Bán đủ thứ để có tiền đưa con đi thi đại học

Ngày 03/07/2014 00:01 AM (GMT+7)

Bán lợn, bán gà, bán thóc,… bán tất cả những thứ tài sản gì có thể bán được để lấy tiền cho con đi thi đại học, đó là những câu chuyện có thực đang diễn ra ở những làng quê nghèo hiện nay.

“Cõng” thóc đi thi

“Trên Hà Nội chi tiêu thế nào, có đắt đỏ lắm không? Chú sợ không đủ…”, vừa đếm đi đếm lại những tờ tiền mệnh giá 50.000 đồng mới cứng cầm trên tay, ông Hoàng Văn Hà (quê Hoằng Hóa, Thanh Hóa) vừa quay sang hỏi người cháu vừa từ Hà Nội về. Năm nay, Hoàng Văn Hải - con đầu của ông Hà thi đại học. Để có tiền cho con đi thi, ông Hà đã bán gần như hết số thóc vừa thu hoạch được trong vụ thu hoạch vừa rồi. Năm nay mất mùa, giá thóc lại giảm, 6 tạ thóc bán được 3 triệu đồng (500.000 đồng/tạ). Toàn bộ chi phí cho kì thi đại học của hai cha con ông với 2 đợt thi (vì Hải thi hai trường, hai khối A và D) trên Hà Nội năm nay gói gọn trong con số 3 triệu đồng đó.

Ông Hà bảo với con: “Đấy, cả vụ lúa chỉ đủ tiền đi thi thôi. Coi như là ‘cõng’ thóc đi thi rồi đấy. Cố gắng mà thi cho đạt kết quả, kẻo bố mẹ buồn”. Từ trước đến nay, Hải được xem là chăm chỉ học hành và cũng được xếp vào dạng học lực khá. Có lẽ vì thế mà chuyện đi thi đại học của con với gia đình ông Hà hệ trọng lắm, nó là địa chỉ gửi gắm niềm tin, sự kì vọng của cả nhà.

Bán đủ thứ để có tiền đưa con đi thi đại học - 1

Với những người dân quê, khi kinh tế còn nhiều khó khăn thì kinh phí để cho con ra thành phố thi đại học là cả một vấn đề.

Câu chuyện tương tự gia đình ông Hà không phải hiếm ở các vùng quê Việt Nam. Với những người nông dân nghèo ở các vùng thôn quê, để có được chút ít tiền để làm kinh phí cho con đi thi đại học là cả một vấn đề lớn. Nhiều gia đình đã phải bán lợn, bán gà, bán thóc,… bán tất cả những thứ tài sản gì có thể bán được để lấy tiền cho con đi thi với một tâm nguyện rằng: 12 năm ăn học, đây là cơ hội cho bước ngoặt cuộc đời của con cái, cũng là cơ hội để bố mẹ có thể tự hào vì con mình, tốn kém bao nhiêu cũng phải khắc phục.

Có mặt tại khu ký túc xá (KTX) trường ĐHSP Hà Nội (Cầu Giấy, Hà Nội), cô Nguyễn Thị Bích (52 tuổi, quê ở Diễn Hồng, Diễn Châu, Nghệ An) cho biết: “Nhà ở xa, sợ thời tiết thất thường và gần ngày xe khách đông nên hai mẹ con tôi ra đây từ hôm 30/6. Được các bạn sinh viên tình nguyện hướng dẫn vào ký túc xá thuê trọ, rẻ hơn trọ bên ngoài. Con tôi thi vào khoa Toán của trường. Địa điểm thi ở tại trường nên trọ ở KTX cũng gần, tiện đi lại”.

“Nhà tôi ở quê nghèo lắm, vẫn thuộc diện hộ nghèo. Để có tiền đưa con đi thi, vợ chồng tôi phải bán đi đàn lợn con mới được hơn một tháng tuổi. Kể để nuôi thêm một thời gian nữa bán sẽ được giá hơn, nhưng mà không bán đi thì chẳng biết xoay vào đâu. Chả lẽ đã nuôi con ăn học suốt cả 12 năm, đến năm cuối cùng lại không cho con đi thi, tội nó lắm”, cô Bích tâm sự.

Bán đủ thứ để có tiền đưa con đi thi đại học - 2

KTX trường ĐHSP Hà Nội đã được "lấp đầy" bởi thí sinh và người nhà thí sinh thuê trọ.

Dưới cơn mưa tầm tã sáng ngày 1/7, vừa xuống xe bus, hai bố con ông Lê Văn Khuông (quê Bắc Sơn, Lạng Sơn) vội vàng chạy vào một quán nước ven đường để trú mưa và chờ người quen ra đón đưa về nhà trọ. Lê Thị Hà, con gái thứ hai của ông Khuông năm nay thi vào khoa Điện trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

“Hai bố con dậy từ 5 giờ sáng, ăn sáng rồi bắt xe khách xuống Hà Nội. Xuống đến đây thì trời mưa quá. Xuống trước mấy ngày để cháu nó còn nghỉ ngơi và ôn thi, chứ ngặt ngày thì xe đông lắm”, ông Khuông nói.

Về cảm nghĩ của người cha đưa con đi thi đại học, ông Khuông cười và nói rằng nó tựa như là trước một “trận đánh” mà con ông buộc phải “chiến đấu hết mình” vì “niềm tin của cha mẹ, vì tương lai của mình”.

“Trước kia, khi ở nhà, tôi vẫn nói vui với con gái, nếu đậu đại học cũng 40 mâm cơm mà không đậu thì cũng vẫn… 40 mâm cơm. Nó hỏi 40 mâm cơm để làm gì? Tôi bảo: nếu đậu thì 40 mâm cơm là để liên hoan mừng đậu đại học, còn nếu không đậu thì 40 mâm cơm là để… tổ chức đám cưới cho con đi lấy chồng. Nên chưa muốn lấy chồng thì cố mà học cho tốt”, ông Khuông cười vui vẻ.

"Hỗ trợ sĩ tử đi thi ở mức tối đa"

Dù còn 2 ngày nữa kì thi đại học mới diễn ra nhưng tại các KTX của các trường đại học trên địa bàn Hà Nội đã được “lấp đầy” bởi thí sinh và người nhà đi kèm.

Trong kỳ thi đại học năm nay, trường ĐHSP Hà Nội đã dành hẳn khuôn viên KTX với hơn 1000 giường cho thí sinh và người nhà thí sinh thuê trọ. Mức giá thuê trọ ở KTX cũng rẻ hơn rất nhiều so với các phòng trọ bên ngoài. Phòng trọ bình thường có giá từ 40.000 – 60.000 đồng/ngày. Trong khi đó, để phục vụ nhu cầu đa dạng của thí sinh và người nhà thì sinh trong kì thi, trường cũng vẫn có một số nphòng KTX có lắp điều hòa đưa vào phục vụ. Mức giá của các phòng KTX có lắm điều hòa, quạt và có tivi dao động từ 110.000 – 130.000 đồng/ngày.

PGS.TS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng trường ĐHSP Hà Nội cho biết: “So với các năm, số lượng thí sinh dự thi vào trường ĐHSP Hà Nội năm nay cũng không thay đổi bao nhiêu. Để hỗ trợ cho các thí sinh và người nhà thí sinh trong kì thi đại học, trường ĐHSP Hà Nội đã chuẩn bị tất cả mọi phương án để hỗ trợ được tốt nhất”.

Bán đủ thứ để có tiền đưa con đi thi đại học - 3

Các trường đại học đều có các đội sinh viên tình nguyện tham gia chiến dịch "tiếp sức mùa thi" để hỗ trợ thí sinh và người nhà thí sinh.

Để phục vụ cho công tác hỗ trợ thí sinh trong kì thi đại học năm nay, trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã huy động 890 sinh viên tình nguyện tham gia công tác tiếp sức mùa thi và phân phát các suất ăn cho thí sinh và người nhà. Các suất ăn này được lấy từ nguồn kinh phí hỗ trợ từ các tổ chức, đơn vị kinh doanh theo hình thức xã hội hóa với mức giá được cho là thấp nhất: 2.000 đồng / suất.

Vấn đề đi lại của thí sinh là một trong những vấn đề “nóng” và được quan tâm nhiều nhất. Nhiều năm trước, tình trạng xe dù, nhà xe tự ý tăng giá, tự ý “chặt chém” thí sinh đi thi đã thường xuyên xảy ra.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Tất Thành – Giám đốc BQL Bến xe Giáp Bát cho biết: “Tình trạng nhà xe tự ý tăng giá năm nay không có. Chúng tôi đã bắt các nhà xe phải ký vào bản cam kết là không đươc tự ý tăng giá vé trong kì thi đại học. Đổi lại, các đơn vị vận tải sẽ được tăng một số lượt xe trên một số tuyến. Việc tăng số lượt như vậy vừa đảm bảo lợi nhuận cho các đơn vị vận tải lại vừa đảm bảo công tác phục vụ nhu cầu đi lại của thí sinh và người nhà trước và sau kì thi”.

“Ngoài ra, nhiều trường đại học cũng lập ra các “đội xe ôm tình nguyện”, “xe ôm miễn phí” tại các địa điểm như cổng trường, bến xe để làm công tác đưa đón thí sinh và người nhà thí sinh đến nơi trọ một cách nhanh chóng và thuận lợi hơn”, ông Thành nói.

H.Sơn
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot