Mỗi ngày, người đàn ông U70 với làn da rám nắng ngồi trước con hẻm nhỏ, cứ thấy người đi đường gặp nạn, ông chạy ra giúp đỡ. Hay có người vừa qua đời mà gia đình khó khăn, ông lại tìm cách liên hệ với các cơ sở mai táng để hỗ trợ, giảm nhẹ kinh phí lo hậu sự.
Nửa đêm vượt đường xa, hỗ trợ lo an táng cho người lạ
Con hẻm nhỏ trên đường Phan Đình Phùng (Quận Phú Nhuận) được mệnh danh là “hẻm ông Tiên". Vì trước đây, có một thầy thuốc mở tiệm tên là Ông Tiên ông chuyên đi giúp đỡ người nghèo nên người dân nơi đây gọi ví von gọi tên con hẻm này như thế. Tuy vị thầy thuốc đã không còn sinh sống tại đây nhưng cái tên này vẫn được giữ nguyên để miêu tả về nhân vật đặc biệt, sẵn sàng giúp đỡ người khó khăn cho dù bản thân cũng chẳng dư dả về vật chất.
“Ông Tiên” trong mắt mọi người là hình ảnh của ông Đỗ Văn Út (62 tuổi) miệt mài với công việc bơm hơi, vá xe, chấp nhận đội nắng, đội mưa để kiếm thêm thu nhập suốt hơn 20 năm qua. Nhiều người không khỏi bất ngờ với tính tình hào sảng của ông Út, khi sẵn sàng giúp đỡ nhiều gia đình có hoàn cảnh nghèo khó lo việc an táng, hậu sự. Ông còn hỗ trợ bơm xe, sửa xe miễn phí cho người khiếm khuyết hay các cô, chú, anh, chị có kinh tế khó khăn, ngày ngày mưu sinh bằng từng tờ vé số.
Chiếc bảng hiệu vá xe miễn phí nổi bật cả một góc đường của ông Út. Mỗi khi có ai cần hỗ trợ sửa xe, ông sẵn sàng giúp đỡ. Đôi khi, thấy xe hư phần ruột, ông nhanh chóng chạy đi kiếm phụ tùng, thay mới cho người khó khăn.
Ông Út cho biết việc thiện nguyện xuất phát từ tâm, tính đến nay đã hơn 20 năm. Ông hiểu tình hình kinh tế dần khó khăn, đối với người mưu sinh bằng những tờ vé số, lại gian truân hơn bội lần. “Nếu tôi sửa xe lấy phí 10.000 - 20.000 đồng, đổi lại họ cũng phải bán hết một chục, hai chục tờ vé số để có đủ tiền trả. Hay phần ruột xe bị hư hỏng nặng nề, tôi bỏ tiền túi, mua loại xịn để thay. Tôi biết cuộc sống buôn bán như thế cũng cực khổ trăm điều. Vì vậy, tôi muốn sửa xe miễn phí cho họ, tiếp thêm động lực để đủ sức mưu sinh”, ông Út chia sẻ.
Chục năm trước, trong khu xóm ông sinh sống, có người qua đời vì bạo bệnh nhưng gia đình lại "thiếu trước hụt sau", không đủ tiền lo ma chay. Ông Út đứng ra hỗ trợ, chạy ngược xuôi khắp nơi để làm giấy, xin quan tài, áo quan từ thiện từ mạnh thường quân, cơ sở mai táng. Sau đó, ông còn tham gia giúp đỡ các gia đình tổ chức lễ nhập quan, để người mất được an nghỉ. Đến tận bây giờ, ông vẫn tiếp tục thực hiện công việc ý nghĩa của mình, để các gia đình vừa có người thân qua đời tiết kiệm được kinh phí, nhẹ nỗi lo âu khi tổ chức tang sự.
Ông Út cho biết trục đường này hay xảy ra sự cố nên đặt tủ thuốc ở đây để kịp thời sơ cứu người dân, đưa họ đến bệnh viện. Hay các cô, chú bán vé số có các bệnh như cảm, ho, sốt... đều có thể ghé đây lấy thuốc miễn phí.
Ông Út kể lại trước đây chỉ giúp đỡ trong khu vực Quận 1, Gò Vấp, Phú Nhuận nhưng hiện tại bằng tấm lòng thơm thảo của mình, xa đến mấy ông cũng sẽ cố gắng đến tận nơi để hỗ trợ các gia đình lo hậu sự: “Đôi khi giữa đêm những cuộc gọi bất chợt khiến tôi tỉnh giấc, tôi nghe được đầu dây bên kia là tiếng khóc nấc nghẹn ngào, tôi biết lúc đó mình cần phải giúp đỡ và lên đường ngay trong đêm. Có trường hợp cách nhà 20 cây số, tôi vẫn sẽ đi". Vì thế, khi có trường hợp “cầu cứu", ông lại lật đật, khoác vội chiếc áo gió và leo lên chiếc con xe cũ kĩ của mình, chạy một mạch đến đám tang.
Đôi khi, tủ thuốc hay phụ tùng sửa chữa xe hết hàng, ông dùng tiền túi của mình để mua, đảm bảo ở đầu ngõ luôn có đủ dụng cụ y tế, lốp xe để thay cho người cần sự giúp đỡ.
“Gần đây nhất, tôi giúp đỡ cho đôi vợ chồng làm công nhân, con gái chưa được 1 tuổi nhưng mất sớm. Ở nơi đất khách quê người, gia đình của họ thiếu thốn đến chiếc áo quan, nải chuối xanh cũng không đủ tiền chuẩn bị. Tôi đến tận nơi xác minh, viết giấy đi xin quan tài từ thiện, lúc đó tôi không kiềm được nước mắt” - ông Út kể lại trường hợp vừa giúp đỡ khiến người đàn ông cứng cỏi không khỏi nghẹn ngào.
Chưa bao giờ nghĩ đến chuyện dừng lại, chẳng mưu cầu đền ơn đáp nghĩa
Bên cạnh những người ngưỡng mộ trước việc thiện mà ông Út đã làm suốt 20 năm qua, một số người lại cho rằng gia đình ông không dư dả kinh tế lại lo chuyện bao đồng. Dù ban đầu có chút chạnh lòng nhưng dần dà, ông bỏ ngoài tai tất cả những lời bàn tán trái chiều, quyết tâm thực hiện những việc mà ông cho là đúng để giúp đỡ các mảnh đời yếu thế trong xã hội.
Các mạnh thường quân hỗ trợ về kinh phí, ông tạo thành quỹ riêng để hỗ trợ bà con. Mỗi năm, vào ngày rằm tháng 7 hoặc gần Tết Nguyên đán, ông chuẩn bị hàng trăm phần quà phân phát cho người khó khăn, vô gia cư.
Trong hành trình trở thành “ông tiên", người bạn đời của ông vẫn đứng phía sau là hậu phương vững chắc. Vợ con ông Út ủng hộ hết mình, đồng hành trên những đoạn đường dài, đến nhà dân hỗ trợ mai táng. Tuy nhiên, vì cơn bạo bệnh, bà đã qua đời cách đây 3 năm. Mỗi khi nhắc lại về hình bóng của vợ, ông Út lại buồn lòng.
Dù không còn người vợ đồng hành cùng nhau nhưng cuộc sống hiện tại của ông Út không hề đơn độc khi con trai hiếu thảo thường xuyên về thăm, xung quanh luôn có bà con, hàng xóm tận tình giúp đỡ. Trong suốt 20 năm qua, số trường hợp được ông giúp đỡ đếm không xuể, ông cũng không thể thống kê đã xin được bao nhiêu quan tài, chiếc áo quan, lo chuyện hậu sự cho các gia đình khó khăn.
Tuy cho đi rất nhiều nhưng ông Út chẳng mong được trả ơn, ông chỉ cầu cho bản thân đủ sức khỏe để tiếp tục hỗ trợ bà con, giúp đỡ người nghèo: "Có lần tôi lo đám xong, người nhà họ dúi vào tay tôi bao thư. Tôi cảm ơn nhưng trả lại. Bao thư đó với tôi vô nghĩa lắm, trong đó có 1-2 triệu xài cũng hết mà cái tình nghĩa nó không còn. Người ta nghèo, mình giúp còn không hết" - ông Út trải lòng.
"Sau khi giúp họ từ việc nhỏ hay việc lớn, thấy họ ríu rít cảm ơn, tươi cười cũng làm tôi cảm thấy trong lòng nhẹ nhàng, thoải mái. Ở đời mình không giàu vật chất nhưng phải giàu tình người, coi như tôi làm việc thiện, tích đức cho con cháu" - ông Út tâm sự về nghĩa cử cao đẹp của mình.
Chị Thiên Trang - người dân sống trong khu vực cho biết: "Ông Út cứ cặm cụi giúp đời như thế, cả xóm ai cũng quý mến. Đôi khi trong xóm có người vừa qua đời, ông Út đến từng nhà, huy động tiền hỗ trợ để giúp các gia đình vượt qua nỗi đau thương, mất mát".
Đối với ông, khái niệm "hạnh phúc" trong cuộc sống là giúp đỡ mọi người, chăm lo hậu sự cho những người vừa qua đời có thể an nghỉ ở giây phút cuối cùng.
Có nhiều người cũng tò mò, hỏi chuyện: “Làm việc thiện nhiều đến thế, khi nào “ông tiên” mới chịu nghỉ ngơi, an dưỡng tuổi già?”. Ông Út bật cười, không cần thời gian suy nghĩ: “Đến khi tôi không còn di chuyển, không thể lái xe, tôi sẽ dừng lại…”.
Tính tình hào sảng của ông Út thể hiện qua từng viên thuốc, từng lỗ thủng trên vỏ xe được vá cẩn thận để những chiếc xe tiếp tục lăn bánh. Ông đã truyền cảm hứng và tiếp thêm một phần năng lượng cho những cô, chú, anh, chị đang ngày đêm mưu sinh bằng công việc cực nhọc, để họ mạnh mẽ đối đầu với gian truân, thử thách của cuộc đời.
Sài Gòn là thế, đâu đó vẫn sẽ có những người âm thầm đứng phía sau giúp đỡ những người có cuộc sống khó khăn, thiếu thốn bằng những hành động tuy nhỏ nhưng lại rất thiết thực. Những bảng hiệu "miễn phí" giống như ông Út đang thực hiện vẫn tồn tại khắp các con đường ở Sài Gòn. Từ đó, ta lại thấy, ở mảnh đất phồn hoa đô thị vẫn còn những trái tim nhiệt thành, luôn sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau, cho dù họ chỉ là những người xa lạ, vô tình gặp gỡ trên đường phố tấp nập...