Hôm nay là thứ Sáu ngày 13 cuối cùng trong năm 2015. Nhiều người hay nhắc đến những chuyện không may mắn xảy ra trong ngày được coi là "đen tối" này, dù các nhà khoa học cho là không có cơ sở.
1. Cú nhảy cuối cùng
Sông Genesee, New York (Mỹ)
Có lẽ thứ Sáu ngày 13 không phải là một ngày tốt lành để nhảy xuống sông Genesee ở New York (Mỹ). Sam Patch là một kẻ liều mạng chuyên thực hiện các cú nhảy nguy hiểm. Tên tuổi của anh được lưu danh vào ngày 17.10.1829 vì thực hiện cú lao mình từ sườn núi gần thác Niagara.
Patch thường nhảy xuống các đập nước và các màn mạo hiểm của anh thu hút nhiều người xem. Cú nhảy xuống thác Niagara trước đó khiến tên tuổi Patch càng nổi như cồn. Ngày 13.11.1829, Sam Patch thực hiện cú nhảy từ thác Genesee xuống sông với sự chứng kiến của 10.000 khán giả và người hiếu kỳ.
Tuy nhiên đáng buồn đó là cú nhảy cuối cùng mà Sam Patch thực hiện trong cuộc đời mình.
2. Hỏa hoạn “Ngày thứ Sáu đen tối”.
Vào ngày 13.1.1939, một vụ hỏa hạn đã tràn qua tỉnh Victoria (Australia) khiến 36 người thiệt mạng. Vụ hỏa hoạn vào “ngày thứ Sáu đen tối” ấy chính là dấu mốc tang thương nhất trong lịch sử các vụ hỏa hoạn ở tỉnh Victoria. Theo Trung tâm kiểm soát khẩn cấp Australia, 71 người đã chết trong tháng 1.1939 và 75% số bang của Australia bị ảnh hưởng bởi hỏa hoạn.
Hạn hán càng làm tình hình thêm tồi tệ, cộng thêm các nông dân đốt rơm rạ quá sớm làm ngọn lửa khó kiểm soát. Tổng cộng 1.300 tòa nhà đã bị thiêu rụi trong tháng 1 đen tối đó.
3. Đánh bom điện Buckingham
Điện Buckingham (Anh)
Trong Thế chiến II, quân Phát xít Đức bắt đầu các chiến dịch rải bom diện rộng ở Anh và nhất là thủ đô London. Điện Buckingham đã bị trúng bom ít nhất 16 lần.
Vụ việc tồi tệ nhất là vào thứ Sáu ngày 13.9.1940, khi nữ hoàng Elizabeth và vua Geroge VI đang ngồi uống trà thì trận càn diễn ra. 5 quả bom rơi trúng cung điện và 1 quả trong số đó phá hủy hoàn toàn Nhà nguyện Hoàng gia.
Sau đó còn nhiều cuộc đánh bom khác nữa nhưng cung điện Buckingham vẫn đứng vững kì lạ.
4. Lũ lụt ở Kansas, Mỹ
Ngày 13.7.1951 là một ngày đáng quên với miền đông bắc Kansas (Mỹ). Mưa to như trút từ ngày mùng 9.7, khiến các con sông Kansas, Neosho, Verdigris và Marais Des Cygnes dâng cao 40cm. Vào thứ Sáu ngày 13 đó, mực nước dâng cao kỉ lục. Sông Kansas cao hơn mực nước lũ 4,5m, vượt mức lịch sử 2,7m trước đó.
Ở Manhattan, Kansas và các quận huyện khác, mực nước là 2,4m. Đấy là ngày nước lũ phá hủy tồi tệ nhất ở vùng Midwest, theo đánh giá của Cơ quan thời tiết quốc gia. 28 người chết, 500.000 người phải di tản cho đến khi nước rút. Tổng thiệt hại là 935 triệu USD, quy đổi theo tỉ giá hiện nay là 6,4 tỉ USD.
5. Chiến tranh Lạnh leo thang
Chiếc DC-3 cùng loại từng bị Liên Xô bắn hạ
Vào ngày 13.6.1952, Chiến tranh Lạnh trở nên căng thẳng khi Xô Viết bắn rơi một máy bay quân sự chở hàng của Thụy Điển. 8 người trên máy bay thiệt mạng. Phía Thụy Điển khẳng định họ chỉ đang bay diễn tập. Phía Xô Viết tuyên bố không liên quan vào vụ bắn rơi chiếc DC-3.
Cả phía Xô Viết và Thụy Điển đều khẳng định khác nhau về vụ việc. Gần 40 năm sau sự kiện “Catalina”, các quan chức Thụy Điển thừa nhận đó là một máy bay do thám chứ không phải máy bay chở hàng. Năm 1991, Xô Viết cũng thừa nhận bắn hạ chiếc máy bay. Năm 2003, xác chiếc máy bay được tìm thấy ở biển Baltic. 4 thành viên phi hành đoàn được xác định danh tính nhưng 4 người khác vẫn còn mất tích. Phần xác máy bay sau đó được trưng bày ở Bảo tàng không quân Thụy Điển.
6. Gió lốc làm chết 300.000 người
Trận lốc xoáy chết người xảy ra vào ngày thứ Sáu, 13.11.1970 ở Bangladesh. Đêm thứ Năm hôm đó, gió lốc mang tên Bhola đã làm sạt lở đất và khiến 300.000 người thiệt mạng.
Trận gió lốc được đánh giá ở mức số 3 với sức gió 185km/giờ. Địa hình thấp của vùng vịnh Bengal càng làm thiệt hại của trận lốc thêm kinh khủng. Nước ở biển tạo ra những con sóng cao 5m cấp tập đánh vào bờ gây sạt lở thêm nghiêm trọng. Nhiều người không biết chạy đi đâu đành phải trèo lên cây cao để trốn nước lũ. Số khác bị cuốn đi.
Báo cáo năm 1972 cho thấy tỉ lệ sống sót cao nhất là trẻ em và nam thanh niên từ 15 đến 49 tuổi. Những người quá yếu không đủ sức để trèo cây – người già, ốm yếu, suy dinh dưỡng, phụ nữ nói chung – đều thiệt mạng.
7. Câu chuyện sinh tồn bi thương
Phim Alive dựa trên câu chuyện có thật
Vào thứ Sáu ngày 13.10.1972, đội tuyển rugby Công giáo của Uruguay lên máy bay tới Chile để tham dự một trận đấu. Đáng buồn là chiếc máy bay không bao giờ hạ cánh an toàn. Do lỗi định vị, máy bay đã đâm sầm vào đỉnh núi Andes.
Kì lạ là có tới 27 người trong tổng số 45 hành khách trên máy bay vẫn còn sống. Vì không có áo ấm để mặc và thức ăn để sinh tồn, họ buộc phải chế ra những dụng cụ làm tan băng trên đỉnh núi nhằm lấy nước sạch. Khi thức ăn cạn kiệt, họ ăn chính những người bạn của mình để sống sót. Cuốn sách viết năm 1974 và bộ phim sản xuất năm 1993 cùng mang tên “Sống sót” đã khắc họa thảm kịch này. Bão tuyết khiến 8 người nữa thiệt mạng.
Sau khi 2 người tình nguyện đi bộ để tìm kiếm trợ giúp, mãi tới cuối tháng 12, cứu hộ mới tới. 16 người còn lại được cứu sống vào ngày 23.12.1972 sau 72 ngày chiến đấu với thiên nhiên khắc nghiệt.
8. Rơi máy bay, 174 người thiệt mạng
Thứ Sáu ngày 13.10.1972, cùng ngày với chiếc máy bay chở đội tuyển rugby Uruguay gặp nạn ở dãy Andes, một chiếc máy bay chở khách đã rơi gần sân bay Sheremetyevo (Nga). Chiếc Ilyushin-62 chở theo 164 hành khách và 10 thành viên phi hành đoàn từ Paris tới Moscow có điểm dừng chân ở Leningrad. Khi máy bay gần tới sân bay, nó đâm sầm xuống đất ở vận tốc hơn 620km/giờ. Mọi người trên khoang đều tử nạn.
Nguyên nhân vụ rơi máy bay chưa được biết. Lỗi kĩ thuật có thể là một khả năng, hoặc giả thiết khác liên quan tới sét đánh khiến phi công mất quyền kiểm soát chiếc máy bay.
9. Bão tuyết phá tan Buffalo
Cư dân ở Buffalo (New York) hẳn rất mong chờ tuyết nhiều trong những tháng mùa đông. Nhưng 56cm giữa tháng 10 dường như hơi…nhiều quá.
Ngày thứ Sáu 13.10.2006 chứng kiến lượng tuyết kỉ lục ở sân bay Buffalo giữa đợt bão tuyết “Ngày thứ sáu đen tối”. Các thị trấn Depew, Alden, New York tuyết ngập 61cm. Hơn 1 triệu người chịu cảnh mất điện trong hơn 1 tuần vì trận bão tuyết lịch sử.