Mặc dù không dư dả về kinh tế nhưng ngoại Út vẫn sẵn sàng cưu mang đàn chó hoang, bỏ tiền mua thức ăn, chăm sóc chúng như "con cháu" trong nhà.
Cưu mang chục chú chó, xem thú cưng như người nhà
“Cục cưng ơi! Lại đây với ngoại, mau ăn chóng lớn". Từ xa đã nghe được chất giọng đậm chất miền Tây của người phụ nữ ngoài 50 tuổi đang gọi những chú chó mà mình cưu mang tập trung về nhà.
Bà Nguyễn Thị Út Em (quê Long An) hay còn được người dân xung quanh yêu thương gọi là “ngoại Út", bà đang nuôi "những người bạn bốn chân" bị chủ nhân bỏ rơi ở các khu vực đất trống, vắng người. Năm ngoái, trong lúc đi dạo, bà vô tình phát hiện 2 chú chó bị bỏ trong rơi trong thùng xốp và nhặt về nuôi. Cứ thấy ai bỏ, bà lại đem về nhà, dần dần số lượng đàn chó đã lên đến 10 con.
Mỗi ngày, ngoại Út thức dậy từ sáng, lo cho đàn chó rồi bày biện xe nước ở góc đường Mai Chí Thọ (TP Thủ Đức) để buôn bán cho khách qua đường. Trước đây kinh tế còn khá giả, thu nhập từ quầy nước giải khát cũng đủ để ngoại Út trang trải chi phí. Mấy năm nay việc buôn bán gặp nhiều khó khăn hơn, mỗi ngày ngoại Út chỉ kiếm được khoảng hơn 100.000 đồng.
Dù kinh tế khó khăn nhưng từng chú chó đều được ngoại Út chăm sóc kỹ lưỡng, từ bữa ăn đến giấc ngủ.
Kế bên nơi buôn bán, ngoại Út dựng căn chòi, căng tấm bạt che mưa, che nắng. Tất cả hoạt động ăn uống, sinh hoạt của ngoại gói gọn tại đây. Những chú nhỏ cũng có nhà cho riêng mình, bà dốc tâm huyết xây dựng bằng vật dụng tạm bợ hay nhặt những chiếc lồng cũ để đem về cho “cục cưng".
Tuy gia cảnh khó khăn, phải ngủ ngoài đường có lúc mưa ướt sũng cả gối, chăn mền nhưng ngoại chưa bao giờ than phiền vì cuộc sống thiếu trước hụt sau của mình. Đối với ngoại, đàn chó như con cháu trong gia đình giúp cuộc sống vui vẻ, bớt cô đơn ở tuổi già.
“Có người nói tôi khùng, không có nhà để ở mà còn lo cho 10 đứa này, mỗi ngày tốn cả trăm nghìn tiền thức ăn. Nhưng tụi nó là loài động vật có cảm xúc, có sự yêu thương và lòng trung thành. Thấy vậy chứ tụi nó thông minh, quan tâm đến tôi lắm. Ở tuổi này, sống một mình cũng cô đơn, có tụi nó lại đỡ buồn", ngoại Út bộc bạch.
Căn chòi tạm bợ trên đường Mai Chí Thọ là nơi sinh sống của ngoại Út và 10 chú chó.
Gia cảnh khó khăn nhưng "cục cưng" chưa bao giờ bị đói
Ở tuổi U60, xương khớp của ngoại Út đã ít nhiều bị ảnh hưởng khi vừa phải quán xuyến việc buôn bán, vừa phải tất bật lo ăn uống cho đàn chó nhỏ. Nhìn những "đứa cháu" quấn quýt bên cạnh, ngoại Út cười hạnh phúc: "Tôi chăm lo cho chúng nó chẳng thiếu thứ gì. Từ chỗ ngủ đến bữa ăn tôi đều cố gắng làm mọi thứ tốt nhất. Bữa nào buôn bán khá khẩm, tôi mua hột vịt lộn, thịt heo cắt vụn ở khu chợ gần về chế biến cho tụi nó tẩm bổ. Tôi ăn gì, nó ăn đó, có cơm thì cùng nhau ăn, có trứng thì san sẻ cho nhau. Nhìn vậy chứ tụi nó ngoan lắm, biết nghe lời nữa...".
Những ngày mưa gió, việc buôn bán ế ẩm nhưng chưa bao giờ ngoại Út "bỏ đói" những "đứa cháu" của mình, ngoại vẫn cố gắng lấy tiền tiết kiệm để mua đồ ăn ngon cho đàn chó.
Ngoại Út chia sẻ vẫn có thể thuê nhà trọ nhưng việc nuôi chó trong phòng sẽ gây ảnh hưởng đến hàng xóm xung quanh. Vì thế, ngoại chấp nhận ở ngoài đường để thoải mái sinh hoạt.
Ngoài việc chăm sóc sức khoẻ cho bản thân, đôi khi ngoại Út phải trở thành bác sĩ thú y bất đắc dĩ. Những căn bệnh vặt của đàn chó, bà hỏi thăm người xung quanh để tìm hiểu và tự mua thuốc trị bệnh. Nếu sau 3 ngày không khỏi, bà chắt chiu từng đồng, đưa chú chó bệnh đến gặp bác sĩ thú y.
Chỉ tay vào chú chó giống Poodle, ngoại Út tâm sự đây là trường hợp tốn nhiều kinh phí nhất từ lúc đem về và cả quá trình nuôi dưỡng. “Như chú chó với bộ lông xù xì này, tôi đã tốn hơn 500.000 đồng để đưa nó đi điều trị. Hôm đó, nó sốt cao, không ăn uống được gì. Mấy ngày liền vẫn không khỏi, tôi cắn răng đưa nó gặp bác sĩ. Tiền khám bệnh lên đến cả triệu nhưng người ta cũng thấy thương cho hoàn cảnh của tôi nên giảm giá, tôi trả góp vài lần cũng đủ kinh phí", ngoại Út nhớ lại.
Có lẽ đối với ngoại Út, dù những chú chó bệnh nặng cỡ nào ngoại cũng sẽ cố gắng chạy chữa vì ngoại đã xem chúng như người thân trong gia đình. Tuy cuộc sống mưu sinh, cơm áo gạo tiền còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng chưa bao giờ ngoại Út có ý định từ bỏ việc cưu mang đàn chó hoang.
Ngoại Út xem việc nhận nuôi những chú chó như làm việc thiện, tích đức cho bản thân mình.
Loay hoay dọn dẹp lại quầy nước nhỏ, nghe thấy tiếng đàn chó đùa giỡn, ngoại Út mắng yêu: "Mấy đứa quậy quá bà đuổi đi cho người ta bắt đó", dứt lời đàn chó ngoan ngoãn nằm im, chốc chốc lại chạy về phía ngoại Út, ngoe nguẩy đuôi làm nũng. Ngoại Út tâm sự: "Đợi trước vì không để ý nên tôi bị kẻ xấu trộm mất một con chó, tôi thương tụi nó lắm, chỉ mong sao mình có sức để kiếm tiền, lo ăn uống cho tụi nó".
Thấy hoàn cảnh ngoại Út khó khăn, lại cưu mang nhiều chú chó hoang, một số người đã tìm đến hỗ trợ lương khô, thức ăn cho chó, điều này khiến ngoại Út càng có thêm động lực để cố gắng, chăm lo cho những "đứa cháu" của mình. Có lẽ với ngoại Út, niềm vui mỗi ngày của ngoại chính là lo cho đàn chó đủ cơm ngày 3 bữa. Ở cái tuổi ngoài 50, ngoại cũng chẳng còn mong muốn nào hơn, ngoại chỉ mong có thêm sức khỏe, quán nước nhỏ buôn bán đắt khách hơn để đàn chó của ngoại được lớn lên một cách bình an, đủ đầy, không còn bị mất trộm như trước.
Trong cái chòi tạm bợ, tiếng nói cười của ngoại Út xen lẫn với tiếng đùa giỡn của đàn chó chốc chốc lại vang lên. Nhìn ánh mắt hiền hậu của ngoại mới cảm nhận hết tình cảm đặc biệt mà người phụ nữ này dành cho đàn chó hoang suốt thời gian qua. Cảm ơn ngoại Út và những "đứa cháu" đặc biệt của mình.