Chỉ vì những lý do từ cá nhân mà cha mẹ đã đặt cho con gái tên không giống ai, khiến con cái phải mặc cảm.
Đã có không ít chị em phụ nữ phải chịu nỗi khổ “trời không thấu, người không hay” vì chính cái tên do cha mẹ đặt. Thậm chí họ vì quá áp lực lẫn tủi hổ phải đổi tên, đi xin lại giấy khai sinh để bản thân có một cái tên đẹp và ý nghĩa như bao người.
Tại Quảng Nam, có hàng nghìn cái tên mĩ miều và đẹp trong khai sinh được lưu tại sổ hộ tịch. Song cũng có cái tên chỉ cần nhìn – nghe một lần thôi cũng đủ để chúng ta thấy được bi kịch của người cha, người mẹ.
Cô gái tên Dương Thị Ly Tan
Do tức giận người chồng bội bạc, bà Huỳnh Thị L (Tiên Phước, Quảng Nam) đã quyết định đặt cho con gái sinh năm 1986 cái tên đậm chất chia xa và tan vỡ – Dương Thị Ly Tan.
Sở hữu cái tên “đổ vỡ”, cô gái miền Trung lớn lên trong sự đau khổ và dằn vặt. Cô nàng từng tâm sự rằng không hiểu vì sao mẹ lại đặt cho mình cái tên đó? Cô không muốn mình chính là quá khứ đau buồn của mẹ, không muốn bản thân là nỗi đau khiến mẹ phải gánh chịu? Cô thương mẹ nhưng chưa bao giờ hết đau đáu về cái tên kỳ lạ đó.
Lên 17 tuổi, qua dò hỏi của rất nhiều bạn bè, Dương Thị Ly Tan đã một mình tìm đến Sở Tư pháp tỉnh Quảng Nam xin được đổi lại tên. Cô nàng đã lựa cho mình cái tên đầy ý nghĩa nhưng vô cùng hiện đại. Sau đó, “vận mệnh” của cô nàng đã đổi thay rõ rệt. Hiện cô đã có một gia đình êm ấm với công việc ổn định.
Cô gái sở hữu cái tên độc nhất từng "gây bão" mạng xã hội.
Cô nàng tên Lê Thị Vô Lý
Lê Thị Vô Lý (SN 1993) là đồng hương của Dương Thị Ly Tan, sinh ra và lớn lên tại huyện nghèo Núi Thành. Xưa mẹ Lê Thị Vô Lý – bà Trần Thị Đ do giận chồng bội bạc đã bỏ đi khi bà đang mang thai nên khi con gái chào đời, bà đặt như thế cho… bõ ghét, bõ tức.
Cô bé sinh năm 1993 cứ lớn lên với vẻ ngây thơ mà không hiểu hết ý nghĩa của cái tên mình đang mang. Cho đến tuổi cắp sách đến trường, Vô Lý bị bạn bè cùng lớp trêu chọc và chế giễu thì mới hiểu dần dần sự độc lạ của cái tên. Cô nàng về nhà khóc mếu với mẹ và đòi bỏ học.
“Chỉ một phút thiếu suy nghĩ vì nóng giận, mà con bé bị mặc cảm với bạn bè vì cái tên không đâu vào đâu... Sau đó tôi đã kịp thời đổi được tên cho con – một cái tên không đẹp lắm nhưng cũng đã làm con bé hết buồn và không tự ti nữa”, bà Đ thật thà chia sẻ.
Đã có không ít người mang cái tên khiến chính họ cảm thấy mặc cảm và xấu hổ.
Cô gái tên Nguyễn Thị Nghĩa Trang
Chị Nguyễn Thị Nghĩa Trang (SN 1979, Quảng Nam) cũng đã phải tìm đến Sở Tư pháp tỉnh để xin đổi tên. Chị từng tâm sự rằng cái tên đã khiến chính bản thân bị bạn bè trêu chọc suốt thời gian đi học. Đến khi đi xin việc, nhiều nơi đã không nhận chị chỉ vì mang tên Nghĩa Trang.
“Tôi là con gái thứ năm của gia đình khát khao có con trai nỗi dõi tông đường. Hồi mẹ tôi bầu, về qua nghĩa trang thì đẻ rơi tôi. Lúc này cha nghe thấy tôi chào đời, lại là con gái nên chẳng thiết tha gì chuyện đặt tên hay nữa. Ông liền quyết định đặt tên tôi là Nghĩa Trang”, người phụ nữ xứ Quảng cho hay.
Theo Điều 26 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Điều 26 : Quyền có họ, tên 1. Cá nhân có quyền có họ, tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có). Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó. 2. Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán. Trường hợp chưa xác định được cha đẻ thì họ của con được xác định theo họ của mẹ đẻ. Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và được nhận làm con nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo thỏa thuận của cha mẹ nuôi. Trường hợp chỉ có cha nuôi hoặc mẹ nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo họ của người đó. Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và chưa được nhận làm con nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo đề nghị của người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng trẻ em đó hoặc theo đề nghị của người có yêu cầu đăng ký khai sinh cho trẻ em, nếu trẻ em đang được người đó tạm thời nuôi dưỡng. Cha đẻ, mẹ đẻ được quy định trong Bộ luật này là cha, mẹ được xác định dựa trên sự kiện sinh đẻ; người nhờ mang thai hộ với người được sinh ra từ việc mang thai hộ theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình. 3. Việc đặt tên bị hạn chế trong trường hợp xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này. Tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ. 4. Cá nhân xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự theo họ, tên của mình. 5. Việc sử dụng bí danh, bút danh không được gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác”. |