Nhiều chính sách mới liên quan đến lao động, tiền lương sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 7/2022 người lao động cần biết.
1. Những ai được tăng lương từ 1/7/2022?
Ngày 12/6/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2022 (Nghị định số 38/2022/NĐ-CP).
Đối tượng áp dụng của Nghị định số 38/2022/NĐ-CP, gồm:
- Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.
- Người sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động, gồm:
+ Doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
+ Cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc cho mình theo thỏa thuận.
+ Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thực hiện mức lương tối thiểu quy định tại Nghị định số 38/2022/NĐ-CP.
Lương tối thiểu vùng được tăng lên từ 1/7/2022 (Ảnh minh họa)
Mức lương tối thiểu tháng
Về mức lương tối thiểu tháng, Nghị định quy định các mức lương tối thiểu tháng theo 4 vùng:
Vùng I tăng 260.000 đồng, từ 4.420.000 đồng/tháng lên 4.680.000 đồng/tháng.
Vùng II tăng 240.000 đồng, từ 3.920.000 đồng/tháng lên 4.160.000 đồng/tháng.
Vùng III tăng 210.000 đồng từ 3.430.000 đồng/tháng lên 3.640.000 đồng/tháng.
Vùng IV tăng 180.000 đồng từ 3.070.000 đồng/tháng lên 3.250.000 đồng/tháng.
Mức lương tối thiểu nêu trên tăng bình quân 6% (tương ứng tăng từ 180.000 đồng - 260.000 đồng) so với mức lương tối thiểu hiện hành.
Về mức lương tối thiểu giờ, quy định các mức lương tối thiểu giờ theo 4 vùng: vùng I là 22.500 đồng/giờ, vùng II là 20.000 đồng/giờ, vùng III là 17.500 đồng/giờ, vùng IV là 15.600 đồng/giờ.
Việc áp dụng địa bàn vùng được xác định theo nơi hoạt động của người sử dụng lao động.
Nghị định cũng nêu rõ mức lương tối thiểu tháng là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tháng, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng.
Mức lương tối thiểu giờ là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo giờ, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc trong một giờ và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu giờ.
Đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tuần hoặc theo ngày hoặc theo sản phẩm hoặc lương khoán thì mức lương của các hình thức trả lương này nếu quy đổi theo tháng hoặc theo giờ không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng hoặc mức lương tối thiểu giờ.
2. Người Hà Nội được đăng ký kết hôn, khai sinh, khai tử... online
Ngày 22/6, UBND Hà Nội ban hành Công văn 1945 về việc tích hợp, cung cấp dịch vụ công thiết yếu lĩnh vực hộ tịch thực hiện đăng ký trực tuyến theo hướng dẫn tái cấu trúc của Bộ Tư pháp.
Theo đó, thành phố sẽ tổ chức triển khai tích hợp, cung cấp dịch vụ công thiết yếu lĩnh vực hộ tịch bao gồm các thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử, đăng ký kết hôn trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công thành phố từ 1/7.
Sở Tư pháp Hà Nội có nhiệm vụ ban hành quy trình tiếp nhận, giải quyết các thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử, đăng ký kết hôn trực tuyến trên địa bàn; đồng thời, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện ngay việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ điện tử; không để xảy ra tình trạng chậm, muộn hoặc yêu cầu các thông tin không cần thiết, không đúng quy định.
Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội được giao nhiệm vụ bảo đảm điều kiện vận hành cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin "một cửa điện tử" của thành phố trong quá trình thực hiện các dịch vụ công trực tuyến theo đúng quy định.
3. Dừng hỗ trợ mức đóng vào quỹ tai nạn lao động
Tại Nghị quyết 68/NQ-CP năm 2021, Chính phủ cho phép người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 được áp dụng mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng (từ ngày 1-7-2021 đến hết ngày 30-6-2022).
Đến ngày 1-7, chính sách hỗ trợ này kết thúc, doanh nghiệp phải tiến hành đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo mức cũ.
Cụ thể, theo điều 4 Nghị định 58/2020/NĐ-CP, mức đóng BHXH bắt buộc vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ ngày 1-7 được xác định: Doanh nghiệp đủ điều kiện được đóng với mức 0,3%, doanh nghiệp còn lại đóng 0,5%.
4. Bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử từ 1/7
Theo Thông tư 78/2021/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định 123/2020/NĐ-CP về hóa đơn, chứng từ, từ ngày 1-7-2022, hóa đơn điện tử được áp dụng thay thế hóa đơn giấy.
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin được khuyến khích áp dụng hóa đơn, chứng từ điện tử trước ngày 1-7.
Riêng trường hợp không thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương thức điện tử, không có hạ tầng công nghệ thông tin, không có hệ thống phần mềm kế toán, không có phần mềm lập hóa đơn điện tử để sử dụng hóa đơn điện tử và để truyền dữ liệu điện tử đến người mua, đến cơ quan thuế thì sử dụng hóa đơn giấy của cơ quan thuế trong thời gian tối đa 12 tháng. Cơ quan thuế có giải pháp chuyển đổi dần sang áp dụng hóa đơn điện tử.
5. Từ 2023, điểm thi đại học càng cao được cộng điểm ưu tiên càng ít
Quy chế tuyển sinh đại học mới ban hành kèm Thông tư 08/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức có hiệu lực từ ngày 22/7/2022. Thông tư này có nhiều thay đổi đáng chú ý về chế độ cộng điểm ưu tiên cho thí sinh.
Theo quy chế mới, điểm thi đại học cao thì được cộng điểm ưu tiên càng ít (Ảnh minh họa)
Cụ thể, từ năm 2023, thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) sẽ được được xác định điểm ưu tiên theo công thức:
Điểm ưu tiên = [(30 - Tổng điểm đạt được)/7,5] x Mức điểm ưu tiên
Ví dụ: Thí sinh đạt 24 điểm thì điểm ưu tiên được cộng trên thực tế chỉ còn 4/5 mức điểm ưu tiên tối đa được hưởng. Nếu thí sinh đạt 27 điểm thì mức điểm ưu tiên được cộng thực tế chỉ còn 2/5 mức điểm ưu tiên tối đa được hưởng. Thí sinh đạt 30 điểm thì không được cộng điểm ưu tiên.
Như vậy, nếu tính điểm ưu tiên theo quy chế thi mới, thi sinh có tổng điểm càng cao thì càng được cộng ít điểm ưu tiên hơn.
Ngoài việc giảm điểm ưu tiên cho các thí sinh có tổng điểm thi trên 22,5 điểm, quy chế thi mới còn giới hạn thời gian hưởng chế độ cộng điểm ưu tiên khu vực từ năm 2023.
Theo đó, thí sinh chỉ được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp trung học phổ thông (hoặc trung cấp) và thêm 01 năm kế tiếp.
Thí sinh thi lại sau 02 năm tốt nghiệp trung học phổ thông không còn được cộng điểm ưu tiên khu vực khi xét tuyển đại học nữa.
6. Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với công chức kế toán, thuế, hải quan
Từ ngày 18/7/2022, Thông tư 29/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành kế toán, thuế, hải quan, dự trữ sẽ chính thức được áp dụng.
Thông tư 29/2022/TT-BTC không còn yêu cầu phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với tất cả các vị trí.
Trong đó, công chức là kế toán viên, kiểm tra viên thuế, kiểm tra viên hải quan chỉ cần đảm bảo có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và sử dụng được ngoại ngữ...
7. Tăng mức phạt vi phạm về khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự
Ngày 6-6, Chính phủ ban hành Nghị định 37/2022 về sửa đổi, bổ sung các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia (có hiệu lực từ ngày 22-7).
Trong đó, Nghị định 37 sửa đổi Nghị định 120/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu với nhiều điểm mới về mức phạt khi vi phạm trong khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.
Cụ thể, phạt tiền từ 10 – 12 triệu đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong lệnh gọi kiểm tra hoặc khám sức khỏe NVQS của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện mà không có lý do chính đáng (hiện nay quy định mức phạt từ 800 ngàn đồng đến 1,2 triệu đồng).
Tăng mức phạt từ 2-4 triệu đồng lên mức từ 15 - 20 triệu đồng đối các hành vi nhằm trốn tránh NVQS dưới đây:
- Người được khám sức khỏe có hành vi gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình nhằm trốn tránh NVQS.
- Đưa tiền, tài sản, hoặc lợi ích vật chất khác trị giá đến dưới 2 triệu đồng cho cán bộ, nhân viên y tế hoặc người khác để làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của người được kiểm tra hoặc người được khám sức khỏe NVQS nhằm trốn tránh NVQS (Hiện không quy định mức tiền dưới 2 triệu đồng).
Đối với hành vi cố ý không nhận lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe NVQS của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện theo quy định của Luật NVQS mà không có lý do chính đáng sẽ bị phạt tiền từ 12 – 15 triệu đồng.
8. Từ 1/7, nhà thầu xây dựng phải mua bảo hiểm cho bên thứ ba
Một trong những nội dung đáng chú ý tại Nghị định 20/2022 sửa đổi Nghị định 119/2015 về bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng là trách nhiệm mua bảo hiểm của nhà thầu xây dựng.
Theo đó, từ ngày 1-7, nhà thầu thi công xây dựng ngoài việc phải mua bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động thi công trên công trường như trước đây, còn phải mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba.
Thời hạn bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với bên thứ ba là khoảng thời gian cụ thể, tính từ ngày bắt đầu đến ngày kết thúc thời gian xây dựng căn cứ vào hợp đồng xây dựng và được ghi trong hợp đồng bảo hiểm.
Khi đó, doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện trách nhiệm bồi thường cho nhà thầu thi công xây dựng những khoản tiền mà theo quy định của pháp luật nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm bồi thường cho bên thứ ba đối với những thiệt hại ngoài hợp đồng về sức khỏe, tính mạng, tài sản phát sinh trực tiếp trong quá trình thi công xây dựng và chi phí pháp lý có liên quan (nếu có) thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm.
Số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng là 100 triệu đồng cho một người trong một vụ và không giới hạn số vụ tổn thất.
Số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với thiệt hại về tài sản và chi phí pháp lý có liên quan (nếu có) được xác định như sau:
- Đối với công trình có giá trị dưới 1.000 tỉ đồng, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với thiệt hại về tài sản và chi phí pháp lý có liên quan (nếu có) là 10% giá trị công trình cho cả thời hạn bảo hiểm và không giới hạn số vụ tổn thất.
- Đối với công trình có giá trị từ 1.000 tỉ đồng trở lên, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với thiệt hại về tài sản và chi phí pháp lý có liên quan (nếu có) là 100 tỉ đồng cho cả thời hạn bảo hiểm và không giới hạn số vụ tổn thất.