Dù bão số 3 chưa đổ bộ vào đất liền, nhưng vùng biển Tam Thanh (Quảng Nam) đã có mưa lớn, gió mạnh cấp 6-7, biển động dữ dội.
* Tiếp tục cập nhật
Ngày 14.9, Chi cục Phòng chống thiên tai khu vực miền Trung-Tây Nguyên (PCLB) cho hay, hiện cơn bão số 3 đang tiến thẳng vào khu vực biển Đà Nẵng-Quảng Ngãi khiến nhiều tàu cá của ngư dân gặp nạn trên biển, 4 thuyền viên mất tích. Hiện nay do thời tiết tại khu vực rất xấu.
Theo ghi nhận của PV, bắt đầu từ chiều tối 13.9, tại TP.Đà Nẵng đã bắt đầu có mưa và mưa to liên tục suốt đêm. Mưa to cộng với ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, gió cũng mạnh cấp 8, giật cấp 9, cấp 10 khiến nhiều cây xanh bị bật gốc. Mưa to cộng với gió mạnh ngay từ sớm thứ Hai đầu tuần đã ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của người dân, nhất là vào đúng thời điểm người dân phải đi làm và học sinh phải đến trường.
Nhiều cây xanh dọc tuyến đường ven biển Đà Nẵng bị bật gốc.
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, sáng 14.9, UBND thành phố Đà Nẵng đã có công điện khẩn yêu cầu các đơn vị khẩn trương triển khai phương án ứng phó với bão.
Theo đó, học sinh trên toàn thành phố được nghỉ học bắt đầu từ trưa ngày 14.9; giao Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo theo dõi diễn biến mưa bão, quyết định thời điểm phù hợp cho học sinh đi học lại.
Ngư dân đã đưa thuyền nhỏ lên bờ để tránh bão. Các thuyền lớn đang được ngư dân dùng dây thừng cùng các cây gổ để chằng chéo.
Ngư dân đưa thuyền nhỏ lên bờ tránh bão
Đồng thời, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, giữ thông tin liên lạc với các tàu thuyền khác; các địa phương và lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy, Chi cục Thủy sản thành phố phối hợp tổ chức di dời toàn bộ tàu thuyền trên sông Hàn vào khu trú tránh bão Âu thuyền Thọ Quang và vịnh Mân Thái; nghiêm cấm tàu thuyền neo đậu trên sông Hàn; hướng dẫn sắp xếp tàu thuyền neo đậu an toàn.
UBND các quận, huyện chỉ đạo các địa phương thông báo tin bão khẩn cấp cho nhân dân biết để chủ động phòng tránh; triển khai ngay các phương án phòng chống bão, lũ, lũ quét; triển khai ngay phương án sơ tán nhân dân tại những vùng trũng, thấp, vùng ven biển; chủ động dự trữ lương thực thực phẩm, nước uống để phòng lũ lớn; tổ chức chằng chống nhà cửa, nhất là nhà tạm chờ tái định cư...
Chằng chống nhà cửa
Tuy nằm ngoài vùng tâm bão nhưng từ 6 giờ sáng nay (14.9), Quảng Trị đã có gió giật mạnh, mưa lớn dần.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị cho biết 2257 tàu đã vào bờ trú ẩn an toàn. Ngoài ra, có 38 tàu với 263 người ngoại tỉnh đã được kêu gọi vào neo đậu an toàn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Tàu thuyền Quảng Trị vào nơi trú ẩn an toàn (Ảnh: T.L)
Quảng Trị đang tiếp tục kêu gọi tàu thuyền về nơi trú tránh an toàn; đồng thời quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền và giữ thông tin liên lạc thường xuyên với các chủ phương tiện, tàu thuyền để xử lý các tình huống xảy ra.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị đang huy động lực lượng, phương tiện giúp nông dân thu hoạch nhanh 2.700 ha lúa; đồng thời tiếp tục kêu gọi 24 tàu thuyền với 166 người đang hoạt động trên vùng biển Quảng Bình và Đà Nẵng vào bờ trú ẩn.
Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng, tính đến 8 giờ sáng nay, hiện thành phố vẫn còn 317 tàu thuyền, 2.676 lao động đang hoạt động trên biển. Trong đó, ở vùng đông bắc Hoàng Sa có 18 phương tiện với 205 lao động.
Trong khi đó, tại Quảng Nam, sáng sớm nay (14.9), ghi nhận nhanh tại vùng biển Tam Thanh, TP Tam Kỳ, dù bão số 3 chưa đổ bộ vào đất liền, nhưng trên địa bàn có mưa lớn, gió mạnh cấp 6-7, biển động dữ dội. Những cơn sóng lớn cao gần 2m đánh tan hàng chục lều nghỉ mát của người dân. Hai cây trụ mắt canh biển của lực lượng cứu hộ bị gió thổi tung ra biển.
Dù bão chưa đổ bộ, nhưng nhiều biển báo lớn của các quán nhậu ven viển Tam Thanh bị gió quật ngã. Hiện người dân vùng ven biển Tam Thanh đang hối hả đưa tàu, thuyền nhỏ lên bờ tránh bão...
Biển quảng cáo của nhà hàng bị gió quật đổ
Ghế quan sát cứu hộ bị thổi ra biển
Người dân hối hả đưa tàu thuyền nhỏ lên bờ tránh bão
Do ảnh hưởng bão số 3, tại Quảng Nam đêm qua và sáng nay có mưa rất lớn, nhiều nơi ngập sâu trong nước, ruộng lúa, hoa màu chìm ngập trong nước. Nông dân bì bõm gặt lúa trước khi bão về.
Có mặt tại cánh đồng tổ 4, thôn Phú Thạnh, xã Tam Phú, TP Tam Kỳ, Quảng Nam, nước ngập sâu, ông Nguyễn Ngọc Phẫn đang kêu gần chục người đến gom gặt lúa, nhằm kiếm lại chút lúa. Sau trận mưa đêm qua, hơn 600m2 lúa gieo sạ đã bị thiệt hại đến40%.
Không riêng Tam Kỳ, tại nhiều nơi khác trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, nông dân cũng đang hì hục trong nước để cứu hoa màu...
Theo Chi cục PCLB miền Trung-Tây Nguyên, do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) và vùng biển ngoài khơi Trung Trung Bộ có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9-10. Biển động rất mạnh.
Đến sáng 14.9, các tỉnh từ Quảng Bình đến Ninh Thuận đã triển khai công tác theo dõi, kiểm đếm và thông báo về vị trí, hướng di chuyển, diễn biến của cơn bão cho các chủ phương tiện đang hoạt động trên biển. Tính đến 00 giờ 00 ngày 13.9, đã thông báo và hướng dẫn cho tổng số 29.012 tàu/124.747lao động biết vị trí, hướng di chuyển của cơn bão để chủ động trú tránh. Hiện trong khu vực Hoàng Sa còn 18 tàu/144 LĐ (Bình Định).Khu vực khác còn 4.694 tàu/33.685 LĐ.
Chi cục Phòng, chống thiên tai khu vực Miền Trung và Tây Nguyên cho biết, hồi 4 giờ ngày 14.9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,7 độ vĩ Bắc, 110,6 độ kinh Đông, trên vùng biển Tây Nam quần đảo Hoàng Sa, cách bờ biển Đà Nẵng-Quảng Ngãi khoảng 220km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9-10. Trong khoảng 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được 10-15km. Đến 16 giờ chiều nay (14.9), vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 108,9 độ Kinh Đông, trên vùng biển ven bờ Đà Nẵng-Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9-10. Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10-15km, đi vào đất liền khu vực Đà Nẵng-Quảng Ngãi và suy yếu thành ATNĐ. Sau đó ATNĐ tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành là một vùng áp thấp. Đến 4 giờ ngày 15.9, trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 106,8 độ Kinh Đông, trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6. Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) và vùng biển ngoài khơi Trung Trung Bộ có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9-10. Biển động mạnh. Khu vực ven biển các tỉnh Quảng Bình - Quảng Ngãi từ chiều nay (14.9) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3. Đặc biệt, do ảnh hưởng của ATNĐ, từ ngày 14-16.9, ở các tỉnh Trung Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to đến rất to. Từ ngày 15-17.9 vùng mưa lớn mở rộng ra Bắc Trung Bộ. Từ ngày 16-18.9, mưa lớn tiếp tục mở rộng ra khu vực Bắc Bộ. Trên các sông từ Nghệ An đến Quảng Ngãi và khu vực Bắc Tây Nguyên sẽ xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, mực nước trên các sông ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam khả năng lên mức báo động 1 đến báo động 2, các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi và khu vực Bắc Tây Nguyên có khả năng lên mức báo động 2 đến báo động 3, có nơi trên báo động 3. Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng vùng trũng tại các tỉnh trên. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 2. Ngoài ra, khu vực vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9. Khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm quần đảo Trường Sa), vùng biển ngoài khơi các tỉnh Bình Thuận đến Cà Mau có gió tây nam mạnh cấp cấp 6, giật cấp 7-8 và có mưa dông mạnh; trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy. |