Chỉ vừa thực hiện mô hình trong khoảng 1 tháng nhưng tiệm bún của “má Hồng” lúc nào cũng tấp nập người ra vào, rôm rả tiếng cười. Chiếc bảng đề chữ “bún treo" tuy nhỏ nhắn nhưng truyền thêm nguồn động lực to lớn đến cho người lao động khó khăn tiếp tục mưu sinh, bươn chải kiếm sống qua ngày.
Ngày đầu làm không xuể, treo gần cả trăm tô
15 năm qua, tận dụng mặt tiền nhà trên đường Phạm Thế Hiển (Quận 8), cô Trần Thị Thuý Hồng (57 tuổi, được mọi người gọi với cái tên thương mến má Hồng) mưu sinh bằng nghề kinh doanh bún riêu, bún mọc. Tất cả nguyên liệu đều do một tay má Hồng chuẩn bị, tạo nên hương vị rất riêng.
Sau một ngày bán buôn vất vả, má Hồng vẫn giữ thói quen xem thời sự, cập nhật tin tức như mọi ngày. Vào tháng trước nhà đài đưa tin về tiệm phở treo ấm lòng tại Hà Nội, má Hồng xúc động và nhen nhóm ý định thực hiện mô hình “bún treo" giúp đỡ bà con khó khăn.
Sau khi tâm sự cùng con gái về nguyện vọng của mình, má Hồng nhận được cái gật đầu đồng ý. Bên cạnh đó, con gái cũng lo lắng cho thể trạng sức khoẻ của mẹ nhưng má Hồng nhất quyết thực hiện, để mang bữa ăn nóng hổi dành tặng người nghèo.
Từng phải buôn gánh bán bưng nên hơn ai hết má Hồng thấu hiểu được cuộc sống cơ cực của người lao động. Từ đó, dù con gái mong muốn mẹ dành 1 ngày nghỉ ngơi nhưng má vẫn nhất quyết mở cửa tất cả các ngày trong tuần với mong muốn người lao động lúc nào cũng có bữa ăn no.
Từ tháng 9, má Hồng thực hiện mô hình "bún treo", chiếc bảng nhỏ trước cửa tiệm bún treo ghi dòng chữ đầy ấm áp: “Gửi tặng mọi người mấy tô bún ăn cho ấm lòng nha. Mình gửi một tô bún - đổi lại một nụ cười". Lập tức, quán của má Hồng đã thu hút sự chú ý của người dân sống trong khu vực, ai đi ngang cũng tò mò, phải dừng chân để đọc biển hiệu.
Từ ngày thực hiện mô hình bún treo, má Hồng đã lọ mọ tỉnh giấc vào 3h sáng, đặt chân xuống giường chuẩn bị nguyên liệu, hầm xương, sơ chế rau để sẵn sàng tiếp đón những vị khách của mình. Khách đến ăn bún treo chủ yếu là người lao động chân tay, buôn bán vé số hay người cao tuổi không còn khả năng lao động.
“Bạn bè của con gái cùng các mạnh thường quân gửi ủng hộ rất nhiều. Trong ngày đầu mở cửa, quán treo đến gần 90 tô. Một mình tôi làm không xuể, không có thời gian nghỉ tay, may mắn hàng xóm bên cạnh qua phụ giúp. Tuy những ngày đầu có phần đuối sức nhưng trong lòng tôi vui lắm” - má Hồng chia sẻ về kỷ niệm khó quên trong suốt hơn 15 năm đứng bếp.
Cứ có khách đến "treo" thêm bún, má Hồng lại lật đật lấy bút chỉnh sửa con số trên biển hiệu của mình.
Chỉ cần khách đến quán: “Cô ơi, cho tôi phần bún treo nhé", bà chủ lập tức thực hiện một phần bún “đặc biệt" gửi tặng đến bà con. “Đặc biệt" ở đây không chỉ là phần ăn “full topping” mà còn chứa đựng sự yêu thương mà má Hồng cùng mạnh thường quân muốn gửi gắm đến người lao động.
Đôi lần, má Hồng rưng rưng nước mắt vì nghe câu chuyện từ những mảnh đời cơ cực. Từ đó, má Hồng như tiếp thêm sức mạnh để phục vụ, giúp đỡ nhiều bà con hơn nữa. “Nhiều cô chú, anh chị đến lấy bún nói nhỏ với tôi, mong muốn xin nhiều nước lèo, về chan ăn cùng cơm nguội, chia sẻ cho các thành viên trong gia đình. Nghe vậy, tôi thật sự xúc động, tôi liền bỏ thêm vài miếng thịt, cho bún nhiều hơn để gia đình họ có bữa ăn no bụng” - má Hồng nghẹn ngào kể.
Một phần bún mọc, bún riêu bình thường sẽ được bán với giá 25.000. Khách hàng sau khi ăn xong, có thể "treo" bún với mức giá này để dành tặng người lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Con gái ganh tị vì mẹ trở thành “má" của nhiều người
Theo chia sẻ từ Như Ý - con gái của chủ tiệm bún treo, người đứng sau đồng hành, giúp đỡ má Hồng tâm sự: “Từ trước khi treo bún, vài cậu bé lang thang, cô bé bán vé số hay gọi mẹ là “má Hồng”. Vì mẹ hết cho ăn bún, tới dúi vào tay hộp bánh bao, mà hỏi tới tiền thì mẹ lắc tay lia lịa.
Cho tới khi treo bún, số “người con” của mẹ tăng lên gấp bội. Ngày nào mình cũng nghe rôm rả “má Hồng ơi, má ơi” từ những gương mặt xa lạ. Nhiều khi mình ghen tị, tại mẹ của mình giờ sao thành má của người ta. Nhưng nhờ vậy dạo đó, mẹ mình vui hơn nhiều lắm. Mẹ bảo lần đầu được phỏng vấn, được báo chí đưa tin. Mẹ không rành công nghệ, nên cứ nghe có video hay bài viết là mình ngồi đọc cho mẹ nghe, xong mẹ lại cười tít mắt…”.
Khi bắt đầu cùng má Hồng thực hiện mô hình bún treo, Như Ý đảm nhận vai trò thống kê hiện kim từ mạnh thường quân và công khai trên mạng xã hội để mọi người cùng nhau theo dõi tiến độ, ghi nhận quá trình hoạt động của quán. Má Hồng cho biết: "Khi mình được tin tưởng, nhận trọng trách từ các nhà hảo tâm, trở thành cầu nối giúp đỡ người nghèo nên bản thân tôi và con gái phải nghiêm túc thực hiện và đặt cái tâm vào từng tô bún khi trao đến người lao động".
Bà Trần Thị Gấm là khách quen của cửa tiệm, dành lời khen tấm tắc cho bà chủ vì phần ăn ngon miệng. Hơn hết, nhờ bữa ăn của má Hồng mà gia đình bà Gấm tiết kiệm được một phần chi phí, đỡ gánh nặng về nỗi lo “cơm áo gạo tiền".
Vừa sửa xe xong cho một khách hàng, trên tay còn lấm lem dầu nhớt, ông Lương Thanh Được (62 tuổi) vội đến quán bún treo vì sợ đến giờ nghỉ trưa. Cầm trên tay phần ăn nóng hổi, ông xúc động trước tính tình hào sảng của má Hồng: “Ban đầu, tôi không hiểu bún treo là gì. Sau đó được cô chủ lý giải thì tôi mới biết, từ đó khi nào có thời gian rảnh tôi sẽ ghé quán để mang bún về ăn. Tôi cảm thấy biết ơn và hạnh phúc vì mô hình này giúp tôi có bữa ăn no, lại tiết kiệm được tiền cho cả gia đình".
Quán của má Hồng đã trở thành địa điểm quen thuộc của người dân sống trong khu vực Quận 8.
“Trước đây, có một số buổi do lượng khách đến quá đông, vì thế có người lặn lội từ xa đến nhưng hết bún treo, tôi thấy họ ủ rũ, buồn ra mặt. Thấy vậy tôi tự lấy tiền túi tiếp tục treo bún, nhìn họ nhận món ăn gửi lời cảm ơn ríu rít mà trong bụng mình vui hơn rất nhiều", má Hồng tâm sự.
Trong suốt hành trình vừa qua, má Hồng nhận được sự đồng hành của nhiều mạnh thường quân. Đôi khi lại là những “người hùng" không muốn lộ diện, cứ vài ngày lại chạy ngang tiệm gửi vài trăm nghìn rồi lên xe, phóng đi mất mà má Hồng chẳng kịp hỏi thăm về danh tính. Hay có nhà hảo tâm âm thầm chuyển vào tài khoản để “má Hồng" tiếp tục hành trình lan toả yêu thương đến cộng đồng.
Hiện nay, quán má Hồng duy trì số lượng từ 30-40 phần bún được treo mỗi ngày. Có những ngày mưa nặng hạt, ít người đến nhận bún thì số lượng còn thừa sẽ được cộng dồn vào ngày hôm sau. Trong 1 tháng thực hiện mô hình đặc biệt này, đã có gần 1.000 tô bún được trao tận tay đến những hoàn cảnh khó khăn. Giờ đây, má chỉ trăn trở nỗi lo lắng về sức khoẻ, má hy vọng sẽ mạnh khoẻ để đứng bếp, thực hiện món ăn ngon, tiếp tục kéo dài mô hình ý nghĩa của mình.
Có lẽ, mô hình “treo" các suất ăn không còn quá xa lạ với người dân Sài Gòn, tất cả đều hoạt động hết công suất để tiếp thêm động lực cho những mảnh đời khó khăn, thiếu thốn trong cuộc sống. Và chắc chắn, nhờ những phần bún treo của má Hồng hay các phần cơm treo, phở treo sẽ giúp tiết kiệm chi phí, người lao động có thêm một chỗ dựa về tinh thần và con đường mưu sinh của họ sẽ không bao giờ cảm thấy đơn độc.