Ân hận của người mẹ mỗi đứa con sinh ra của... một ông bố khác nhau

Ngày 17/07/2016 11:48 AM (GMT+7)

Không học hành, thiếu hiểu biết, bà Hải chỉ nghĩ đơn giản... đẻ bằng được đứa con gái để nương nhờ lúc tuổi già. Suy nghĩ lạ lùng ấy khiến bà trở thành một “quả bom” dân số thực sự, khi sòn sòn cho ra đời những đứa con... chẳng biết mặt cha.

Không học hành, thiếu hiểu biết, bà Hải chỉ nghĩ đơn giản... đẻ bằng được đứa con gái để nương nhờ lúc tuổi già. Suy nghĩ lạ lùng ấy khiến bà trở thành một “quả bom” dân số thực sự, khi sòn sòn cho ra đời những đứa con... chẳng biết mặt cha. Nỗi khổ và những bi kịch từ câu chuyện khó tin nhưng có thật này, được chúng tôi ghi lại trong chuyến công tác về huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long.

Ân hận của người mẹ mỗi đứa con sinh ra của... một ông bố khác nhau - 1

Căn nhà giản đơn của mẹ con bà Hải

“Mượn” chồng người khác để... sinh con

Gặp chúng tôi, với sự động viên của cán bộ ấp và cán bộ dân số, bà Nguyễn Thị Hải (56 tuổi, ngụ xã Xuân Hiệp, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) nước mắt ngắn dài kể về chuyện đời thăng trầm của mình. Bà sinh ra trong một gia đình nghèo khó. Lúc trưởng thành, trong khi bạn bè đều lần lượt lấy chồng thì bà vẫn ở vậy, trơ trọi, đơn độc. Nhà nghèo, vẻ bề ngoài lại kém hấp dẫn, bà chỉ biết ngậm ngùi nhìn người ta hạnh phúc. Thời gian trôi đi, khát khao về một tình yêu, một mái ấm trọn vẹn dần nguội lạnh. “Đúng lúc ấy, tôi quen một người đàn ông và nhanh chóng hẹn hò với người này chỉ sau một lần gặp. Điều gì đến cũng đến, tôi mang thai đứa con đầu tiên trong niềm vui sướng ngập tràn”, bà Hải kể.

Người đàn ông mà bà Hải nhắc tới tên T.. Những ngày đầu quen biết, ông T. tỏ ra là người hiểu chuyện, hết lòng với bà Hải nhưng khi cái thai của “vợ” ngày một lớn, T. dần lộ rõ bản chất của một gã “Sở Khanh” đúng nghĩa.“Ngày tôi sinh con, ông ta bỏ đi không lời từ biệt. Sau này tôi mới biết, ông ta đã có vợ con rồi”, giọng bà Hải chùng xuống.

Sinh con một mình, khi “chồng hờ” lạnh nhạt bỏ đi, bà phải chịu biết bao lời chì chiết từ phía gia đình. Gạt đi những điều tiếng, bà Hải gượng dậy, cố gắng làm lụng để lo lắng chuyện tương lai của đứa con thơ. Tuy nhiên, trong thâm tâm của bà, niềm khát khao có một bé gái ẵm bồng vẫn luôn cháy bỏng. Bà cho biết: “Nhìn thấy người ta có con gái, thật lòng tôi không thể chịu nổi, bằng mọi giá tôi phải cố sinh thêm một đứa con gái để sau này nương tựa lúc tuổi già”.

Suy nghĩ thiển cận, không chút tính toán ấy biến bà Hải từ người phụ nữ sống khép mình trở nên “dễ dãi”. “Tôi chấp nhận “má ấp tay kề” với đàn ông để sinh con gái. Kết quả sau những lần “dễ dãi” đó là những đứa con trai lần lượt ra đời trong sự đói nghèo, tuyệt vọng. Mỗi người cha của những đứa con tôi sinh, họ đều dứt áo ra đi, không ai có trách nhiệm gì”, bà Hải nghẹn ngào kể lại.

Chuyện bà Hải sống đơn thân và đẻ “sòn sòn” hồi ấy khiến dư luận địa phương dậy sóng. Nhưng trong cảnh cơ cực, bần hàn, bà Hải vẫn không chịu ngừng đẻ. Cái suy nghĩ sinh bằng được đứa con gái để nương tựa khiến bà lại chấp nhận cho một người đàn ông nữa đi qua đời mình. Và lần này, bà sinh một bé gái.

Bi kịch xót xa

Ân hận của người mẹ mỗi đứa con sinh ra của... một ông bố khác nhau - 2

Bà Hải chia sẻ những bi kịch của cuộc đời mình

Khi đứa con gái cất tiếng khóc chào đời, người phụ nữ này đã không cầm được nước mắt. Vẫn giống như “kịch bản” mấy lần trước đó, “cha bé gái này đã “quất ngựa truy phong” khi bé mới thôi nôi. “Tôi cứ tưởng, có một bé gái là đủ nhưng khi thấy chúng nó không được gặp cha tôi cảm thấy nhói lòng. Tất cả là do tôi, chỉ vì quá nhẹ dạ, cả tin và thiếu hiểu biết về pháp lệnh dân số, về chính sách pháp luật của Nhà nước. Mỗi đứa con tôi sinh ra lại là của một người đàn ông. Tội thân chúng, cơ cực, đói khổ đã đành. Chúng còn chưa bao giờ biết mặt cha”, bà Hải tự trách.

Bà Hải kể, khi các con đến tuổi ăn học, một mình bà phải cáng đáng tất cả mọi việc trong ngoài để bù đắp lại nỗi bất hạnh. Vậy nhưng, chừng ấy là chưa đủ để lấp đầy nỗi trống vắng, khi các bé bị bạn bè trêu chọc. Nói về người láng giềng, bà Ngân cho biết: “Chị Hải có một tuổi thơ cơ cực, sống tách biệt với mọi người vì mặc cảm về hình dáng bên ngoài. Có lẽ cũng bởi sự bất hạnh đó, cộng thêm sự thiếu hiểu biết, chị ấy mới sinh mỗi đứa con với một người đàn ông khác nhau. Để rồi, bao nỗi đắng cay, bất hạnh và gánh nặng mưu sinh, chị ấy phải một mình gánh chịu”.

Nhiều năm trôi qua, an ủi lớn nhất với bà Hải có lẽ là sự lớn lên và dần trưởng thành của các con. Thiếu bàn tay chăm sóc của cha, cái ăn, cái mặc chẳng mấy khi đủ đầy. Các con bà Hải đứa nào cũng chỉ được học chữ nghĩa chút ít rồi nghỉ ngang. Chính quyền địa phương sau những lần xử phạt, rồi kiểm điểm vi phạm pháp lệnh Dân số, phải đưa gia đình bà Hải vào diện nghèo. Các con bà nhờ vậy cũng được hỗ trợ ít nhiều. Nhưng rồi, họ cũng sớm bỏ học, đi làm thuê, làm mướn đỡ đần cho mẹ. “Giờ tôi mới biết, sinh con gái hay trai không quan trọng. Vấn đề là bậc làm cha mẹ phải có trách nhiệm dạy dỗ cho chúng nên người. Các con tôi dù không được học cao, đỗ đạt như bạn bè cùng trang lứa nhưng chí ít cũng có việc làm, không làm gánh nặng cho xã hội. Đó chính là niềm hạnh phúc lớn nhất cho những người làm mẹ như tôi”, bà Hải đúc kết.

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Chí Công (Tổ trưởng tổ 5, ấp Hồi Thạnh) cho biết: “Chuyện sinh đẻ của bà Hải xảy ra cũng đã nhiều năm. Thương bà ấy tình duyên lận đận, song chuyện sinh cả đàn con mà không đứa nào biết mặt cha thì thật khó cảm thông. Hệ lụy nhãn tiền của nó, chính là cuộc sống cơ cực, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần kéo dài suốt nhiều năm. Mong rằng thời gian tới, cuộc sống của bà ấy sẽ được cải thiện hơn khi các con cùng chung tay lo lắng cho mẹ”.

Theo Khánh An
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h