Con vật này sống tối đa chỉ được 4 tháng, sinh sản hết trứng là chúng chết nhưng một người đàn ông ở Tây Ninh nuôi lại có thu nhập từ 50-100 triệu đồng/tháng.
Đến xã Suối Dây, không ai là không biết đến nhà ông Hồ Đắc Vĩnh, chủ trại dế tại ấp 7, xã Suối Dây, Tân Châu, Tây Ninh. Mọi người ở xã đặt cho ông biệt danh là “Vĩnh dế”, bởi ông được nhiều người biết đến với mô hình nuôi dế thành công, không ít các thanh niên trong địa phương và các nơi đến học hỏi.
Sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn, ông Vĩnh không lạ gì với các loài dế sống ở ngoài ruộng. Nhưng hồi còn nhỏ, ông thường cùng bạn bè trong xóm đi đào hang bắt dế về đá chơi hoặc chế biến một vài món ăn. Sau này, khi lớn lên, ông không còn thời gian đi bắt mà dế sống ngoài đồng ruộng cũng dần ít đi.
Tìm hiểu thị trường, ông thấy được nhu cầu thực phẩm từ các loại côn trùng: dế, ve sầu… tăng dần. Ông quyết định nuôi chúng, đến nay cũng được khoảng 18 năm.
Ông Vĩnh nuôi dế được khoảng 18 năm nay.
Nhớ lại khoảng thời gian đầu mới nuôi vào năm 2004, thời điểm đó hầu như trên khắp cả nước chưa có ai nuôi dế làm thương phẩm, ông phải tự mày mò, nuôi thử nghiệm suốt thời gian dài trước khi nuôi nhiều.
“Chỉ vài tháng, đàn dế của tôi đã lên đến hàng trăm ngàn con. Cứ nghĩ nuôi dế đơn giản, chúng sinh sản nhanh và rất khoẻ mạnh. Chẳng thế ngờ, đàn dế cứ chết dần và cuối cùng là không còn một con nào sống sót. Tài sản coi như tiêu tan, bỗng dưng tôi lâm vào cảnh nợ nần, chỉ vài triệu đồng nhưng cũng làm tôi thấy chán nản”, ông ngậm ngùi chia sẻ.
Hiện, ông nuôi dế với diện tích khoảng 500m2.
Động lực giúp ông tiếp tục nuôi con vật này là tình cờ đến nhà bạn chơi ở Gia Lai thì ông thấy người bạn này cũng nuôi dế và khá thành công. Ông có đem câu chuyện của mình ra kể và tìm hiểu thì biết nguyên nhân khiến dế chết hàng loạt là do chu kỳ sống của nó chỉ vài tháng và thời tiết, thức ăn, mật độ nuôi, môi trường… cũng ảnh hưởng lớn đến thất bại đó của ông.
Đem một khay trứng dế từ nhà người bạn về, ông gây dựng lại “cơ đồ”. Rút kinh nghiệm từ lần trước, ông nuôi dế với mật độ thưa hơn, thức ăn đa dạng các loại rau, cỏ và có liều lượng… Ông còn sử dụng những vỉ giấy đựng trứng gà để kê làm tổ cho dế, tạo môi trường giống tự nhiên, đàn dế bắt đầu ổn định và lớn nhanh.
Đến nay, diện tích trại nuôi dế của ông Vĩnh rộng đến 500m2 và khoảng 20 hợp đồng bao tiêu của các bà con nuôi dế, tính tổng phải đến mấy ngàn mét vuông. Trang trại của ông hiện tại với hơn 100 thùng dế các loại, ước tính khoảng 2,5 triệu con dế. Nuôi đến khi dế thành phẩm, ông lấy đó làm nguyên liệu để làm các món ăn như dế sấy bơ tỏi, dế sấy tỏi ớt và bột dế để phân phối ra thị trường. Nhờ các sản phẩm này, ông thu về từ 50-100 triệu đồng/tháng.
Ông bán dế thương phẩm quanh năm, cung cấp nguyên liệu cho nhiều nhà hàng trong vùng.
Ngoài ra, ông còn làm dế sấy bơ tỏi và dế sấy tỏi ớt ăn liền để bán ra thị trường.
Với kinh nghiệm gần 20 năm nuôi dế, ông Vĩnh nhận định dế là con vật rất dễ nuôi, đẻ nhanh. Trung bình một con dế mái đẻ được khoảng 400 trứng cho một chu kỳ sinh sản kéo dài 22 ngày. Dế con từ khi mới nở đến lúc xuất thịt là 45 ngày, còn dế nuôi đẻ sẽ vào khoảng 75 ngày.
Khi đã nắm được kỹ thuật nuôi, đầu ra của dế lại là vấn đề lớn với ông khi ông khó xuất bán. Với sự kiên trì và lòng quyết tâm với nghề, ông đã mày mò nghiên cứu và tìm hiểu các cách làm ra nhiều món ăn từ dế rồi hướng dẫn lại cho mọi người.
Sự cố gắng của ông được đền đáp, sau gần 2 năm, các món chế biến từ dế được nhiều người biết tới và đầu ra trại dế của ông không cần phải suy nghĩ gì nữa. Chưa dừng lại ở đó, ông tiếp tục tự mua máy móc về nghiên cứu làm các sản phẩm dế sấy bơ tỏi và dế sấy tỏi ớt ăn liền để bán ra thị trường. Ngoài ra, ông còn làm ra sản phẩm bột dế phục vụ nhu cầu khách hàng.