Trong ngày 8-4, lực lượng QLTT Hà Nội đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ vận chuyện, lưu trữ thủy hải sản hết “date”, không rõ nguồn gốc trên địa bàn thành phố.
Tin từ đội QLTT số 5 cho biết, cơ quan này vừa phát hiện và lập biên bản xử lý một vụ vận chuyển lô cá chình không rõ nguồn gốc vào Hà Nội.
Cụ thể, vào sáng ngày 8-4, trong lúc làm nhiệm vụ tại bến xe Lương Yên (quận Hai Bà Trung, Hà Nội) Đội QLTT số 5 (Chi cục QLTT Hà Nội) phối hợp với Đội Cảnh sát môi trường (Công an quận Hai Bà Trưng) phát hiện chiếc xe khách tuyến Hải Phòng – Hà Nội đang bốc dỡ 6 kiện hàng có dấu hiệu nghi vấn. Ngay lập tức lực lượng liên ngành TP. Hà Nội tổ chức kiểm tra.
Cá chình thu mua tại Trung Quốc đang được vận chuyển về Hà Nội tiêu thụ
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng liên ngành TP. Hà Nội phát hiện trên bao bì những kiện hàng đều in chữ Trung Quốc. Tuy nhiên, chủ hàng là Hoàng Anh Tuấn (SN 1973, Đan Phượng, Hà Nội) không xuất trình được bất kỳ hóa đơn chứng từ nào liên quan đến số hàng.
Khi lực lượng chức năng TP. Hà Nội mở kiểm tra các thùng xốp thì phát hiện bên trong là cá chình sống đóng trong các túi nilon nước để vận chuyển. Ước tính số cá có trọng lượng khoảng 200 kg.
Chủ hàng khai nhận, đây là cá chình Trung Quốc được mua gom tại Hải Phòng, vận chuyển bằng xe khách về Hà Nội. Theo thông tin ban đầu, số hàng này dược gom về để đưa xuống chợ cá Yên Sở tiêu thụ.
Cùng ngày 8-4, Đội QLTT số 1, Chi cục QLTT Hà Nội đã kiểm tra kho hàng của công ty TNHH thương mại Sim Ba, chi nhánh Hà Nội tại địa chỉ số 4, ngõ 353 ngách 19, Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội, chuyên nhập khẩu và kinh doanh các mặt hàng thực phẩm của Nhật Bản.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện nhiều hộp catton chứa cá Saba phi lê đông lạnh, loại 130g đã quá hạn sử dụng từ ngày 17-2-2014, vẫn được chứa trong kho hàng. Đáng lưu ý, số hàng này đã được dán lại nhãn phụ, sửa ngày sản xuất gia hạn sử dụng đến 22-7-2014. Theo kiểm đếm, có tổng cộng 59 miếng cá đã hết hạn còn giữ trong kho hàng.
Trong khi đó, theo sổ sách kế toán của công ty, loại cá Saba phi lê đã hết hạn này vẫn được công ty bán cho các cửa hàng kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn Hà Nội từ ngày 17-2 (tức ngày đã hết hạn) cho đến ngày 7-4-2014 (tức hiện tại vẫn đang tiếp tục kinh doanh). Nhãn mác hàng hóa được in bằng chữ Nhật, nhưng xuất xứ số hàng này được xác định có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Kiểm tra kho hàng, Đội QLTT số 1 còn phát hiện thêm nhiều loại kem xuất xứ Nhật Bản nhưng không có nhãn phụ, không có hạn sử dụng trên bao bì. Cụ thể, có 38 hộp kem các loại, loại 2kg và 12 hộp kem vani loại 9 viên.
Lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản, thu giữ số hàng và đang tiếp tục điều tra, làm rõ.