CSGT đường thủy Đà Nẵng: Nhân viên cảng vụ chủ trì cưỡng chế đã không làm tròn chỉ đạo của Sở GTVT.
Tàu Thảo Vân 2 cùng tàu Đại Thành và tàu Đna-0451 đã từng được yêu cầu cưỡng chế để quản lý. Nhưng tàu Thảo Vân 2 vẫn chạy “chui” chở khách dẫn đến thảm họa chìm tàu vừa qua ở Đà Nẵng.
Trách nhiệm của lực lượng biên phòng cửa khẩu cảng Đà Nẵng và CSGT đường thủy Đà Nẵng ở đâu? Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với lãnh đạo hai lực lượng có liên quan nêu trên.
Không phải trách nhiệm của biên phòng
Thưa ông, có ý kiến cho rằng tàu Thảo Vân 2 đã được bàn giao cho bên lực lượng biên phòng cửa khẩu cảng Đà Nẵng quản lý. Vậy vì sao tàu này lại có thể chở khách “chui” dẫn đến hậu quả nghiêm trọng trên?
Thượng tá Nguyễn Thành Đính, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng Đà Nẵng: Cái này tôi có thể trả lời luôn là thế này: Anh Tài (Trung tá Đặng Hữu Tài - Đội trưởng Đội CSGT đường thủy Đà Nẵng) nói là trong cuộc họp ngày 2-6, ba tàu gồm Thảo Vân 2, Đại Thành và tàu Đna-0451 sẽ được cưỡng chế về trước bục kiểm soát biên phòng. Tuy nhiên, lực lượng cưỡng chế là Sở GTVT và CSGT đường thủy chưa cưỡng chế tàu Thảo Vân 2 đưa về cho chúng tôi. Ngoài ra, Chính phủ và địa phương cũng không giao chúng tôi nhiệm vụ quản lý các tàu du lịch trên sông Hàn. Chúng tôi được giao làm nhiệm vụ cắm chốt ở đấy, cứu hộ cứu nạn và kiểm soát các tàu đi ra ngoài biển.
Ngoài ra, chúng tôi chỉ có chức năng kiểm tra, kiểm soát từ cửa vịnh Đà Nẵng đi ra ngoài biển. Tức là từ phường Thuận Phước (Đà Nẵng), từ cửa sông Hàn trở ra thôi. Bên cạnh đó theo Nghị định 50 về quản lý, bảo vệ an ninh, trật tự tại cửa khẩu cảng biển là của biên phòng chủ trì. Còn đây cảng sông Hàn là cảng sông, cảng thủy nội địa chúng tôi không được giao nhiệm vụ quản lý.
Theo ông, ai phải chịu trách nhiệm trong việc tàu Thảo Vân 2 hoạt động du lịch “chui” trên sông Hàn?
Trách nhiệm quản lý nhà nước thì hiện TP đã kiểm điểm rồi. Đã xử lý giám đốc, phó giám đốc cảng vụ, đội quản lý bến bãi rồi và bắt CSGT đường thủy phải kiểm điểm.
Vậy sau vụ chìm tàu này, các ông có kiểm điểm trách nhiệm của mình không?
Sáng nay chúng tôi vừa họp kiểm điểm anh em ở đơn vị. Cán bộ của biên phòng chúng tôi thực hiện nhiệm vụ ở đó (ở cảng sông Hàn) thì không phải là đi kiểm tra rời, xuất bến mà là tham gia giữ gìn an ninh ở đó khi có vấn đề gì. Tuy nhiên, chúng tôi là lực lượng tham gia thôi chứ không phải lực lượng chủ trì như CSGT đường thủy, cảng thủy nội địa hay quản lý bến. Trong cuộc họp kiểm điểm, tôi nói trước nỗi đau của nhân dân thì mình không được phép phủi trách nhiệm của mình. Nhưng nếu có kiểm điểm biên phòng cửa khẩu cảng thì cần căn cứ vào chức năng nhiệm vụ, quyền hạn được giao để kiểm điểm và chúng tôi thừa nhận những sai sót của chúng tôi.
Hai nữa, đêm đó (đêm tai nạn) có hai người trực đêm ở đầu cầu 1 đã không kịp thời phát hiện ra tàu Thảo Vân 2 này để báo cáo người chỉ huy, thông báo cho CSGT đường thủy cũng như cảng thủy nội địa biết để ngăn chặn. Nhưng mà nói thật, trên thực tế bên cảng vụ thủy nội địa không muốn biên phòng chúng tôi can thiệp.
Khu vực cầu cảng nơi các tàu du lịch trên sông Hàn neo đậu đón, trả khách. Ảnh: LP
Chưa kiểm điểm gì cả
Thưa ông, lãnh đạo biên phòng cửa khẩu cảng Đà Nẵng cho biết là họ chưa được nhận bàn giao tàu Thảo Vân?
Trung tá Đặng Hữu Tài, Đội trưởng đội CSGT đường thủy Đà Nẵng:Đúng rồi, đúng rồi.
Họ nói đây là cảng đường thủy nội địa thì không thuộc trách nhiệm quản lý, kiểm soát của biên phòng?
Cảng Đà Nẵng là cảng hàng hóa, mới chuyển giao cho đường thủy nội địa quản lý. Cho nên TP mới đưa các tàu du lịch này về đậu ở đó, trong đó có số tàu chuẩn bị cưỡng chế đó.
Tối hôm đó đi cưỡng chế gồm cảng vụ, thanh tra giao thông, biên phòng, CSGT tham gia và cảng vụ chủ trì. Việc cưỡng chế là từ đầu nam của cảng đưa về đầu bắc của cảng (vì trạm biên phòng nằm ở đầu bắc) không có gì khó khăn lắm. Nhưng có việc như thế này, là khi xuống đó thì tổ này đưa được một chiếc về chỗ biên phòng nhưng mà Cảng vụ đường thủy nội địa cũng không chủ trì lập biên bản bàn giao. Còn hai chiếc còn lại trong đó có chiếc Thảo Vân 2 bị chìm thì nó vẫn đậu ở đầu nam của cảng. Đầu nam hay đầu bắc thì vẫn nằm nguyên trong phạm vi quản lý của cảng vụ. Nhưng ở đây cái sai là các nhân viên của cảng vụ chủ trì việc này đã không làm tròn chỉ đạo của Sở GTVT. Anh chủ trì là phải làm cương quyết, làm đến nơi đến chốn, không làm được thì phải báo cáo cho cấp trên ngay nhưng anh lại không báo cáo. Anh không báo cáo ai hết cho nên biên phòng giờ mới chối trách nhiệm. Hồi đầu đâu có biết tình huống này đâu nhưng bây giờ ông ấy nói cũng đúng thôi.
Nhân viên không báo cáo việc không cưỡng chế được các tàu này thuộc đơn vị nào, thưa ông?
Nhân viên này gồm cảng vụ, thanh tra giao thông, biên phòng và các CSGT trong cái tổ lực lượng phối hợp để di dời về đó nhưng mà lại dưới sự chỉ đạo, chỉ huy, chủ trì của cảng vụ. Cho nên người chỉ đạo, chỉ huy người ta không làm cương quyết thì thành ra nhập nhằng.
Vậy sau vụ chìm tàu, bên CSGT đường thủy có tiến hành kiểm điểm một phần trách nhiệm nào trong vụ việc này không?
Bây giờ đang trong thời điểm các đơn vị đang tập trung họp bàn khắc phục hậu quả, thực hiện chỉ đạo của UBND TP về rà soát lại phương tiện, người lái… Sau đó, các cơ quan báo cáo đề xuất TP cái nào cho hoạt động và cái nào không cho hoạt động. Chúng tôi không có kiểm điểm gì bây giờ cả.
Xin cám ơn ông.
Chúng tôi cũng “bó phép” Tháng 9-2015, phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã yêu cầu kiên quyết không cho các tàu này lưu thông. Nhưng sau đó CSGT đường thủy không kiến nghị đưa lên bờ, cấm lưu thông luôn mà xử phạt rồi lại cho tàu này tiếp tục hoạt động? Trung tá Đặng Hữu Tài, Đội trưởng đội CSGT đường thủy Đà Nẵng: Nghị định 93 không quy định xử lý hành vi không có giấy đăng ký kinh doanh. Do đó, CSGT đường thủy thua, không thể xử lý được. Cái này lại thuộc quản lý của ngành du lịch, ngành giao thông. Năm ngoái chúng tôi mới phạt tàu Thảo Vân 2 là không có bằng thuyền trưởng. Đầu năm nay tôi bắt được lần nữa và phạt lỗi đăng kiểm hết hạn. Khoảng chục ngày sau họ đi làm đăng kiểm. Còn các thủ tục giấy khám sức khỏe, kinh doanh chở khách du lịch theo tuyến thì mới ra đời ở Nghị định 132 nhưng nghị định này thì phải bắt đầu từ ngày 1-7 này mới có hiệu lực. CSGT đường thủy “bó phép” ở chỗ đó. Họ đăng ký hoạt động kiểm định đầy đủ mà việc quản lý nhà nước là của Sở GTVT. |