Theo quan niệm dân gian, ngày mùng 1 đầu năm đặc biệt quan trọng. Người đến nhà đầu tiên phải “hợp” để mang lại tài, lộc, may mắn cả năm cho gia chủ.
Tiến sỹ Trần Hữu Sơn - nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cho rằng, tục xông đất đàu năm bắt nguồn từ văn hóa phương Đông. Theo đó, ngày đầu năm được coi là mở đầu, tất cả những gì tốt đẹp nhất trong ngày này sẽ ảnh hưởng đến cả năm.
Do vậy, người Việt quan niệm, người bước vào nhà đầu tiên trong năm mới – gọi là xông đất phải “hợp tuổi” với chủ nhà để mang lại may mắn, tài, lộc cả năm cho gia đình.
Bảng hướng dẫn chọn tuổi xông đất (tham khảo: Chủ nhà tuổi Tý hợp người tuổi Mùi, Dần, Thân, Hợi xông đất; tương tự, chủ nhà tuổi Sửu hợp người tuổi Mão, Dần, Tỵ, Thân...) (Đồ họa: Nguyễn Lý)
Không chỉ hợp tuổi, người đến xông đất còn phải “hợp” với chủ nhà về tính cách, công việc... Chủ nhà thường tránh người xông đất lầm lì, cau có, ít nói, thay vào đó chọn người phóng khoáng, vui vẻ, hay nói hay cười, thành công trong sự nghiệp...
Nhà nghiên cứu Trần Hữu Sơn cho biết thêm, theo quan niệm dân gian, cứ người bước vào trong nhà đầu tiên đều gọi là xông đất. Ngay cả chính “người trong nhà” bước vào nhà mình cũng là tự xông đất. Trong thực tế, có người cẩn thận, tự mình xông đất nhà mình, tránh người “không vừa ý” bước vào nhà đầu tiên.
Ông Trần Hữu Sơn cho hay, người Việt cũng quan niệm, lần đi ra khỏi nhà đầu tiên trong năm, gọi là xuất hành. Lần đi ra khỏi nhà đó có thể là đi thăm bà con họ hàng, cũng có thể là đi mươi mười lăm bước rồi quay về cũng là xuất hành. Mong muốn gặp may mắn, người ta chọn ngày, giờ, các phương hướng tốt xuất hành.
Bảng hướng xuất hành (tham khảo) (Đồ họa: Nguyễn Lý)
Ông Trần Hữu Sơn cũng cho rằng, chưa có ai kiểm chứng được việc chọn người xông đất, hướng xuất hành đúng sai. Tuy nhiên, đây là phong tục từ nhiều đời nay của người Việt, với niềm tin về sự may mắn, tài, lộc đến mới gia đình mình suốt cả năm.