Ai đứng sau bài diễn văn tuyệt vời của Tổng thống Obama?

Ngày 25/05/2016 19:45 PM (GMT+7)

Phía sau những bài phát biểu thu hút hàng triệu người trên thế giới của Tổng thống Obama là một đội ngũ cố vấn chuyên nghiệp.

Chuyến thăm ngắn ngày của Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Việt Nam để lại cho người dân Việt Nam rất nhiều cảm xúc. Không chỉ vì ông Obama rất thân thiện, ứng xử khéo léo, bình dị nhưng chân thành, mà còn vì những bài phát biểu khiến không ít người khi thì cười thỏa chí, lúc thì trầm ngâm suy nghĩ, cảm thấy thấm thía.

Bản lĩnh của một “tổng thống luật sư”

Cần nhớ rằng tổng thống Obama (và nhiều tổng thống Mỹ khác) là một giáo sư ngành luật. Cách đây vài tháng, ứng viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton, cũng là cựu ngoại trưởng thân cậy của tổng thống Obama đã khẳng định trước công chúng Mỹ rằng ông Obama nên làm Chánh án Tòa án tối cao Hoa Kỳ sau khi rời nhiệm sở là “một ý kiến tuyệt vời”. Bà Clinton nhìn nhận ông Obama rất thông minh, có thể giành chiến thắng trong một cuộc tranh luận và ông còn là một giáo sư luật vì vậy ông Obama có đủ mọi sự ủy nhiệm.

Ai đứng sau bài diễn văn tuyệt vời của Tổng thống Obama? - 1

Tổng thống Obama soạn bài diễn văn nhậm chức. Ảnh: TIME

Năm 2008, nước Mỹ đối mặt với sóng gió của cuộc khủng hoảng tài chính, người Mỹ hoang man vì khủng hoảng nội bộ, binh lính Mỹ mắc phải triệu chứng “hoảng sợ” bởi sự sa lầy của người Mỹ tại chiến trường Trung Đông. Ông Obama xuất hiện với khẩu hiệu “Chúng ta tin vào sự thay đổi” (Change we can believe in) với những bài phát biểu hừng hực niềm tin, hy vọng và sức sống khiến cả nước Mỹ “phát cuồng”.

Ở nhiệm kỳ thứ hai, ông Obama tiếp tục nhiệm kỳ hai với khẩu hiệu “Tiến lên" (Forward) - một nét bút nối dài của nhiệm kỳ số một đầy gian nan. Hai nhiệm kỳ nhưng cùng một logic và rõ ràng đã mang lại một sự cải thiện đáng nể cho nước Mỹ.

Trong khi cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đang vào chặng cuối, trang New York Times dẫn bài viết của David Brooks về Obama đầy xúc động: “Tôi nhớ Barack Obama”. David Brooks, một cây bút có nhiều bất đồng quan điểm với một số chính sách của Obama nhưng nước Mỹ sẽ nhớ đến ông rất nhiều bởi Obama luôn lạc quan và truyền ngọn lửa lạc quan vào trái tim, lý trí của những người lắng nghe ông nói.

Các ứng viên tổng thống Mỹ như Sanders, Trump, Cruz hay Ben Carson luôn cố chứng minh cho cử tri thấy rằng “nước Mỹ đang đứng trước bờ vực sụp đổ” để thể hiện mình là “anh hùng xuất hiện vào thời loạn”. Trong khi đó, ông Obama hiểu rằng người dân Mỹ sẽ đưa ra lựa chọn khôn ngoan hơn nếu họ được khích lệ bằng hy vọng, cơ hội chứ không phải bị dọa bằng nỗi sợ hãi, hoài nghi, hận thù và tuyệt vọng.

Ông Obama không chỉ gây ấn tượng mạnh tại Việt Nam qua những bài phát biểu của mình, mà ông đã làm được điều tương tự tại nhiều nơi, nhất là tại Mỹ - cường quốc số một thế giới. Nó xuất phát từ bản lĩnh hùng biện của luật sư, khí chất của một người làm việc công chúng, tầm nhìn của một người lèo lái nước Mỹ (chứ không phải một đất nước nào khác).

Và những người soạn thảo diễn văn “gan dạ”

Bên cạnh sự hiện diện của tố chất “tổng thống luật sư” trong những bài phát biểu của mình, ông Obama còn được trợ sức bằng một đội ngũ cố vấn am hiểu ông, am hiểu công việc ông làm và sứ mệnh ông đang gánh vác trên vai.

Điển hình như Cody Keenan, 33 tuổi, là người đã soạn thảo bản Thông điệp Liên bang cho tổng thống Obama vào năm 2014. Ông trở thành người đảm nhiệm việc soạn thảo Diễn văn cho tổng thống Obama sau khi người tiền nhiệm là Jon Favreau rời khỏi Nhà Trắng sau năm năm làm việc.

Ai đứng sau bài diễn văn tuyệt vời của Tổng thống Obama? - 2

Cody Keenan (trái) là người phụ trách soạn thảo diễn văn cho Tổng thống Obama. Ảnh: Wiki

Keenan đến từ Chicago, từng làm việc cho Cựu thượng nghị sĩ Edward Kennedy của bang Massachusetts. Ông làm thực tập sinh trong chiến dịch tranh cử ứng cử viên Đảng Dân chủ của ông Obama vào năm 2007.

Kết thúc kỳ thực tập, ông trở về Trường Quản lý Nhà nước John F. Kennedy, thuộc ĐH Harvard, lấy bằng thạc sĩ chính sách công vào năm 2008. Keenan bắt đầu sự nghiệp soạn thảo bài diễn văn sau khi soạn thảo ra bài phát biểu đầy nhiệt huyết mà ông Obama trình bày trong lễ tưởng niệm các nạn nhân vụ xả súng ở Tucson, Arizona.

Keenan cũng từng giúp tổng thống Obama soạn thảo điếu văn trong tang lễ của Cựu thượng nghị sĩ Ted Kennedy. Tổng thống Obama cũng là một người soạn thảo diễn văn tài năng nên Keenan cho biết để đáp ứng được những yêu cầu cao của ông Obama quả thật là một thách thức lớn.

Giáo sư chính sách công Steven Jarding của ĐH Harvard đánh giá Keenan là một người nhiệt huyết và không sợ khó khăn. Theo giáo sư, những cuộc phỏng vấn thử, những cuộc tranh luận của tổng thống hay những chương trình chất vấn đều không thể đe dọa được Keenan. “Cậu ấy không thể hiện mình nghiêm túc nhưng lại là một người nghiêm túc” - ông nhận xét.

Bí quyết viết diễn văn

Jon Favreau, cựu Giám đốc soạn thảo Diễn văn của Nhà Trắng, đã chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình soạn diễn văn cho ông Obama.

Thứ nhất, tổng thống sẽ bắt đầu bài diễn văn bằng cách đối thoại. Điển hình khi mở đầu bài phát biểu mừng chiến thắng ở cuộc họp kín Iowa vào năm 2008, Tổng thống Obama nói: “Các bạn biết đấy, mọi người nói rằng ngày này sẽ không bao giờ đến.” Tổng thống Obama đã mở đầu bài phát biểu bằng việc chuyện trò. “Tôi đã nói với ngài tổng thống rằng hãy bắt đầu bài phát biểu một cách gần gũi, tự nhiên nhất có thể” - Jon Favreau chia sẻ.

Theo Favreau, không nên bắt đầu bài phát biểu một cách cứng nhắc. “Khi ngài tổng thống giành chiến thắng trong cuộc họp kín Iowa, nhiều người khuyên ông ấy nên mở đầu bằng một loạt lời cảm ơn. Nhưng tôi khuyên ông đừng. Cả thế giới đang chứng kiến giây phút đó nên ngài ấy cần một phần mở đầu ấn tượng, không được giả tạo hay rẻ tiền. Từ ngữ chúng ta nói phải thật tự nhiên và giàu ý nghĩa.”

Tổng thống Obama và Jon Favreau (phải) thảo luận về bài phát biểu. Ảnh: Getty

Thứ hai pha trộn vào bài phát biểu những câu chuyện cười. Đây là một con dao hai lưỡi. “Một ngày kia, Matt Damon, tôi yêu cậu Matt Damon, cậu ấy nói với tôi rằng cảm thấy thất vọng với bài phát biểu của tôi. Được rồi Matt, tôi đã đến Cục Hiệu chỉnh, giờ thì quay lại với bạn đây, anh bạn,” Tổng thống Obama phát biểu tại bữa tiệc tối của Hiệp hội Phóng viên tại Nhà Trắng vào năm 2011. Đó là một câu chuyện khiến cả hội trường cười nghiêng ngả, bởi nó hài hước một cách rất thông minh.

“Đưa một câu chuyện cười đơn thuần vào bài phát biểu là tốt nhưng việc này nhiều khi “không thích hợp” với một chính trị gia” - Fareauv nói. Theo ông, sự hài hước một cách tự nhiên của người phát biểu sẽ thu hút hơn cả. Fareauv chia sẻ rằng “Tôi không gượng ép ngài tổng thống phải có những câu nói đùa kiểu chơi chữ. Ngài ấy hài hước nhất là khi chỉ ra những cái nhìn châm biếm của mình về sự phi lý của chính trị”.

Thứ ba, người phát biểu nên kể chuyện cá nhân. “Làm một thiếu niên quả thật không dễ dàng. Đó là quãng thời gian bạn phải vật lộn với nhiều thứ,” Tổng thống Obama phát biểu mừng năm học mới 2010. Ông kể: “Khi còn niên thiếu, tôi cũng từng phải vật lộn với đủ loại câu hỏi về việc mình là ai. Tôi có một người mẹ da trắng và một người bố da đen. Bố không ở cạnh bên tôi, ông ấy rời đi khi tôi mới hai tuổi.”

Theo Jon Favreau, diễn giả nên nói với mọi người về lý do vì sao mình từng làm những việc trong quá khứ. “Nếu bạn đang kể về một câu chuyện cá nhân, hãy làm cho nó chân thực hơn bằng cách nói về những thời điểm khó khăn.”

Thứ tư, đương đầu bằng sự châm biếm. “Ông (ám chỉ Mitt Romney - ứng cử viên Đảng Cộng hòa năm 2012) không thể sẵn sàng cho mối quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh nếu không thể tham dự Thế vận hội Olympics mà không làm phiền lòng những đồng minh thân cận của chúng ta.”

Theo Favreau, chỉ trích trực tiếp đối thủ sẽ không mang lại hiệu quả. “Đi đường vòng một chút, cố gắng “vẽ ra sự tương phản”, báo chí sẽ bắt được ngay ý đồ của người nói”. Theo ông, châm biếm là một cách tiếp cận tốt. “Hãy nhớ lại bài phát biểu phản bác bà Hillary Clinton trong cuộc bỏ phiếu kín trước đây: “Ngài tổng thống hiếm khi đề cập đến tên Hillary nhưng mọi người đều biết ngài đang nói về bà ấy.”

Thứ năm, phải đẩy bài phát biểu càng lúc càng kịch tính hơn. “Tôi giờ không còn là một ứng cử viên nữa. Tôi là tổng thống. Tôi hiểu rằng khi đẩy những thanh niên trẻ của nước Mỹ ra chiến trường, tức là đang nắm giữ trong tay mình những người bố, người mẹ của các chiến sĩ không trở về” - ông Obama phát biểu tại Hội nghị Toàn quốc Đảng Dân chủ vào năm 2012.

Ông Favreau cho biết câu trên lẽ ra phải đặt ở đầu bài phát biểu, tuy nhiên ông đã di chuyển nó xuống phần kết thúc để tạo ra một khoảnh khắc kịch tính trước khi tăng tốc và khiến mọi người tập trung lần nữa. Theo ông, để làm điều đó, để thu hút những tràn pháo tay giòn giã, hãy nói những câu như “Hãy nói to lên”, “Mọi người hiểu chứ?”

Theo ĐẠI THẮNG - NHIỀU LÊ
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tổng thống Obama sang Việt Nam