Bác ruột bé V.A cho biết hoàn toàn đồng tình với việc công an bắt Thái về hành vi giúp sức cho người tình. Giờ đây anh chỉ mong cơ quan chức năng xử lý đúng người đúng tội.
Khuya 30/12, Cơ quan CSĐT Công an quận Bình Thạnh (TP.HCM) đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với Nguyễn Kim Trung Thái (SN 1985, ngụ quận 1). Thái là cha đẻ của bé V.A (8 tuổi) bị Nguyễn Võ Quỳnh Trang (26 tuổi, Gia Lai) bạo hành dẫn đến tử vong.
Công an thực hiện lệnh bắt Thái với vai trò là đồng phạm giúp sức Quỳnh Trang. Hơn nữa, Thái sẽ bị điều tra những dấu hiệu của hành vi “ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình” theo Điều 185 Bộ luật Hình sự.
Nhiều người bày tỏ sự đồng thuận với quyết định trên
Thông tin cha đẻ của bé V.A bị bắt đã thu hút sự chú ý lớn từ dư luận. Nhiều người đã bày tỏ sự đồng thuận với quyết định này của cơ quan điều tra, đặc biệt là hàng xóm và đồng nghiệp cũ của Thái.
Chị L.B – người sống ở cạnh căn hộ của cha con bé V.A cho biết: “Sáng nay, tôi đọc tin báo chí đưa rằng Công an quận Bình Thạnh đã bắt khẩn cấp Thái mà thấy nhẹ nhõm phần nào. Từ hôm xảy ra vụ việc, chúng tôi luôn thắc mắc rằng vì sao sống chung nhà với nhau hàng năm trời mà Thái lại không hề biết Trang bạo hành con gái của mình. Chúng tôi chắc chắn rằng Thái kiểu gì cũng biết nhưng hoặc lờ đi hoặc là đồng phạm tham gia cùng.
Cuối cùng, công an đã làm rõ mọi thắc mắc của tôi nói riêng và cư dân nói chung. Tôi hi vọng rằng pháp luật sẽ xử lý nghiêm minh hành vi đó của người bố ấy”.
Khuya 30/12, Cơ quan CSĐT Công an quận Bình Thạnh (TP.HCM) đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với Thái.
Trong khi đó, anh T – sống ở căn hộ bên cạnh nhà bé V.A khẳng định rằng việc Trang bị khởi tố với tội “Hành hạ người khác”, còn Thái là đồng phạm, giúp sức là chưa đủ. Theo anh, nếu như Trang gây ra cái chết trực tiếp cho bé V.A thì phải khởi tố theo hình phạt khác: Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người. “Có lẽ, cơ quan điều tra đang thu thập chứng cứ để củng cố rồi truy tố Trang và Thái sang tội danh nặng hơn. Tôi rất hi vọng trong nay mai cơ quan điều tra sẽ ra thông báo mới. Tôi không thể chấp nhận được hành vi vô nhân tính của 2 người đó”, anh T nói.
Không chỉ hàng xóm, đồng nghiệp cũ của Thái cũng lên tiếng trước việc Thái bị công an bắt giữ khẩn cấp. Chị H.A – người làm chung công ty với Thái cách đây 5 năm nói: “Tôi và Thái làm cùng công ty cách đây 5 năm. Hồi ấy, vợ chồng Thái mới chỉ có V.A, chưa có bé trai thứ 2. Ngày hai vợ chồng ra tòa, tôi khá ngỡ ngàng khi hay tin nhưng cũng không mấy bận tâm bởi đó là chuyện riêng của gia đình họ.
Sự ra đi của bé V.A đã khiến nhiều người xót thương.
Đến lúc đọc báo thấy bé V.A tử vong do bị người tình của Thái bạo hành, tôi đã không tin vào mắt mình. Tôi không nghĩ rằng việc Thái ở cùng nhà mà để con gái xảy ra chuyện đó. Có lẽ cậu ấy đã thay đổi so với trước rất nhiều và dung túng cho hành vi sai trái của người tình. Việc cậu bị cơ quan điều tra bắt khẩn cấp là đúng. Tôi cũng mong pháp luật sẽ xử đúng người đúng tội, không bỏ lọt tội phạm”.
Anh Nguyễn Quang Vinh – bác ruột bé V.A cho biết hoàn toàn đồng tình với việc bắt Thái về hành vi giúp sức cho người tình. Giờ đây anh chỉ mong cơ quan chức năng xử lý đúng người đúng tội.
Cũng theo anh Vinh, hiện tại sức khỏe cũng như tinh thần của em gái anh - tức mẹ bé V.A đã tạm ổn.
Người cha đồng phạm giúp sức sẽ bị xử lý ra sao?
Liên quan đến sự việc cha bé V.A bị bắt khẩn cấp, luật sư Trần Minh Hùng – Văn phòng Luật sư Gia đình (TP.HCM) cho hay việc xác định tội danh của Thái sẽ phải dựa trên 2 tình huống xảy ra sau khi khám nghiệm tử thi bé V.A và các chứng cứ liên quan...
Thứ nhất, nếu bé V.A bị Quỳnh Trang đánh đập, đối xử tệ bạc như giam lỏng, không cho ăn nhưng nguyên nhân tử vong không phải vì đánh đập thì việc cơ quan điều tra khởi tố Quỳnh Trang về tội “Hành hạ người khác” theo Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.
Quỳnh Trang trước khi bị bắt giữ.
Thứ hai, nếu đã có giám định pháp ý và đủ căn cứ xác định bé V.A bị hành hung dẫn đến tử vong, cơ quan chức năng có thể thay đổi tội danh, truy cứu trách nhiệm hình sự Quỳnh Trang về tội danh nặng hơn: Cố ý gây thương tích.
“Chỉ khi xác định chính xác hành vi của Trang thì cơ quan điều tra mới có thể có căn cứ để xử lý đối với Thái - người có hành vi đồng phạm giúp sức. Cụ thể, nếu có đủ bằng chứng cho thấy Thái thông đồng, tiếp tay cho người tình thực hiện hành vi của mình thì Thái sẽ bị truy cứu về tội danh tương tự với vai trò giúp sức tích cực.
Trường hợp xác định Thái biết hành vi phạm tội của Trang, thấy con gái đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, có điều kiện cứu giúp mà không thực hiện dẫn đến hậu quả chết người thì có thể bị xử lý về tội “Không cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” theo Điều 132 Bộ luật hình sự”, vị luật sư nói.
Cũng theo luật sư Hùng, hiện nay cơ quan chức năng quận Bình Thạnh đang khởi tố Thái về tội Ngược đãi hoặc hành hạ ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình. Đây là tội danh nặng hơn tội danh Hành hạ người khác vì Thái là cha ruột, còn Trang không phải mẹ cháu nên khởi tố tội Hành hạ người khác.
Điều 140, Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định về tội hành hạ người khác như sau: 1. Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm: a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên; c) Đối với 02 người trở lên. Như vậy, đối với tội hành hạ người khác thì mức phạt tù cao nhất lên đến 03 năm. Điều 134 Bộ Luật Hình Sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định về tội cố ý gây thương tích như sau: 1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn gây nguy hại cho từ 02 người trở lên; b) Dùng a-xít sunfuric (H2SO4) hoặc hóa chất nguy hiểm khác gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; c) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; d) Phạm tội 02 lần trở lên; đ) Phạm tội đối với 02 người trở lên; e) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; g) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng mình, thầy giáo, cô giáo của mình; h) Có tổ chức; i) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; k) Phạm tội trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc; l) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe do được thuê; m) Có tính chất côn đồ; n) Tái phạm nguy hiểm; o) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân. 2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k, l, m, n và o khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm. 3. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, thì bị phạt tù từ 04 năm đến 07 năm. 4. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k, l, m, n và o khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm. 5. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 6 Điều này hoặc dẫn đến chết người, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm. 6. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: a) Làm chết 02 người trở lên; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; c) Gây thương tích vào vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên. 7. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Điều 132 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định về tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng như sau: 1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm; b) Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp. 3. Phạm tội dẫn đến hậu quả 02 người trở lên chết, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm. 4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. |