Nuôi lợn rừng thả rông bằng cách kết hợp cho ăn trái cây sau vườn, cùng đậu nành và hèm bia, anh Nguyễn Tấn Đạt (ở Sóc Trăng) thu về 200-300 triệu đồng mỗi năm. Hiện mô hình nuôi heo rừng đang được nhiều hộ dân áp dụng và mang lại nguồn thu nhập đáng kể.
Ngày nay nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi của người dân ngày càng cao, đặc biệt là các loại thịt đặc sản quý hiếm. Lợn rừng lai là một trong những động vật hoang dã được nhiều người Việt ưa chuộng. Món ăn chế biến từ thịt lợn rừng lai được đánh giá có hương vị thơm ngon, thịt chắc, ít mỡ; giá bán cũng vì thế cao gấp 3 - 5 lần so với thịt lợn nhà.
Lợn rừng lai có da lông màu đen hoặc nâu xám. Mỗi năm chúng đẻ 2 lứa, mỗi lứa 5 – 10 con, riêng lứa đầu có thể 3 - 5 con.
Mô hình chăn nuôi lợn rừng lai hiện nay theo 2 hình thức: thả rông và xây chuồng. Nuôi lợn rừng lai theo kiểu thả rông là hình thức được nhiều người dân lựa chọn. Với hình thức này, người dân sử dụng lán trại nuôi con vật, đồng thời trồng rau củ làm thức ăn cho chúng. Trong khi đó, nuôi lợn rừng lai theo kiểu xây chuồng hay còn gọi nuôi lợn rừng thương phẩm, con vật sẽ được nuôi trong chuồng xây bằng gạch hoặc quây bằng cây gỗ, có mái che, nền đất. Chuồng có thể ngăn ô riêng biệt, mỗi ô nuôi nhốt từ 1 – 2 con để tiện chăm sóc. Thức ăn ngoài các loại thân, lá, củ, quả sẽ bổ sung thêm cám ngô,gạo, bột đậu tương, khoai lang, cơm hoặc các thức ăn thừa…
Trên thị trường, lợn rừng lai có giá dao động từ 180.000 - 200.000 đồng/kg, còn lợn rừng thuần chủng giá 300.000 đồng/kg. Ngoài ra, con giống nuôi từ 2,5 - 3 tháng, trọng lượng đạt từ 6 – 10kg, giá bán khoảng 5 triệu đồng/con đối với lợn rừng thuần chủng và dao động từ 1- 2 triệu đồng/con đối với lợn rừng lai.
Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề chăn nuôi lợn rừng, anh Nguyễn Tấn Đạt (34 tuổi, ở huyện Kế Sách, Sóc Trăng) cho biết vào năm 2016, thấy gia đình có vườn trái cây rộng hơn 3.000 m2, anh Đạt quyết định khởi nghiệp lại từ đầu với mô hình nuôi lợn rừng bán hoang dã sau một lần hùn vốn hàng trăm triệu đồng với bạn nuôi heo rừng nhưng thất bại.
Đàn lợn rừng của anh Đạt được nuôi theo hình thức bán hoang dã.
Anh Đạt áp dụng mô hình nuôi lợn kết hợp nhốt chuồng và thả rông. Vật nuôi chủ yếu được cho ăn hoa quả kết hợp thức ăn hữu cơ, nhiều đạm thực vật như bã đậu nành, hèm bia. Bên cạnh đó, trái cây cũng là nguồn thức ăn được anh gia giảm mỗi ngày, tùy theo thể trạng lợn nuôi. Bên cạnh đó, anh Đạt còn kết hợp với một số trang trại ở Bình Thuận, Đắk Lắk để có nguồn giống chất lượng. Anh Đạt cho biết được bổ sung trái cây, lợn rừng lớn nhanh, thịt ngon, săn chắc, không có mùi hôi và ít bệnh hơn so với việc chỉ nuôi bằng thức ăn công nghiệp.
Lợn nuôi khoảng 6 tháng được xuất bán thương phẩm với giá khoảng 130.000 -150.000 đồng/kg. Mỗi năm, trang trại của anh Đạt cung cấp cho thị trường miền Tây hơn 1.000 con lợn, mỗi con cho lợi nhuận 500.000 - 800.000 đồng. Anh Đạt tiết lộ, nhờ thả nuôi đàn lợn rừng trong vườn cây ăn trái sau nhà, mỗi năm anh có nguồn thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng.
Cũng làm giàu từ mô hình nuôi lợn rừng, anh Cao Hùng Cường (Quảng Nam) cho biết, trước đây, anh chỉ làm công nhân xây dựng nên thu nhập thấp. Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ thịt lợn rừng lai trên thị trường ngày càng cao, anh quyết định tìm hiểu và xây dựng mô hình nuôi lợn này trên chính vườn nhà.
Đầu năm 2019, anh Cường vay ngân hàng 50 triệu đồng cùng số vốn tích góp được khởi nghiệp. Ban đầu, anh mua 4 con lợn rừng lai giống (gồm 3 con cái và 1 đực) với số tiền hơn 30 triệu đồng. Số vốn còn lại anh sử dụng để xây chuồng trại, cải tạo vườn để làm nguồn thức ăn.
Theo anh Cường, lợn rừng lai tương đối dễ nuôi. Anh Cường thường xuyên chủ động tạo nguồn thức ăn xanh, phế phẩm nông nghiệp như bã bia, đầu cá/tôm, bánh dầu, các loại rau, cỏ, chuối cây để làm thức ăn cho vật nuôi. Mỗi năm, lợn mẹ đẻ 2 lứa, mỗi lứa đẻ từ 6 - 8 con. Ngoài xuất bán lợn thịt, anh Cường chọn lọc những con tốt để làm giống, cứ thế xoay vòng. Hiện tại, mô hình nuôi lợn của anh Cường có diện tích rộng hơn 1500m², tổng lượng đàn hơn 100 con/năm.
Anh Cường thường xuyên chủ động tạo nguồn thức ăn xanh, phế phẩm nông nghiệp như bã bia, đầu cá/tôm, bánh dầu, các loại rau, cỏ, chuối cây để làm thức ăn cho vật nuôi.
Anh Cường tiết lộ, lợn rừng lai khi xuất bán giá dao động từ 160.000-180.000 đồng/kg lợn hơi. Mỗi năm, anh xuất bán khoảng hơn 50 con lợn rừng lai thương phẩm, ngoài ra còn bán lợn giống. Doanh thu khoảng 300 triệu đồng, sau khi trừ chi phí anh lãi hơn 150 triệu đồng.
Tương tự anh Cao Hùng Cường, gia đình ông Nguyễn Ngọc Cường tại xã Quyết Thắng, thành phố Thái Nguyên cũng là một trong những mô hình nông hộ chuyên về chăn nuôi lợn rừng nổi bật tại Thái Nguyên.
Sau khi nghỉ hưu, vợ chồng ông Cường sống trong ngôi nhà cấp 4, có khuôn viên lên đến hơn 3.000m2 cùng vườn cây, ao cá. Nhận thấy vườn nhà có thể tận dụng để chăn nuôi nên đến năm 2015, vợ chồng ông quyết định bắt 22 con lợn rừng về nuôi. Tuy nhiên, do không có kinh nghiệm nên thời gian đầu lợn bị bệnh.
Không nản chí, ông Cường đã đi tới một số trang trại tại tỉnh Thái Bình để học hỏi kinh nghiệm. Sau đó, 2 vợ chồng tiếp tục bỏ ra gần 100 triệu đồng để bắt 8 con lợn nái và 1 lợn đực về nuôi sinh sản.
Để đàn lợn phát triển tốt, ông Cường dành hơn 1.000m2 đất cho việc xây dựng chuồng trại và làm chỗ vận động cho lợn. Ông Cường cho hay, thức ăn chăn nuôi lợn rừng chủ yếu là chuối sẵn có cùng với rau, bã đậu và cám gạo. Sau đó, ông phối trộn theo tỷ lệ 1 tạ rau, bã đậu, chuối + 10kg cám gạo + 1kg muối, sau đó mang ủ đúng thời gian rồi mới cho lợn ăn. Nhờ đó, đàn lợn rừng của gia đình sinh trưởng tốt, phát triển theo từng năm.
Ông Cường tâm sự, sau khi trừ chi phí, mỗi năm ông lãi khoảng 150 triệu đồng từ nuôi lợn. Hai vợ chồng ông khẳng định, việc chăn nuôi như của gia đình mang lại hiệu quả cao, phù hợp với điều kiện của nhiều người dân tại địa phương mong muốn làm giàu, thay đổi cuộc sống.