Trong năm 2015, thế giới đã xảy ra hàng loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu, cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người vô tội.
1. Toà soạn tạp chí châm biếm Charlie Hebdo bị tấn công khủng bố, 12 người chết
Cuộc khủng bố đẫm máu diễn ra tại tạp chí châm biếm Charlie Hebdo, Paris, Pháp ngày 7/1 của 3 tay súng đã bắn chết 12 người, trong đó có 8 nhà báo và 2 cảnh sát. Theo nhân chứng kể lại, các tay súng đã đi thẳng lên phòng biên tập và xả súng.
Những người thiệt mạng bao gồm tổng biên tập tạp chí Charlie Hebdo, các họa sỹ tranh biếm họa, biên tập viên và một sĩ quan cảnh sát. Đây là vụ việc có nhiều người chết nhất ở nước này từ sau chiến tranh.
Thế giới cũng đã lên tiếng lên án kịch liệt vụ tấn công khủng bố, trong bối cảnh nước Pháp đã nâng báo động an ninh lên mức cao nhất.
Trong bài phát biểu qua truyền hình tối 7-1 (giờ địa phương), Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố quốc tang 3 ngày. Đây là lần thứ 5 trong vòng 50 năm qua nước Pháp để quốc tang.
Cảnh sát nhanh chóng xác định danh tính 3 nghi phạm là Said Kouachi, Cherif Kouachi và Hamyd Mourad. Trong đó, Said Kouachi, 34 tuổi và Cherif Kouachi, 19 tuổi, là 2 anh em, đều là công dân Pháp. Hamyd Mourad mới 18 tuổi và đang bị giam giữ.
Được biết, Cherif Kouachi bị kết án 3 năm tù vào năm 2008 khi giúp đưa các chiến binh đến tham chiến trong cuộc chiến tranh ở Iraq.
2. Khủng bố trường học ở Kenya, 147 người thiệt mạng
Sáng ngày 2/4, nhóm tay súng Al-Shabab bịt mặt bất ngờ ập vào ký túc xá Đại học Garissa, giết hai bảo vệ trường và tấn công khu ký túc xá, nổ súng vào nhóm sinh viên đến hành lễ cầu nguyện buổi sáng tại một thánh đường trong khuôn viên trường, sau đó bắt giữ hàng trăm con tin.
Lính phòng vệ Kenya đứng gác ở thị trấn Garissa. (Ảnh: Getty)
Lực lượng an ninh đã giải cứu hơn 500 sinh viên và hạ sát 4 tay súng. Nhưng không may là 147 sinh viên đã thiệt mạng cùng với 79 người khác bị thương.
3. Đánh bom liên hoàn ở Thái Lan, 20 người chết
Khoảng 19h tối 17.8 tại một ngã tư đường phố gần ngôi đền Erawan ở khu Chidlom, trung tâm thành phố Bangkok, một số quả bom đã phát nổ làm 20 người thiệt mạng, chủ yếu là du khách Trung Quốc và bị thương 125 người.
Ông Prawit Wongsuwan - Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan nói với các phóng viên rằng: “Những kẻ đánh bom đã nhằm vào người nước ngoài... để phá hoại ngành du lịch và nền kinh tế Thái Lan. Chúng tôi sẽ truy bắt thủ phạm bằng mọi giá”.
Phía trước ngôi đền Erawan tan hoang sau vụ nổ bom kinh hoàng
Erawan là đền thờ nổi tiếng thờ thần Brahma của đạo Hindu, song cũng có hàng ngàn Phật tử đến viếng đền mỗi ngày. Ngôi đền tọa lạc gần cầu vượt Ratchaprasong, trên một con đường chính đi qua khu trung tâm thương mại của Bangkok và bao quanh bởi ba trung tâm mua sắm lớn nên thường rất đông đúc.
Nghi phạm Adem Karadag bị bắt tháng trước tại một căn hộ ở phía Bắc thủ đô Bangkok cùng với tang vật là các vật liệu chế tạo bom. Cảnh sát Thái Lan hiện chưa khẳng định được quốc tịch của đối tượng này vì y có thể giao tiếp được bằng 3 thứ tiếng: Anh, Arab và Thổ Nhĩ Kỳ.
Adem Karadag thừa nhận đã đặt chiếc balô đựng bom tại đền Erawan ở thành phố Bangkok. Sau đó, hắn thuê một xe ôm đến công viên Lumpini gần hiện trường để bỏ tóc giả và kính trước khi thay quần áo rồi lẩn trốn.
4. Khủng bố liên hoàn ở Paris, 130 người chết
Đêm 13/11, liên tục 7 vụ tấn công bằng súng và bom tự sát đã xảy ra tại thủ đô Paris khiến 129 người thiệt mạng, 200 người bị thương, trong đó có 80 người đang nguy kịch. Vụ tấn công khốc hại nhất diễn ra tại nhà hát Bataclan, chỉ cách văn phòng cũ của tạp chí biếm họa Charlie Hebdo 200 m.
Cùng thời điểm đó, 3 vụ nổ xảy ra bên ngoài một quán bar gần sân vận động Stade de France, nơi đội bóng đá Pháp đang đấu với đội Đức.
Nhiều người dân Paris bàng hoàng sau vụ xả súng kinh hoàng
Những kẻ tấn công vừa bắn giết vừa hét lớn: "Đây là lỗi của Hollande (Tổng thống Pháp). Đây là lỗi của tổng thống các người, ông ta không nên can thiệp vào Syria".
Tổng thống Francois Hollande sau đó tuyên bố tình trạng khẩn cấp, đóng cửa biên giới để ngăn những kẻ khủng bố có thể đến Pháp cũng như chặn đường tháo chạy ra nước ngoài của những kẻ đồng lõa đứng sau các vụ tấn công đẫm máu, nói rằng đây là vụ tấn công “chưa từng có tiền lệ” và “một ngày thực sự kinh hoàng”.
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) lên tiếng nhận trách nhiệm dàn dựng và thực hiện các vụ tấn công khủng bố đẫm máu này.
Reuters dẫn tuyên bố của IS cho hay, các vụ tấn công nhắm vào Paris được dàn dựng để chứng tỏ rằng, Pháp sẽ luôn là mục tiêu bị khủng bố hàng đầu nếu nước này vẫn duy trì chính sách như hiện tại. Đây còn là hành động đáp trả việc Pháp "báng bổ nhà tiên tri của đạo Hồi" và không kích "trên lãnh thổ IS".
5. Xả súng, bắt cóc con tin trong khách sạn Mali, 27 người chết
Ít nhất 27 thi thể được thu thập tại một khách sạn ở thủ đô Mali, sau khi phiến quân Hồi giáo xả súng, bắt giữ nhiều con tin, trong đó có người nước ngoài, khiến lực lượng an ninh phải mở chiến dịch đột kích. Vụ việc này xảy ra 1 tuần sau vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở Paris. Đây là cuộc tấn công xảy ra mới nhất trong một loạt các vụ tấn công khủng bố đẫm máu từ vụ đánh bom ở Beirut.
Những tên khủng bố đi ôtô mang biển ngoại giao, bên trong chứa vũ khí, đạn dược, che kín mặt, bắt đầu xả súng khi bị bảo vệ chặn ngoài cổng khách sạn.
Toàn bộ khu vực khách sạn bị phong tỏa
Vụ tấn công khách sạn Radisson Blu – nơi tập trung rất nhiều khách nước ngoài đến từ nhiều nước như Mỹ, Pháp, Anh, Trung Quốc, Ấn Độ… hôm 20/11. Trong số 27 người thiệt mạng có 5 tay súng.
ào thời điểm nhóm phiến quân tấn công, khách sạn Radisson có tất cả 190 phòng và 90% số này đã kín khách. Đây là khách sạn 5 sao hạng sang trọng nhất ở Mali, nằm ngay sát các cơ quan chính phủ và các phái đoàn ngoại giao, là nơi có nhiều người nước ngoài và du khách đến nghỉ lại.