Một số quốc gia quyết định nới lỏng biện pháp giãn cách dù số ca mắc vẫn tăng

Khánh Hằng - Ngày 20/07/2021 19:10 PM (GMT+7)

Sau chiến dịch tiêm chủng, một số quốc gia trên thế giới đã quyết định nới lỏng các biện pháp giãn cách.

Anh

- Số ca nhiễm tính đến thời điểm hiện tại: 5.473.477 ca, số ca tử vong: 128.727 ca.

- Tỉ lệ tiêm chủng vaccine: hơn 46,2 triệu người được tiêm mũi 1, hơn 35,3 triệu người đã tiêm đủ 2 mũi trong tổng 66,65 triệu dân.

- Quyết định dỡ bỏ hầu hết biện pháp giãn cách vào ngày: 19/7.

Vào ngày 19/7 vừa qua, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đồng ý cho phép dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế được áp dụng nhằm kiểm soát dịch COVID-19. Ngày 19/7 được gọi là "Freedom Day" (Ngày Tự do) của Anh. Nhiều người bắt đầu đổ xô ra đường, tụ tập tại các địa điểm vui chơi giải trí, thậm chí không cần đeo khẩu trang, bất chấp việc số ca nhiễm tại quốc gia này vẫn tăng cao. 

Ngày 17/7, nước Anh ghi nhận gần 54.700 ca mắc COVID-19, so với 51.870 ca một ngày trước. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp Anh có số ca mắc mới vượt ngưỡng 50.000 ca/ngày kể từ hồi tháng 1. Theo các cố vấn khoa học của chính phủ, Anh có thể sẽ trải qua làn sóng dịch bệnh thứ 3 vào giữa tháng 8 khi các ca mắc mới có thể lên tới 100.000 ca/ngày trong vài tuần do biến thể Delta lây lan nhanh.

Một số quốc gia quyết định nới lỏng biện pháp giãn cách dù số ca mắc vẫn tăng - 1

Mặc dù vậy, chính phủ Anh vẫn quyết định nới lỏng các biện pháp giãn cách, điều đã được lên kế hoạch từ trước, do các tiêu chí để mở cửa đều được đáp ứng, trong đó số ca nhập viện và tử vong vì nhiễm COVID-19 đều giảm. Điều này có được là nhờ chương trình tiêm chủng mở rộng tại Anh. Cho đến nay, đã có hơn 46,2 triệu người - chiếm 88% tổng số người trưởng thành ở Vương quốc Anh - đã tiêm 1 mũi vaccine ngừa COVID-19, và hơn 35,3 triệu người đã tiêm đủ 2 mũi, đưa Anh vào danh sách những nước dẫn đầu thế giới về chương trình tiêm chủng.

Thủ tướng Boris Johnson cho rằng việc nới lỏng giãn cách là biện pháp "sống chung với dịch bệnh". Ông nói rằng đây là thời điểm phù hợp để triển khai trên thực tế trước khi thời tiết chuyển sang lạnh giá. Tuy nhiên, hành động này đã vấp phải nhiều sự chỉ trích của giới khoa học, cho rằng việc này có thể đẩy nước Anh vào "thảm họa", ảnh hưởng tới cả thế giới.

Trong một lá thư gửi tạp chí y học The Lancet, hơn 1.200 nhà khoa học từ khắp thế giới đã chỉ trích kế hoạch mở cửa của Anh là "phản khoa học" và có thể dẫn đến sự xuất hiện các biến chủng kháng vaccine, đồng thời kêu gọi chính phủ Anh tạm dừng kế hoạch này.

Một số quốc gia quyết định nới lỏng biện pháp giãn cách dù số ca mắc vẫn tăng - 2

Giáo sư Michael Baker, thành viên nhóm cố vấn của Bộ Y tế New Zealand, nhận định rằng có vẻ như chính phủ Anh đã dịch chuyển hẳn sang cách tiếp cận về miễn dịch cộng đồng, điều mà ông cho là "hoàn toàn không thể chấp nhận được" khi chiến lược này đã thất bại thảm hại trên phạm vi toàn cầu.

Trước tình hình trên, Thủ tướng Boris Johnson đã kêu gọi người dân vẫn phải cẩn trọng ngay cả khi các biện pháp giãn cách được nới lỏng bởi đại dịch vẫn chưa kết thúc. Ông nhấn mạnh rằng các ca mắc mới sẽ tăng khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ hoàn toàn và người dân cần hành động có trách nhiệm để bảo vệ hệ thống y tế quốc gia và thành quả của chương trình tiêm chủng.

Israel

- Số ca nhiễm: 853.478 ca, số ca tử vong: 6.451 ca.

- Tỷ lệ tiêm chủng vaccine: hơn 50% dân số tiêm đủ 2 mũi tính đến giữa tháng 6/2021.

- Quyết định nới lỏng giãn cách vào: cuối tháng 6/2021.

Israel là nước đi đầu trong việc tăng tốc triển khai chương trình tiêm chủng vaccine cho người dân. Đến giữa tháng 6/2021, hơn một nửa dân số ở nước này đã tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19. Sau đó, chính phủ Israel đã bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội. Người dân Israel đã bắt đầu tháo khẩu trang, quay lại nhịp sống sinh hoạt trước đây. Các cửa hàng, hộp đêm, quán bar, nhà hàng, khách sạn và rạp chiếu phim được mở cửa trở lại.

Một số quốc gia quyết định nới lỏng biện pháp giãn cách dù số ca mắc vẫn tăng - 3

Tuy nhiên mới đây, Israel lại chứng kiến số ca nhiễm COVID-19 tăng vọt, chủ yếu do biến thể Delta lây nhiễm vô cùng nhanh chóng. Nếu như trong tháng 6, số ca nhiễm chủ yếu ở mức 2 con số mỗi ngày, thì vào đầu tháng 7 đã vọt lên trên 400 ca/ngày, và trong những ngày gần đây thường xuyên trên 1.000 ca/ngày. Tính đến ngày 19/7/2021, Israel đã ghi nhận hơn 850.000 ca nhiễm và hơn 6.400 ca tử vong do COVID-19.

Tình trạng trên buộc chính phủ của Thủ tướng Naftali Bennett phải tái áp đặt một số biện pháp hạn chế và tính toán lại chiến lược chống dịch. Thủ tướng Naftali Bennett đã đề ra "chiến dịch mềm", yêu cầu người dân học cách sống chung với COVID-19, áp đặt các biện pháp ít hạn chế nhất có thể, đồng thời tránh phong tỏa toàn quốc lần 4 để giảm thiểu thiệt hại về kinh tế.

Một số quốc gia quyết định nới lỏng biện pháp giãn cách dù số ca mắc vẫn tăng - 4

Vì hầu hết công dân thuộc các nhóm nguy cơ đều đã tiêm vaccine, Thủ tướng Naftali Bennett đánh giá sẽ có ít người nhiễm ở mức nghiêm trọng khi dịch bệnh gia tăng trở lại.

Bên cạnh đó, Israel còn đưa ra một quyết định quan trọng, đó là triển khai tiêm mũi vaccine thứ 3 cho những người trưởng thành thuộc nhóm nguy cơ cao, đặc biệt những đối tượng suy giảm miễn dịch nghiêm trọng, mới trải qua phẫu thuật ghép tạng hoặc có bệnh nền ung thư. Chiến dịch này được triển khai từ ngày 14/7 tại Trung tâm Y tế Sheba - bệnh viện lớn nhất tại Israel. Đại diện bệnh viện xác nhận đã có hàng trăm người đăng ký tiêm mũi vaccine thứ 3 tại đây.

Hàn Quốc

- Số ca nhiễm: 180.481 ca, số ca tử vong: 2.059 ca.

- Tỷ lệ tiêm chủng vaccine: hơn 27,7% dân số được tiêm mũi 1 tính đến ngày 18/6/2021.

- Quyết định nới lỏng giãn cách vào: cuối tháng 6/2021.

Hàn Quốc là một trong những quốc gia Đông Á đầu tiên thành công trong việc ngăn chặn đại dịch COVID-19. Nước này cũng đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng và khuyến cáo người dân tuân thủ các biện pháp bảo vệ sức khỏe.

Kể từ khi Hàn Quốc bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vào ngày 26/2, tính đến ngày 18/6, đã có hơn 14,23 triệu người dân nước này đã được tiêm mũi đầu tiên, chiếm khoảng 27,7% trong số 51,3 triệu dân số. Hàn Quốc đặt mục tiêu tới tháng 9 sẽ tiêm ít nhất 1 mũi cho 70% dân số. Chính quyền nước này cũng đưa ra nhiều ưu đãi khuyến khích người dân đi tiêm chủng.

Một số quốc gia quyết định nới lỏng biện pháp giãn cách dù số ca mắc vẫn tăng - 5

Tháng 6/2021, Hàn Quốc đã bắt đầu nới lỏng một số biện pháp giãn cách xã hội, cho phép người đã tiêm vaccine được ra ngoài mà không cần đeo khẩu trang, cho phép tụ tập theo nhóm nhỏ tối đa 6 người, các nhà hàng, quán cafe và câu lạc bộ được phép mở cửa đến 24h.

Tuy nhiên tới tháng 7/2021, Hàn Quốc đã phải hứng chịu hậu quả của việc mở cửa quá sớm trong khi phần lớn dân số vẫn chưa được tiêm vaccine. Nước này đang phải đối mặt với một làn sóng dịch bệnh mới do ảnh hưởng của biến thể Delta khi vào ngày 18/7, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc thông báo có thêm 1.454 ca mắc mới, mức cao nhất trong các ngày Chủ nhật từ trước tới nay (ngày cuối tuần thường có ít người làm xét nghiệm hơn). Tính đến nay, Hàn Quốc đã ghi nhận trên 180.000 ca nhiễm COVID-19.

Một số quốc gia quyết định nới lỏng biện pháp giãn cách dù số ca mắc vẫn tăng - 6

Trước tình hình đó, vào ngày 18/7, Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum quyết định siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội, cấm tụ tập trên 4 người ở các khu vực bên ngoài thủ đô Seoul và vùng phụ cận. Tại thủ đô Seoul, người dân bị cấm tập trung quá 2 người sau 18h.

Hà Lan

- Số ca nhiễm: 1.807.444 ca, số ca tử vong: 17.778 ca.

- Tỷ lệ tiêm chủng vaccine: 42,9% dân số đã tiêm đủ 2 liều.

- Quyết định nới lỏng giãn cách vào ngày: 26/6/2021.

Với việc tỷ lệ tiêm chủng vaccine tăng nhanh và số ca nhiễm giảm, chính phủ Hà Lan quyết định nới lỏng các biện pháp giãn cách, cho phép mở cửa vào cuối tháng 6/2021. Người dân được phép không đeo khẩu trang ở hầu hết các địa điểm và cũng được khuyến khích tham gia các hoạt động vui chơi giải trí ngoài trời.

Tuy nhiên tới tháng 7/2021, số ca nhiễm COVID-19 tại Hà Lan lại tăng nhanh chóng mặt do sự xâm nhập của biến thể Delta, lần đầu xuất hiện tại Ấn Độ vào tháng 10/2020. 

Một số quốc gia quyết định nới lỏng biện pháp giãn cách dù số ca mắc vẫn tăng - 7

Số ca nhiễm COVID-19 mới tại Hà Lan tăng vọt từ mức 8.500 ca hồi tuần trước, trong đó hơn 60% ca nhiễm mới được ghi nhận ở người từ 15-25 tuổi. Gần 40% số ca nhiễm mới cho hay họ bị lây nhiễm từ những buổi chơi đêm. Tính đến ngày 13/7, Hà Lan ghi nhận gần 52.000 ca nhiễm trong tuần, tăng hơn 500% so với thời điểm chính phủ dỡ bỏ đa số biện pháp hạn chế vào ngày 26/6.

Một số quốc gia quyết định nới lỏng biện pháp giãn cách dù số ca mắc vẫn tăng - 8

Trước tình hình đó, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte buộc phải quay trở lại với các biện pháp hạn chế vào ngày 16/7, chỉ hơn 2 tuần sau lệnh bãi bỏ. Các nhà hàng và quán bar phải đóng cửa từ nửa đêm, trong khi các câu lạc bộ đêm ngưng hoạt động hoàn toàn. Bản thân ông Rutte đã lên tiếng xin lỗi về "đánh giá yếu kém" của mình: "Điều mà chúng tôi nghĩ là có thể, hóa ra lại là không thể áp dụng trong thực tế".

Nhà ngoại cảm tiên tri chính xác về COVID-19 và thất bại của ông Trump nói gì về tương lai?
Nhà ngoại cảm này đã có những dự đoán chính xác về một số sự kiện của thế giới, khiến nhiều người không khỏi bất ngờ.

Chuyện lạ thế giới

Khánh Hằng
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19