Chuyên gia nhận định, máy bay QZ 8501 của hãng hàng không AirAsia mất tích có thể do bay quá chậm. Trong khi đó, trời vừa hửng sáng, 8 tàu thuyền, 2 máy bay và 3 trực thăng đã bắt đầu cuộc tìm kiếm.
* Geoffrey Thomas, chuyên gia hàng không phát biểu trên AAP rằng, QZ8501 mất tích có thể do bay quá chậm khi gặp phải thời tiết xấu.
"Do cố gắng tránh cơn bão, phi công đã điều khiển máy bay bay chậm tương tự như tai nạn của Air France AF447 rơi xuống biển năm 2009', ông Thomas cho biết.
Chiếc máy bay Air France AF447 bị rơi xuống Đại Tây Dương vào năm 2009 khi đang trên đường từ Rio De Janeiro tới Paris.
"QZ8501 đã bay quá chậm, khoảng 100 hải lý mà bay với tốc độ 160km/h là cực kỳ nguy hiểm với loại máy bay A320. Về cơ bản máy bay bay chậm, ở độ cao đó không khí mỏng khiến cánh không hỗ trợ tốc độ. Bên cạnh đó, A320 không được trang bị radar mới nhất cũng là một lý do gây tai nạn", chuyên gia hàng không bày tỏ.
Radar được sử dụng trong máy bay A320 đôi khi gặp vấn đề trong giông bão và các phi công dễ đoán sai mức độ nghiêm trọng của cơn bão. Trong khi đó, radar công nghệ mới nhất, tiên phong bởi Qantas vào năm 2002 có thể giúp phi công đọc hoàn chỉnh và chính xác hơn.
Theo kinh nghiệm của chuyên gia này, nếu phi công không có radar đa năng thì phải nhìn xuống chân của cơn bão để phán đoán cường độ ẩm và mưa rồi nhận định nó xấu như thế nào. Tuy nhiên, nó dễ dẫn đến sai lầm như trường hợp này.
* Sau khi bị trì hoãn do trời tối, hoạt động tìm kiếm trên quy mô lớn tiếp tục diễn ra sau khi chiếc máy bay chở khách của hãng hàng không AirAsia mất tích khi bay từ Indonesia đến Singapore.
Nhân viên hải quân Indonesia tìm kiếm AirAsia QZ 8501 trên máy bay CN235 tại biển Java. Ảnh: Reuters
Hiện tại đang có 8 tàu thuyền, 2 máy bay và 3 trực thăng nỗ lực tìm kiếm máy bay mất tích.
Tuy nhiên, tin mới cho biết, lực lượng quốc phòng Úc đã bắt đầu tham gia tìm kiếm máy bay QZ8501. Một chiếc máy bay tuần tra hàng hải (RAAF) AP-3C Orion đã bắt đầu cất cánh từ Darwin vào sáng sớm nay.
Đại tướng không quân Úc Mark Binskin khẳng định, chiếc máy bay RAAF AP-3C Orion thích hợp trong việc tìm kiếm và cứu hộ với bộ radar cảm biến hồng ngoại và quang điện tử giúp các phi hành đoàn quét hình ảnh rõ nét dưới biển.
Và nhiều phương tiện cứu hộ của các nước cũng túc trực sẵn sàng tham gia tìm kiếm nếu nhận được mong muốn giúp đỡ.
Trước đó đã có thông tin một mảnh vỡ của máy bay QZ 8501 được tìm thấy, tuy nhiên, cơ quan chức năng chưa xác nhận thông tin.
Chiếc máy bay AirAsia QZ 8501 bi mất liên lạc sau 3 phút khi yêu cầu đổi độ cao vì bão và không có tín hiệu cấp cứu.
Giám đốc điều hành của AirAsia, Tony Fernandes, đã cảm ơn Indonesia, Signapore và chính phủ Malaysia đã hỗ trợ trong việc tìm kiếm.
Giám đốc điều hành của AirAsia, Tony Fernandes.
"Chúng tôi ưu tiên hàng đầu việc tìm kiếm hành khách và nhân viên của chúng tôi trên chuyến bay, Chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì có thể", ông Tony Fernandes cho biết.
Ông thừa nhận hiện tại không tìm thấy thông tin gì về chuyến bay và đây là ác mộng tồi tệ nhất của mình.
Chiếc máy bay của AirAsia mất tích hôm nay được đưa vào hoạt động năm 2008 và đã trải qua 23.000 giờ bay với 13.600 chuyến bay.
Hầu hết những người trên máy bay mang quốc tịch Indonesia, ngoài ra có 1 người Singapore, 1 người Malaysia, 1 người Pháp, 3 người Hàn Quốc.
Bảy thành viên phi hành đoàn gồm 2 phi công, 4 tiếp viên và 1 thợ máy. Trong số 155 hành khách có 138 người lớn, 16 trẻ em và 1 trẻ sơ sinh.