Bà chủ tập đoàn 'kích dục' được hưởng án tù treo

Ngày 06/02/2015 11:34 AM (GMT+7)

Do có nhiều tình tiết giảm nhẹ cùng lúc lại nuôi bốn con con nhỏ, cha mẹ già nên Yến được giảm từ án tù giam thành án tù treo.

Ngày 5/2/2015, Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM chấp nhận đơn kháng cáo, giảm án từ 4 năm xuống 3 năm tù và cho hưởng án treo đối với Phan Thị Yến (36 tuổi, chủ  tập đoàn massage Tân Hoàng Phát) về tội Cưỡng đoạt tài sản với thời gian thử thách là 5 năm. Liên quan đến vụ án, bị cáo Nguyễn Minh Phương (41 tuổi, quản lý cơ sở massage Hoàng Thành, thuộc Tân Hoàng Phát) cũng được tòa giảm từ 3 năm xuống 2 năm 6 tháng tù về tội Bắt giữ người trái phép.

Trong phiên tòa sơ thẩm, Yến kêu oan, cho rằng mình bị truy tố tội Cưỡng đoạt tài sản là không chính xác. Nữ bị cáo này phân trần: “Tôi chỉ là vợ, tất cả công việc đều làm theo ý của chồng là Phan Cao Trí. Tôi chỉ có việc giữ tiền giúp chứ không liên quan gì”.

Bà chủ tập đoàn #039;kích dục#039; được hưởng án tù treo - 1

Yến và Phương trong phiên tòa phúc thẩm

Tuy nhiên, trong phiên tòa phúc thẩm, Yến lại thay đổi lời khai. Yến thừa nhận là thủ quỹ, làm theo sự chỉ đạo của chồng. Hàng ngày, Yến nhận tiền từ các cơ sở gửi lên chứ không trực tiếp thu. Bị cáo cũng không bàn bạc, tham gia vào việc bắt giữ người.

Yến nêu lý do xin giảm án: “Trong vụ án này, tôi bị phạt 4 năm tù, chồng và em trai cũng vào tù. Bản thân bị cáo là lao động chính nuôi ba  con nhỏ và một đứa con riêng của chồng. Trong đó, đứa lớn mới 13 tuổi và đứa nhỏ mới 8 tuổi. Tôi cũng là người chăm sóc cha mẹ già. Từ khi vụ án xảy ra, gia đình tôi rất khó khăn. Ngoài ra, tôi đang bị trầm cảm nặng, có giấy chứng nhận của bệnh viện”. “Từ những điều này, tôi hy vọng nhận được sự khoan hồng của pháp luật, được giảm án tù treo để nuôi các con cũng như cha mẹ già”, bị cáo nói thêm.

Trong khi đó, bị cáo Phương khai, trong vụ án này chỉ là người quản lý, trông coi và làm theo chỉ đạo của Trí. Sau khi tập đoàn Tân Hoàng Phát bị phát hiện, bị cáo về quê làm ruộng, nuôi ba con còn nhỏ. “Tôi là lao động chính. Hiện tại, gia đình tôi rất khó khăn nên mong muốn HĐXX chấp nhận đơn kháng cáo, giảm án tù thành án treo”, Phương nói.

Giờ nghị án kết thúc, HĐXX nhận định, hai bị cáo phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, diễn ra trong khoảng thời gian dài, gây hoang mang, dư luận lớn. Do đó, cần có mức án nghiêm để răn đe. Tuy nhiên, trong vụ án, Phan Cao Trí mới chính là kẻ chủ mưu. Riêng Yến và Phương chỉ là đồng phạm. Tại phiên tòa, hai bị cáo thành khẩn, ăn năn hối hận, đều còn con nhỏ nên chấp nhận một phần kháng cáo.

Do bị cáo Yến có nhiều tình tiết giảm nhẹ cùng một lúc nên Tòa chấp nhận giảm án tù giam thành án tù treo. Riêng Phương chỉ là người làm công, thực hiện hành vi vi phạm theo lệnh của Trí. Gia đình Phương có công với cách mạng, vai trò phạm tội nhỏ hơn so với các bị cáo khác. Tuy nhiên, Phương không đủ điều kiện hưởng án treo.

Theo bản án sơ thẩm, Công ty TNHH Tân Hoàng Phát được thành lập năm 2005 với nghành nghề đăng ký là dịch vụ xông hơi, xoa bóp. Người đại diện pháp luật là Phan Cao Trí (SN 1973). Đến tháng 6/2008, Trí chuyển cho em vợ là Phan Việt Hậu đứng tên đại diện nhưng tất cả mọi hoạt động đều do Trí đứng sau chỉ đạo. Thấy công việc làm ăn thuận lợi, Trí mở rộng thêm bốn cơ sở massage gồm Công ty Kim Thu, Hoàng Thành, Newstart, Hoàng Vân III hoạt động tại TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai.

Khi tiếp nhận nhân viên vào xin việc thì Trí, Hậu buộc phải ký một hợp đồng theo đúng quy định của pháp luật. Trong đó, thể hiện một năm được nghỉ phép 21 ngày (9 ngày lễ, 12 ngày phép), tiền lương 670 nghìn đồng, bảo hiểm 6% lương, làm việc 8 tiếng mỗi ngày. Bên cạnh đó, còn buộc các nhân viên mát xa ký vào hai bản thỏa thuận, cam kết trái với quy định của pháp luật đó là buộc nhân viên phải ăn ở tại Công ty không được phép đi ra bên ngoài; làm việc sau 6 tháng mới được xin nghỉ phép 1 lần 7 ngày. Nếu làm việc dưới 6 tháng mà xin nghỉ việc là vi phạm hợp đồng, nhân viên phải bồi thường lại số tiền theo quy định của Trí là 24 triệu đồng. Trong đó, 9 triệu đồng là tiền Công ty ứng trước cho nhân viên học nghề, ăn ở, mua son phấn và 15 triệu đồng tiền bồi thường tay nghề.

Thực tế, các nhân viên mát xa không được nghỉ phép như hợp đồng đã ký, hoàn toàn mất tự do đi lại và phải làm việc 16 tiếng, từ 9 giờ sáng hôm trước đến 1 giờ sáng ngày hôm sau. Sau khi hết thời gian làm việc tất cả nhân viên đều được đưa về giữ tại nhà của Trí và vợ là Phan Thị Yến (35 tuổi) ngay đối diện Công ty Tân Hoàng Phát. Bên ngoài cửa căn nhà này lúc nào cũng có khoảng 10 người bảo vệ canh giữ 24/24 đề phòng nhân viên bỏ trốn ra bên ngoài.

Nếu nhân viên nào bỏ trốn bị bắt lại hoặc bị khách phàn nàn vì phục vụ không tốt (không mát xa kích dục cho khách) sẽ bị Trí, Hậu, Phan Quốc Cường (37 tuổi, giám đốc cơ sở Kim Thu) đánh đập và xử lý kỷ luật bằng hình thức đình tua không cho đi làm, bắt ở nhà dọn dẹp vệ sinh, phụ làm bếp từ 3 đến 7 ngày. Nhân viên đau ốm khi đi khám bệnh đều có bảo vệ đưa đi canh giữ cẩn thận từ lúc đi cho đến lúc về.

Về đào tạo nghề, Trí ký hợp đồng với Trường Trung học y tế Đồng Nai (nay là trường Cao đẳng y tế Đồng Nai) thuê giảng viên đến Công ty đào tạo nghề xoa bóp cho các nhân viên khi mới vào xin việc. Sau khi đào tạo nhân viên sẽ được cấp bằng nghề xoa bóp. Đồng thời, Trí cũng cho các nhân viên, tổ trưởng chỉ dạy thêm cách xoa bóp cho các nhân viên mới. Lương nhân viên mát xa ký trong hợp đồng lao động là 670 nghìn đồng tháng, nhưng thực tế chỉ được nhận 500 nghìn đồng tháng, và tiền khách “boa” nhân viên chỉ được hường 90%, còn công ty hưởng 10%. Hàng tháng, sau khi trừ tiền ăn ở của nhân viên xong thì Trí mới phát số tiền còn lại cho nhân viên.

Khoảng 9 giờ sáng hàng ngày, bảo vệ sẽ dẫn nhân viên đi bộ từ nhà qua Công ty Tân Hoàng Phát làm việc. Tại cơ sở mát xa Kim Thu và Hoàng Thành thì Trí cho tài xế lấy xe ô tô chở nhân viên đi về. Còn tại cơ sở mát xa New Start và Hoàng Vân III thì Trí cũng buộc nhân viên ăn ở luôn tại cơ sở mát xa không cho ra ngoài và bị canh giữ cẩn thận. Gia đình của nhân viên không được tiếp xúc, thăm gặp mặt nhân viên nếu không được sự đồng ý của Trí hoặc các quản lý. Trí ra quy định, nếu nhân viên muốn nghỉ việc hoặc về phép thì buộc phải nộp tiền thế chân 15 triệu đồng cho Yến, khi nào quay lại làm việc thì mới trả lại số tiền này, còn nếu nghỉ luôn thì vợ chồng Trí, Yến sẽ chiếm đoạt.

Nhiều cô gái không chịu đựng cảnh khắc nghiệt tại Tân Hoàng Phát nên bỏ trốn. Tuy nhiên, họ đều bị bắt giữ. Sau mỗi lần bị bắt trở lại, họ đều phải chịu đựng cảnh đánh đập, giam cầm nặng nề hơn trước. Bên cạnh đó, nhiều cô gái còn bị buộc đến bệnh viện phá thai.

Bà chủ tập đoàn #039;kích dục#039; được hưởng án tù treo - 2

Yến được giảm từ tù giam thành tù treo

Tháng 1/2011, TAND TP HCM xử sơ thẩm lần một tuyên phạt Trí 12 năm tù, Hậu 10 năm tù, Cường 9 năm tù cùng về hai tội Bắt giữ người trái pháp luật và Cưỡng đoạt tài sản. Yến lĩnh 6 năm tù về tội Cưỡng đoạt tài sản. Phương, Nhanh cũng lần lượt chịu các mức án là 3 và 2 năm tù về tội Bắt giữ người trái pháp luật.

Tại phiên xử phúc thẩm, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP HCM đã giảm hơn nửa mức án cho các bị cáo. Trong đó, Trí còn 5 năm tù; Hậu còn 4 năm 6 tháng tù; Cường còn 4 năm tù; Yến còn 3 năm nhưng cho hưởng án treo; Phương và Nhanh chỉ bị chịu 1 và 1 năm 6 tháng tù. Đến năm 2013, bản án Giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã tuyên hủy toàn bộ 2 bản án của cả hai cấp toà để điều tra lại  do chưa áp dụng đúng pháp luật.

Tháng 9/2014, TAND TP.HCM mở phiên tòa sơ thẩm lần hai,  quyết định tuyên phạt Trí 12 năm tù giam, Hậu 10 năm tù, Cường 9 năm tù, Yến 4 năm tù, Phương 3 năm tù, Nhanh 1 năm tù, về cùng tội bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản.

Khôi Nguyên
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot