Quá trình chữa bệnh, nhiều bác sĩ đã “phát hoảng” khi gặp những bệnh nhân người lở loét, gầy gò chỉ còn “da bọc xương”, thậm chí các ven, mạch trong người họ cũng vỡ 'tùm lum' vì tiêm chích.
Có mặt tại Bệnh viện 09 lúc gần 8 giờ sáng, phóng viên không khỏi ngỡ ngàng trước những câu hỏi chất vấn của bác sĩ đối với một nam bệnh nhân.
- Mấy hôm nay anh có dùng chất gây nghiện không?
- Không! Tôi bỏ lâu rồi.
- Thế thì tốt quá, giờ anh đi lấy nước tiểu, tôi đi làm xét nghiệm cho anh.
- Tôi đã bảo tôi không dùng lâu rồi mà, thử làm gì, phát thuốc (thuốc Methadone) tôi uống để tôi còn về.
- Nếu anh không dùng nữa thì làm xét nghiệm để chúng tôi còn có phương pháp điều trị, cho liều lượng thuốc cho phù hợp chứ.
- Chị không tin tôi à! Alo, bố à! Con đã bảo các chị ấy cho thuốc để con uống, mà các chị ấy không cho, cứ bắt con phải thử nước tiểu, thôi con không uống nữa, con đi về!
Uống Methadone là trong số những biện pháp cai nghiện ma túy hữu hiệu nhất.
Đó là đoạn hội thoại phóng viên nghe được tại ngay nơi cấp phát thuốc Methadone cho những người nghiện ma túy tại Bệnh viện 09. Thấy lạ, phóng viên hỏi bác sĩ tại sao họ xin thuốc uống đúng giờ, đúng ngày lại không cho? Lúc này, bác sĩ mới giãi bày tâm sự.
“Không phải là chúng tôi không cho, nhưng anh thấy đấy, họ lừa cả bác sĩ, họ mang cả bố ra để “dọa” chúng tôi. Nhưng thực tế thì có phải vậy đâu. Họ chỉ vờ gọi điện thoại, màn hình điện thoại có sáng đâu. Ở đây những bệnh nhân như vậy nhiều lắm, nếu không tinh ý, cho họ uống thuốc rất nguy hiểm”, BS tên H. (xin được giấu tên theo yêu cầu bác sĩ) cho biết.
Chia sẻ với phóng viên về những trường hợp như trên, Ths.BS Nguyễn Thị Thảo – Phó giám đốc Bệnh viện 09 cho biết, những trường hợp như nam bệnh nhân trên, các bác sĩ công tác tại Bệnh viện 09 gặp đều như “cơm bữa”.
“Tôi dám chắc một điều rằng, nam bệnh nhân này mới dùng heroin nên không dám cho làm xét nghiệm và nói dối bác sĩ. Trong trường hợp này, nếu mới dùng heroin mà cho uống thuốc Methadone ngay về lý thuyết thì không sao. Nhưng nếu cơ địa bệnh nhân không tốt rất dễ gây sốc. Bởi vậy, chúng tôi mới phải “phỏng vấn” nhanh các bệnh nhân, để làm xét nghiệm, từ đó mới có hướng điều trị phù hợp với từng bệnh nhân”, BS Thảo cho hay.
Theo BS Thảo, trong quá trình chữa bệnh, nhiều bác sĩ “phát hoảng” khi gặp những bệnh nhân người lở loét, gầy gò chỉ còn “da bọc xương”. “Gần đây nhất là một trường hợp bệnh nhân mới vào điều trị được hơn 2 tuần, khi tiếp nhận bệnh nhân, nhiều bác sĩ trẻ còn không dám nhìn. Khi khám thì phát hiện bệnh nhân đã vỡ hết các ven, thậm chí các mạch trong người cũng vỡ hết vì tiêm chích.
Bệnh nhân đang được các bác sĩ Bệnh viện 09 điều trị nội trú.
Đối với những bệnh nhân nặng này, chúng tôi vẫn phải đưa ra những phác đồ điều trị “đặc hiệu” để cứu bệnh nhân. Ví dụ như cho bệnh nhân uống thuốc tác liều để giảm tác dụng phụ của thuốc, hoặc bệnh nhân có biểu hiện chống đối thì phải dùng kết hợp cả điều trị thuốc lần tâm lý …”, BS Thảo tâm sự.
Nói về những đối tượng đến điều trị tại Bệnh viện 09, Ths. BS Nguyễn Thị Thảo cho biết, tất cả những bệnh nhân khi đến bệnh viện điều trị đều là tự nguyện, nhưng lại được chia ra làm 2 nhóm.
Một nhóm là bản thân tự nguyện đến điều trị, còn nhóm còn lại là gia đình ép buộc đến điều trị. Những nhóm bị gia đình ép buộc đến điều trị thường có những kháng cự rất quyết liệt, đặc biệt là những bệnh nhân bị gia đình ép đến điều trị xong người nhà lại bỏ mặc bệnh nhân tại bệnh viện.
“Điều này gây khó khăn rất lớn đối với đội ngũ y bác sĩ làm việc tại bệnh viện này, nhưng với lương tâm của người thầy thuốc, chúng tôi không thể bỏ mặc bệnh nhân, dù biết điều trị họ là khó khăn. Thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng”, BS Thảo chia sẻ.