyên gia về Arab, cho biết: “Các quốc gia vùng Vịnh phải nhận ra rằng đây là thời điểm để họ thay đổi chính sách liên quan đến chấp nhận người tị nạn từ cuộc khủng hoảng Syria. Đó là luân lý, đạo đức, trách nhiệm cần thực hiện”.
Cái chết thương tâm của bé Aylan Kurdi, 3 tuổi, khiến thế giới rúng động
Trước sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế, các quốc gia vùng Vịnh thông tin rằng việc chấp nhận lượng lớn người nhập cư Syria sẽ đe dọa đến an ninh. Vì các phần tử khủng bố có thể trà trộn vào thường dân xin tị nạn và gây sách nhiễu về sau. Thay vào việc chấp nhận để người dân tị nạn, họ sẽ quyên góp số tiền lớn vào việc hỗ trợ các trại tị nạn trên thế giới.
Theo ReliefWeb, UAE hỗ trợ một trại tị nạn ở Jordan nơi có hàng trăm ngàn lều cho người nhập cư Syria. Saudi Arabia và Qatar cũng hỗ trợ ngân sách, thực phẩm, lều tạm, quần áo cho người Syria ở Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan. Số tiền đã chi của các nước này là 589 triệu bảng Anh.
Tuy nhiên, nếu so sánh với nhiều nước, con số này chẳng thấm vào đâu. Anh đã chi đến 918 triệu bảng Anh giúp các nước đối phó với tác động từ cuộc nội chiến ở Syria. Thủ tướng Anh David Cameron vừa thông báo nước này sẽ tăng viện trợ cho người tị nạn số tiền lên đến 1 tỉ bảng Anh.