Người phụ nữ ấy đã từng buông xuôi, mua sẵn áo quan để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Nhưng HIV không phải là dấu chấm hết, sau 16 năm giờ chị không chỉ tự mình vượt qua “định mệnh” mà còn giúp được nhiều người khác nữa.
Mắc bệnh khi còn chưa biết HIV là gì
Vào những năm 2000, nhiều người dân còn chưa biết HIV là bệnh gì, trong đó có cả chị Phạm Thị Hiền (trú tại thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh).
“Tôi phát hiện mình mắc bệnh vô cùng tình cờ. Khi đó anh trai chồng tôi ốm nặng vì bị nhiễm HIV giai đoạn cuối. Một hôm anh ấy gọi tôi đến nói chuyện và kể rằng chồng tôi có vài lần dùng chung kim tiêm với anh ấy, đồng thời anh ấy khuyên vợ chồng tôi đi xét nghiệm.
Quả thực thời điểm những năm 2000 đó, đối với bản thân tôi còn không biết HIV là gì và cũng chẳng quan tâm. Kể cả khi bác sĩ nói tôi bị dương tính với HIV, tôi vẫn thản nhiên cười nói như chẳng có chuyện gì xảy ra. Chỉ đến khi bác sĩ khuyên tôi về nhà thích ăn gì thì ăn, khi đó tôi mới bắt đầu cảm thấy băn khoăn, lo nghĩ”, chị Hiền kể lại.
Chị Hiền kể lại hành trình "tìm lại" cuộc đời khi bị nhiễm HIV.
Thế nhưng, những suốt những tháng ngày đó, chị Hiền vẫn sống và sinh hoạt như thường ngày không có gì xáo trộn trong gia đình. Chỉ đến khi con chị ốm, đi xuống Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị thì chị mới cảm nhận được HIV là “ác mộng” như thế nào.
“Những ngày con tôi điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, hai mẹ con luôn bị những người xung quanh kỳ thị, xa lánh. Thậm chí, tôi còn cảm nhận được sự đề phòng và những ánh mắt dị nghị của nhân viên y tế.
Cho đến khi con tôi về nhà, mọi người xung quanh biết con tôi mắc bệnh, thì sự ghẻ lạnh được đẩy lên đến đỉnh điểm. Thậm chí, chồng tôi khi đó tuyệt vọng đến mức đã mua sẵn ba chiếc quan tài để trong nhà. Có lẽ, đây là quãng thời gian tôi suy sụp tinh thần trầm trọng nhất, tôi nghĩ về mọi điều xấu nhất có thể xảy ra với bản thân, các con và chồng tôi”, chị Hiền nhớ lại.
Chính sự “bất cần” đó đã đẩy cả hai vợ chồng chị Hiền vào những trò chơi đầy may rủi như cờ bạc, lô đề và những cuộc ăn chơi khác. Chơi mãi rồi đến lúc cũng khánh cùng lực kiệt. Khi đó nhìn các con, chị mới nhận thấy rằng cuộc sống chưa bao giờ chấm hết và cuộc đời chị đã bắt đầu làm lại với hai bàn tay trắng.
HIV không phải là dấu chấm hết
Theo chia sẻ của chị Hiền, có lẽ điều khiến chị thay đổi mọi thứ đó chính là lần đầu tiên theo bạn xuống Hà Nội, tham gia vào một câu lạc bộ dành cho những người nhiễm HIV. Tại đây, chị đã gặp những người cùng cảnh ngộ và nhận thấy họ luôn khát khao sống, khát khao được cống hiến và vô cùng lạc quan vào cuộc đời này, mặc dù trong cơ thể họ cũng đang mang căn bệnh như mình.
Chị Hiền cùng các chị em trong câu lạc bộ chuẩn bị tờ rơi, tài liệu cho các buổi tuyên truyền.
Cũng từ đó, chị bắt đầu tìm hiểu về căn bệnh này, cả về cách phòng chống và cách chữa trị. Sau vài năm tìm hiểu và điều trị, điều may mắn đã đến vợ chồng chị đó là hai đứa con sau này của chị đều âm tính với HIV. “Chính các con tôi là động lực lớn để tôi vươn lên sống tiếp và đem những gì mình biết, những gì mình đã trải qua để truyền đạt cho những người khác có niềm tin vào cuộc sống”, chị Hiền chia sẻ.
Nói là làm, sau khi học tập mô hình tại Hà Nội, chị Hiền đã về thành phố Bắc Ninh thành lập nhóm “Ngày mai tươi sáng” vào năm 2005 với 6 thành viên, mục đích là tuyên truyền phòng chống HIV.
“Có những lúc tưởng chừng nhóm đã tan rã, nhưng với sự quyết tâm, chúng tôi đã không bỏ cuộc, thậm chí thời gian đầu chúng tôi còn xin được nói về HIV trong những buổi họp dân ở thôn xã. Sau 11 năm hoạt động, chúng tôi đã thành lập được câu lạc bộ với trên dưới 300 thành viên và giúp đỡ được nhiều người nhiễm HIV tái hòa nhập cộng đồng”, chị Hiền hồ hởi nói.
Tuy nhiên, cũng trong ngần ấy thời gian tích cực tham gia hoạt động, bản thân chị cũng như những thành viên trong câu lạc bộ không ít lần đã phải chịu “tủi nhục”. Đó là những khi phải giấu giếm bệnh tật để đi xin việc, hay kể cả khi có bảo hiểm y tế cũng không dám dùng vì sợ bị “lộ”.
Chị Hiền chia sẻ: “Đến giờ, chúng tôi vẫn đang âm thầm hoạt động và tự thân vận động, chứ không hề theo một tổ chức, trung tâm nào cả. Mục đích của chúng tôi là làm sao để những bà mẹ nhiễm HIV được tiếp cận với thuốc và để những đứa trẻ khi sinh ra không còn bị nhiễm HIV".