5 quốc gia từng là tâm dịch của thế giới: Trung Quốc đã kiểm soát, Ấn Độ vẫn tăng mạnh

Khánh Hằng - Ngày 02/08/2021 16:15 PM (GMT+7)

Những quốc gia từng là tâm dịch của thế giới đã phải gánh chịu hậu quả nặng nề của dịch bệnh nhưng mới đây, họ lại phải tiếp tục chiến đấu khi biến thể Delta có sức lây lan mạnh hơn biến thể cũ nhiều lần.

Tính đến ngày 2/8/2021, toàn thế giới đã ghi nhận 199.008.754 ca nhiễm COVID-19, 4.240.331 ca tử vong, 177.895.590 người được chữa khỏi và hơn 2,2 tỷ người đã được tiêm vaccine. Tuy nhiên, sau khi biến thể Delta xuất hiện, cục diện dịch bệnh thế giới đã có nhiều thay đổi. Một số quốc gia đã cơ bản đối phó được với dịch bệnh nhờ hiệu quả của chiến dịch tiêm vaccine, nhưng cũng có nhiều quốc gia khác đang bị biến thể Delta hoành hành, chưa thể kiểm soát được.

Trung Quốc - Ổ dịch đầu tiên của thế giới đã được kiểm soát

Trung Quốc được coi là nơi khởi phát của virus, cũng là tâm dịch COVID-19 đầu tiên của thế giới. Bắt nguồn từ khu chợ hải sản ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019, dịch bệnh bắt đầu lây lan ra toàn đất nước, sau đó lây nhiễm sang nhiều quốc gia khác trên thế giới. Đến tháng 3/2020, Tổ chức Y tế Thế giới WHO phải ban bố tình trạng khẩn cấp, chính thức tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu.

Trong số các tỉnh thành tại Trung Quốc, Hồ Bắc, Quảng Đông, Thượng Hải, Hắc Long Giang và Chiết Giang là những nơi có số ca nhiễm cao nhất, trong đó có hơn 70% tập trung tại tỉnh Hồ Bắc, với hơn 68.000 ca nhiễm và hơn 4.500 ca tử vong. 

5 quốc gia từng là tâm dịch của thế giới: Trung Quốc đã kiểm soát, Ấn Độ vẫn tăng mạnh - 1

Vũ Hán là thành phố đầu tiên trên thế giới phải phong tỏa để chống dịch COVID-19. Hơn 2 tháng sau đó, thành phố này đã dập được dịch và gỡ phong tỏa. Thành công trong việc chống dịch của Vũ Hán nói riêng và Trung Quốc nói chung được cho là nhờ các biện pháp mạnh tay và tốc độ phản ứng nhanh, kiểm soát nguồn lây và ngăn chặn lây lan, chặt đứt chuỗi lây nhiễm.

Tuy nhiên mới đây, COVID-19 một lần nữa bùng phát tại Trung Quốc do sự xuất hiện của biến thể Delta, lần đầu tiên phát hiện tại Ấn Độ. Những ca bệnh mới liên quan đến biến thể này đã xuất hiện tại thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, sau đó lây lan ra ít nhất 15 thành phố khác, trong đó có thủ đô Bắc Kinh và thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên.

Trung Quốc hiện đang chạy đua trong cuộc chiến vaccine. Theo CNN, hàng chục chính quyền cấp huyện và 8 tỉnh đã ban hành thông báo người dân cần nhanh chóng tiêm vaccine COVID-19 từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8 bởi sau đó, nếu không tiêm phòng, họ sẽ đối mặt với nhiều hạn chế trong cuộc sống hàng ngày, ví dụ như việc tiếp cận trường học, xe công cộng và cơ sở y tế. Đến nay, chưa có số liệu cụ thể về tỷ lệ người dân tiêm đủ 2 mũi vaccine tại Trung Quốc.

Italia - Ổ dịch lớn nhất châu Âu có nguy cơ bùng phát dịch lần 4

Italia cũng từng là tâm dịch nguy hiểm của thế giới. Tính đến nay, quốc gia này đã ghi nhận 4.355.348 ca nhiễm, 128.068 ca tử vong và 4.135.930 người khỏi bệnh, đứng thứ 11 trong số những quốc gia có số ca nhiễm cao nhất thế giới. Italia là tâm dịch đầu tiên của châu Âu, cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc để chống dịch.

Tháng 3/2020, Italia từng là quốc gia có số ca nhiễm cao thứ 2 và tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới, chiếm gần 40 % tổng số ca tử vong do COVID-19 trên toàn thế giới. Hình ảnh các bệnh viện quá tải, nhà tang lễ không còn chỗ để thi thể, bệnh viện dã chiến mọc lên khắp nơi, nhiều người qua đời mà không nhận được sự hỗ trợ y tế..., đặc biệt tại vùng Lombardy, đã khiến rất nhiều người ám ảnh. 

5 quốc gia từng là tâm dịch của thế giới: Trung Quốc đã kiểm soát, Ấn Độ vẫn tăng mạnh - 2

Tưởng như đã đối phó được với đại dịch nhưng mới đây, Italia đang phải đối mặt với nguy cơ bùng phát làn sóng dịch bệnh thứ 4 do sự xâm nhập của biến thể Delta. Dữ liệu từ Tổ chức Nghiên cứu y tế Gimbe Foundation cho thấy, trong tuần từ ngày 21-27/7/2021, Italia ghi nhận mức tăng hàng tuần ở tất cả các vùng, cụ thể: Số ca mắc mới tăng 64,8%, tương ứng 31.963 ca so với 19.390 ca tuần trước đó; số trường hợp cách ly tăng 42,9% (68.510 ca so với 47.915 ca); số ca nhập viện với các triệu chứng tăng 34,9% (1.611 ca so với 1.194 ca) và số ca chăm sóc tích cực tăng 14,5%.

Hiện nay, Italia đang thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng một cách hoàn toàn tự nguyện nhưng được kiểm soát nghiêm ngặt và đảm bảo an toàn tuyệt đối. Tính đến ngày 2/8/2021, đã có hơn 52% dân số Italia được tiêm đủ 2 liều vaccine.

Mỹ - Số ca nhiễm cao nhất thế giới

Mỹ từng là tâm dịch lớn nhất và nguy hiểm nhất trên thế giới. Đến nay, quốc gia này vẫn là nơi ghi nhận số ca nhiễm cao nhất thế giới, với 35.768.924 ca nhiễm, 629.380 ca tử vong và 29.673.290 người được chữa khỏi. Theo báo cáo của Trung tâm Thống kê Y tế Quốc gia thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, tuổi thọ trung bình của người dân nước này đã giảm đi 1,5 năm do dịch COVID-19.

Trong số đó, bang New York và bang New Jersey là những nơi ghi nhận số ca nhiễm cao nhất nước Mỹ, chiếm hơn một nửa số ca. Tháng 3/2020, Mỹ buộc phải ra lệnh cấm các cuộc tụ họp quy mô lớn, đóng cửa các trường học và tổ chức giáo dục, hủy bỏ triển lãm thương mại, hội nghị, lễ hội, sự kiện thể thao và thi đấu, yêu cầu người dân chỉ ra đường khi thực sự cần thiết. Các bệnh viện hoạt động hết công suất nhưng vẫn quá tải do số lượng bệnh nhân tăng vọt trong thời gian ngắn. Giới chức Mỹ thậm chí phải huy động nhiều xe tải để chất các thi thể bệnh nhân qua đời do COVID-19 mà chưa kịp hỏa táng. Thành phố New York từng là nơi xa hoa tráng lệ bậc nhất thế giới bỗng chốc trở nên vắng lặng, tiêu điều.

5 quốc gia từng là tâm dịch của thế giới: Trung Quốc đã kiểm soát, Ấn Độ vẫn tăng mạnh - 3

Ngày 2/10/2020, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tiết lộ trên trang Twitter của mình rằng ông và cựu Đệ nhất Phu nhân Melania Trump có kết quả dương tính với COVID-19, nhưng sau đó may mắn được chữa khỏi. Nhờ sự nỗ lực của chính quyền liên bang cũng như sự ra đời của vaccine, tình hình dịch bệnh tại Mỹ mới dần cải thiện. Mỹ đã cho phép nới lỏng giãn cách, người dân được thoải mái ra đường, một số bang còn không bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng, cho phép các hoạt động giải trí về đêm được mở cửa.

Tuy nhiên trong những ngày gần đây, bang Florida của Mỹ đã trở thành tâm dịch mới, chiếm 1/5 tổng số ca nhiễm mới ở Mỹ. Theo dữ liệu của Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC), trong ngày 30/7/2021, 21.683 ca nhiễm mới được ghi nhận tại bang Florida, là mức đỉnh cao nhất từ trước đến nay, mặc dù tỷ lệ tiêm vaccine của bang này cũng tăng đáng kể.

Trong ngày 30/7, Mỹ ghi nhận hơn 100.000 ca nhiễm COVID-19, mức cao nhất trong gần 6 tháng qua kể từ đầu tháng 2. Theo báo cáo hàng tuần của CDC, số ca mắc mới hàng ngày trung bình trong 7 ngày tăng 64,1% so với dữ liệu 7 ngày trước đó. Số người tử vong trung bình hàng ngày cũng tăng 33,3% so với tuần trước. Trong khi đó, hơn 50% dân số nước Mỹ đã tiêm đủ 2 liều vaccine.

Ấn Độ - Ổ dịch kinh hoàng nhất châu Á vẫn chưa được kiểm soát

Tháng 3/2020, Ấn Độ lần đầu ban bố tình trạng khẩn cấp, ra lệnh phong tỏa toàn quốc, áp dụng những lệnh cấm nghiêm ngặt để phòng chống dịch COVID-19. Nào ngờ hơn 1 năm sau, vào tháng 4/2021, quốc gia này lại rơi vào tình trạng nguy hiểm khi làn sóng dịch bệnh thứ 2 ập đến, nguy hiểm và đáng sợ hơn trước rất nhiều. Ấn Độ hiện đứng thứ 2 trên thế giới, sau Mỹ về số ca nhiễm, với tổng cộng 31.695.368 ca nhiễm, 424.808 ca tử vong và 30.849.861 người khỏi bệnh.

5 quốc gia từng là tâm dịch của thế giới: Trung Quốc đã kiểm soát, Ấn Độ vẫn tăng mạnh - 4

Ngay giữa lúc dịch bệnh căng thẳng, người dân Ấn Độ vẫn tham gia vào những sự kiện tập trung đông người. Trong đó phải kể đến lễ hội tôn giáo Kumbh Mela và cuộc bầu cử hội đồng tại bang tây Bengal. Cụ thể, hơn 4,8 triệu người đã tập trung tại thành phố cổ Haridwar, ang Uttarakhand để hành hương, sau đó ùa mình xuống sông để tắm mà không có bất cứ biện pháp bảo vệ nào. Bên cạnh đó, việc người dân đi bỏ phiếu tại bang Tây Bengal cũng khiến số ca nhiễm tăng cao, tăng hơn 3.400%. Đây được coi là 2 sự kiện "siêu lây nhiễm" khiến làn sóng dịch bệnh tại Ấn Độ trở nên mất kiểm soát. 

Từ đó đến nay, Ấn Độ vẫn chưa hoàn toàn ngăn chặn được dịch bệnh. Các bệnh viện quá tải, tình trạng thiếu giường bệnh và oxy xảy ra khắp nơi, lò hỏa táng hoạt động hết công suất cũng không đủ, buộc phải hỏa thiêu người bệnh bằng củi. Nhiều gia đình không thể hỏa táng người bệnh, đành phải chôn ở bờ sông Hằng, gây nên cảnh tượng tang thương và ám ảnh với hàng nghìn ngôi mộ tạm mọc lên, nhiều y bác sĩ, cảnh sát, nhà báo và những người phục vụ ở tuyến đầu chống dịch đã tử vong, gây chấn động truyền thông thế giới.

5 quốc gia từng là tâm dịch của thế giới: Trung Quốc đã kiểm soát, Ấn Độ vẫn tăng mạnh - 5

Những ngày gần đây, Ấn Độ tiếp tục đối mặt với nguy cơ bùng phát làn sóng dịch COVID-19 thứ 3 khi số ca nhiễm tăng chóng mặt. Trong ngày 30/7, nước này ghi nhận thêm 44.230 ca nhiễm, hầu hết là do biến thể Delta. Hôm 29/7, bang Kerala phải ban hàng lệnh phong tỏa mới, một số bang khác cũng áp dụng lệnh hạn chế đi lại. Tuy nhiên, hầu hết các nơi, bao gồm thủ đô Delhi, vẫn cho nối lại các hoạt động kinh tế.

Các chuyên gia kêu gọi Ấn Độ cần đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng COVID-19 để ngăn chặn viễn cảnh tồi tệ của làn sóng thứ 3. Chính phủ Ấn Độ ước tính 67,6% trong tổng số 1,35 tỷ dân nước này đã có kháng thể chống COVID-19, với gần 38% dân số trưởng thành đã được tiêm ít nhất một liều vaccine và khoảng 7,4% dân số đã được tiêm đủ 2 liều vaccine.

Singapore - Coi COVID-19 như cúm mùa

Singapore từng là tâm dịch COVID-19 tại Đông Nam Á vào hồi tháng 4/2020, khi số ca nhiễm tăng chóng mặt. Tính đến ngày 2/8/2021, quốc gia này ghi nhận tổng cộng 65.102 ca nhiễm COVID-19, 37 ca tử vong và 62.957 người được chữa khỏi. 

Thời điểm đầu khi dịch bệnh vừa xảy ra, các ca nhiễm tại Singapore chủ yếu bắt nguồn từ Trung Quốc. Sau đó, Singapore đã ban hành lệnh hạn chế đi lại, cấm nhập cảnh đối với những người từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Italia và Iran. Dịch bệnh tưởng chừng như được kiểm soát nhưng sau đó, làn sóng dịch bệnh thứ 2 ập đến bắt nguồn từ Anh và Mỹ. Giới chức nước này loay hoay tìm cách đối phó trong khi nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng không xác định được nguồn lây.

5 quốc gia từng là tâm dịch của thế giới: Trung Quốc đã kiểm soát, Ấn Độ vẫn tăng mạnh - 6

Singapore từng phải ban hành lệnh phong tỏa ở một số khu vực, cấm toàn bộ người nước ngoài nhập cảnh, đóng cửa quán bar và các khu vui chơi về đêm, cấm tụ tập quá 10 người, tuy nhiên tình hình không có nhiều cải thiện. Quốc gia này từng thiết lập nhiều bệnh viện dã chiến, lo sợ hệ thống y tế sụp đổ.

Sau đó, Singapore đã từng bước khắc phục và phần nào khống chế được dịch bệnh. Quốc gia nay cũng có tỷ lệ tiêm chủng rất cao, nhờ đó số ca nhiễm giảm mạnh. Tháng 6/2021, Singapore quyết định nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội.

Nào ngờ đến tháng 7/2021, do sự xâm nhập của biến thể Delta, Singapore lại phải đối mặt với dịch bệnh khi số ca nhiễm tiếp tục tăng. Theo kênh CNA, Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung ngày 28/7 cho biết số giường trống tại các bệnh viện ở nước này sẽ kín trong vòng một tuần nếu các ổ dịch COVID-19 tiếp tục lây nhiễm không kiểm soát. Hiện tại, 80% số giường bệnh dành cho người nhiễm COVID-19 đã kín.

Ngày 30/7, chính quyền Singapore tiếp tục điều chỉnh chiến thuật điều trị bệnh nhân COVID-19 nhằm giảm tải cho hệ thống y tế. Theo đó, đất nước này sẽ coi COVID-19 như bệnh cúm mùa. Bệnh nhân ít triệu chứng không cần nhập viện, được tạo điều kiện tự cách ly. Với sự thay đổi này, Singapore kỳ vọng sẽ có tới 60% các ca nhiễm COVID-19 sẽ hồi phục trong các cơ sở y tế cộng đồng và có thể tăng tỷ lệ này lên 80%. Hiện nay, tỷ lệ tiêm chủng vaccine tại Singapore khá cao, khoảng 57,3% dân số đã tiêm đủ 2 mũi vaccine.

Hình ảnh COVID-19 tang thương tại Indonesia: Lều tạm dựng ngoài viện, nhiều người chết tại nhà
Indonesia đang là điểm nóng lớn nhất về COVID-19 tại châu Á sau khi biến thể Delta xuất hiện tại quốc gia này.

Dịch COVID-19

Khánh Hằng
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19