Sau thảm kịch giẫm đạp khiến 151 người thiệt mạng, dư luận Hàn Quốc đặt câu hỏi – Liệu có thể ngăn chặn bi kịch từ trước và ai chịu trách nhiệm?
Dù có triển khai thêm cảnh sát cũng không thể ngăn chặn
Thảm kịch xảy ra khi rất đông người trẻ dồn về con hẻm nhỏ dẫn từ cổng số 1 nhà ga Itaewon với Con đường Ẩm thực Thế giới, đằng sau khách sạn Hamilton, trung tâm thủ đô Seoul.
Con hẻm dài 45m, rộng 4m, dốc xuống phía đường chính và nhà ga Itaewon.
Theo lời kể của những người chứng kiến, nhiều người đã xô đẩy nhau khi di chuyển trong hẻm.
Giữa lúc quá sốc và đau xót, những làn sóng dư luận chỉ trích đã dâng trào tại Hàn Quốc. Nhiều người khẳng định thảm kịch giẫm đạp này đáng lẽ đã có thể ngăn chặn sớm nhưng lại không được quan tâm ngay từ đầu.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol trực tiếp tới con hẻm trên phố Itaewon nơi xảy ra thảm kịch giẫm đạp tối 29/10. Ảnh - Sky News
Tiệc Halloween tại Itaewon từ lâu đã là một sự kiện công khai, thu hút nhiều người trẻ tham gia. Mọi năm, cũng có rất đông người, nhất là thanh niên thường hoá trang và tụ tập về đây để tổ chức lễ hội Halloween.
Năm ngoái, dù dịch bệnh đang tiếp diễn nhưng cũng đã có rất đông người đến Itaewon để ăn mừng, khiến dư luận bức xúc vì lo ngại lễ hội đó có thể trở thành “sự kiện siêu lây nhiễm”.
Theo cập nhật từ giới chức địa phương, số người thiệt mạng vì vụ giẫm đạp tại Hàn Quốc đã lên tới 151 người và 82 người bị thương. Trong số những người thiệt mạng có 19 người nước ngoài là công dân Iran, Uzbekistan, Trung Quốc, Na Uy và Việt Nam...
Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc xác nhận 1 công dân Việt Nam đã thiệt mạng trong thảm họa giẫm đạp tại Itaewon, Seoul.
Trước sự kiện năm nay, giới chức cũng dự đoán sẽ có rất đông người dân đổ về đây dự lễ hội vì lễ hội Halloween năm nay là lần đầu tiên trong 3 năm được tổ chức mà không cần áp dụng các biện pháp phòng dịch, giãn cách xã hội.
Do đó, nhiều người đã đặt câu hỏi liệu có thiếu cảnh sát kiểm soát đám đông hay không.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Hàn Quốc Lee Sang-min khẳng định thảm kịch này không thể ngăn chặn bằng cách triển khai thêm lực lượng cảnh sát.
“Đây không phải hoạt động tụ tập quy mô lớn gây quan ngại đặc biệt. Quy mô sự kiện cũng không quá lớn so với những năm trước. Đây dường như không phải là một sự cố có thể được ngăn chặn bằng cách triển khai thêm cảnh sát hoặc nhân viên cứu hỏa” – ông Lee nói.
Mặt khác, theo ông Lee, đã có lượng lớn cảnh sát được điều động tới quảng trường Gwanghwamun do có biểu tình.
Khó truy trách nhiệm, xử phạt người tổ chức
Còn theo các chuyên gia, sự kiện lần này không phải là hoạt động có tổ chức nên không thể truy trách nhiệm, xử phạt người tổ chức sự kiện theo luật vì lơ là, thiếu kiểm soát như các sự kiện khác.
Ông Yeom Gun-woong – Giáo sư đang làm việc tại Khoa Cảnh sát và Phòng cháy chữa cháy Đại học Yoo Won (U1) chia sẻ: “Khi lực lượng cứu hộ tới hiện trường, tình hình thương vong đã nghiêm trọng hơn dự đoán. Giới chức đã huy động xe cứu thương, nhân viên cứu hộ từ khắp vùng thủ đô Seoul về đây”.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Hàn Quốc cho rằng, đây không phải là một sự cố có thể được ngăn chặn bằng cách triển khai thêm cảnh sát hoặc nhân viên cứu hỏa. Ảnh - Sky News
"Xe cứu thương và lực lượng cứu hộ không thể dễ dàng tiếp cận hiện trường do tắc nghẽn và đông đúc dù hiện trường xảy ra sự việc chỉ cách đơn vị phòng cháy chữa cháy gần nhất khoảng 100m. Với gần 300 nạn nhân, chúng tôi không thể có đủ nhân lực ngay lập tức để ứng phó kịp thời" – ông Yeom nhận định.
Theo Giáo sư Lee Young-ju từ Khoa Phòng cháy chữa cháy và Thảm hoạ thuộc Đại học Seoul, thông thường, những sự kiện do chính quyền hoặc các cơ quan ở địa phương tổ chức phải có kế hoạch an toàn, các phương án dự phòng nếu có hơn 1.000 người tham dự. Nhưng đây là sự kiện không có đơn vị tổ chức cụ thể nên không có kế hoạch kiểm soát an toàn.
“Đây là một thảm họa có thể được kiểm soát hoặc ngăn chặn. Nhưng nó đã không được quan tâm, không có ai đứng ra chịu trách nhiệm ngay từ đầu” – ông Lee nói.