Tờ Youmiuri Shimbun cho rằng sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế đã buộc Trung Quốc phải nhượng bộ.
Ngày 20/7, tờ Youmiuri Shimbun của Nhật Bản có bài bình luận cho rằng chính những lời chỉ trích dữ dội của cộng đồng quốc tế đã khiến Trung Quốc “không còn lựa chọn nào khác” ngoài việc ngừng các hành động “thay đổi hiện trạng bằng vũ lực” khi họ chấm dứt hoạt động vi phạm luật pháp quốc tế của giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam.
Theo kế hoạch ban đầu mà Trung Quốc đưa ra, giàn khoan này sẽ hoạt động cho đến giữa tháng Tám, tuy nhiên nó đã được kéo về sớm trước một tháng vì “công việc được tiến hành thuận lợi”, theo cách giải thích của phía Trung Quốc.
Tuy nhiên, Youmiuri Shimbun cho rằng chính sức ép quốc tế đã khiến Trung Quốc phải nhượng bộ và chấm dứt các hành động phi pháp của họ trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Sức ép quốc tế đã khiến Trung Quốc phải dừng các hoạt động phi pháp trong vùng biển Việt Nam?
Hồi đầu tháng Năm, Trung Quốc đơn phương kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam, sau đó có các hành động hung hăng, ngang ngược như tấn công, đâm va tàu thực thi pháp luật của Việt Nam, đâm chìm một tàu cá của ngư dân Việt Nam, khiến căng thẳng trong khu vực tăng lên đến mức độ nguy hiểm.
Phong trào tuần hành phản đối các hành động ngang ngược của Trung Quốc bùng lên ở Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới, trong khi chính phủ Việt Nam kiên quyết phản đối và kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ lập trường chính nghĩa của mình, phản đối các hành động vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Youmiuri Shimbun nhận định dường như Trung Quốc đã bất ngờ trước sự phản kháng mạnh mẽ đến vậy của Việt Nam.
Bài viết của Youmiuri Shimbun cho rằng một tính toán sai lầm khác của Trung Quốc là Bắc Kinh không tính được rằng Nhật Bản, Mỹ, ASEAN và nhiều nước khác trên thế giới đã nhanh chóng lên tiếng ủng hộ Việt Nam và tăng cường hợp tác nhằm đối phó với Trung Quốc.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã chỉ trích những hành động “tự cho là đúng” của Trung Quốc tại các diễn đàn quốc tế bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế trước những tuyên bố chủ quyền không hề có căn cứ pháp lý của Trung Quốc. Những tuyên bố này của ông Abe đã nhận được sự đồng tình của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La
Mỹ đã thể hiện sự đồng tình đối với Nhật Bản bằng việc ủng hộ Tokyo diễn giải lại hiến pháp để thực thi quyền phòng vệ tập thể, và động thái này của Nhật cũng được nhiều quốc gia trong khu vực hoan nghênh.
Trong thời gian gần đây, Mỹ cũng đã phát đi nhiều tuyên bố cho thấy họ sẵn sàng tham gia một cách tích cực vào các vấn đề ở Biển Đông. Những tuyên bố này của Mỹ có vai trò rất quan trọng, đặc biệt là trong thời điểm Bắc Kinh đang tìm cách xây dựng một trật tự an ninh mới ở châu Á không có Mỹ.
Trong hội nghị ngoại trưởng ASEAN diễn ra hồi tháng Năm, dù có lập trường khác nhau đối với Trung Quốc, song các thành viên ASEAN cũng đã nhất trí bày tỏ “sự quan ngại sâu sắc” đối với tình hình nguy hiểm ở Biển Đông.
Từ các diễn biến trên, Youmiuri Shimbun cho rằng sự cô lập của Trung Quốc là “không thể nào rõ ràng hơn”.
Trong thời gian sắp tới, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một loạt các hội nghị, diễn đàn quốc tế. Diễn đàn Khu vực ASEAN với sự tham gia của cả Mỹ, Nhật và Trung Quốc sẽ được tổ chức vào đầu tháng tới, trong khi Trung Quốc sẽ là chủ nhà tổ chức hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương ở Bắc Kinh vào tháng 11.
Trung Quốc không muốn các hành động tương tự bị lên án tại các diễn đàn quốc tế
Youmiuri Shimbun nhấn mạnh, rõ ràng Trung Quốc muốn tránh trở thành mục tiêu bị chỉ trích tại các diễn đàn quốc tế này. Một số nhà quan sát dự báo rằng trong thời gian tới Bắc Kinh sẽ thực thi chính sách “tự kiềm chế” để tránh bị dư luận quốc tế lên án.
Tuy nhiên, Youmiuri Shimbun nhận định rằng Trung Quốc chắc chắn sẽ không thay đổi chiến lược mở rộng lãnh thổ và lợi ích trên Biển Đông và Hoa Đông đầy tham vọng mà họ đang theo đuổi.
Bởi vậy, cũng theo Youmiuri Shimbun, Mỹ và Nhật Bản cần phải tiếp tục chuẩn bị sẵn sàng đối phó với một chiến dịch bá chủ lâu dài do Trung Quốc phát động ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Còn trong thời gian trước mắt, có vẻ như các nỗ lực của cộng đồng quốc tế đã có những kết quả nhất định trong việc kiềm chế tham vọng Trung Quốc, Youmiuri Shimbun nhận xét. Từ kinh nghiệm này, các quốc gia có liên quan có thể phát huy để thuyết phục Trung Quốc tham gia một cách tích cực vào việc xây dựng một trật tự châu Á mới.