Theo khẳng định của chuyên gia công nghệ thực phẩm, các món bỏng ngô được bán rong trên các đường phố không độc hại.
Bỏng ngô là món ăn vặt được người Việt rất ưa thích, đặc biệt là của các bạn trẻ bởi nó vừa ngon vừa rẻ lại có nhiều lựa chọn phong phú.
Món ăn vặt được ưa thích
Không khó để tìm mua bỏng ngô ở Hà Nội. Món ăn này được bày bán phổ biến ở hầu hết các hàng tạp hóa, các cổng trường học hay có thể gặp trên bất cứ con phố nào ở Hà Nội bởi các hàng bán rong.
Chỉ riêng tại chợ trên phố Nguyễn Phúc Lai, Đống Đa, Hà Nội đã có 3 – 4 hàng bán bỏng ngô với nhiều loại: bỏng ngô không đường rời, bỏng ngô bọc đường mía, bỏng ngô đóng thành bánh, bỏng gạo, bỏng gạo bọc đường…
Giá mỗi túi bỏng thông thường chỉ từ khoảng 5.000 đồng. Loại bỏng gạo và bỏng ngô đóng thành từng bánh nhỏ cũng chỉ từ 3.000 đồng/bánh – 5.000 đồng/bánh.
Đây là khu chợ có nhiều sinh viên và học sinh qua lại nên mặt hàng này bán khá chạy. Chị Lan, chủ tạp hóa có bán bỏng ngô tại chợ này cho hay: “Sinh viên, học sinh thích món này lắm. Chỉ cần 20.000 đồng, cả nhóm mấy đứa có thể ăn thoải mái”. Theo chị Lan, một ngày, trung bình một ngày chị bán được khoảng 30 – 40 gói.
Chị Lan cũng cho hay, trước đây, ở chợ này có hai hàng bỏng ngồi rang, bán ngay tại chợ nên bỏng còn nóng, rất được khách hàng ưa thích. Mỗi ngày, một hàng bỏng đó có thể bán hết mấy kg ngô nguyên liệu.
Ở nhiều trường đại học trên địa bàn Hà Nội như Bách Khoa, Xây dựng, Kinh tế Quốc dân, Giao thông vận tải, Khoa học Xã hội và Nhân văn… bỏng ngô cũng là món quà vặt phổ biến.
Tại cổng sau trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, mỗi ngày có từ 2 – 3 người dùng xe đạp chở mỗi xe 2 bì bỏng rất to đứng bán. Loại bỏng bán chạy nhất ở khu vực này là bỏng ngô rời không đường loại bé, hạt giòn. Chị Hoa, người bán bỏng ngô ở đây cho hay: “Có ngày tôi bán hết sạch cả 2 bì bỏng to thế này, còn thông thường cũng hết 1 bì”.
Trên các tuyến phố, con đường ở Hà Nội, cũng rất dễ bắt gặp những hàng đi rong bằng xe đạp bán quà vặt là các món bánh rán, bánh tiêu… có kèm theo bỏng ngô.
Ở những hàng này, giá bán có đắt hơn đôi chút nhưng cũng chỉ khoảng 10.000 đồng là một người có thể ăn thoải mái với món quà vặt này. Ở phố Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội, chị Hằng, người bán bỏng ngô rong cho hay: “Tôi hay đi bán rong vào tầm chiều, món này bán chạy lắm, nhiều khi còn hết trước cả bánh rán”. Bỏng ngô rời chị Hằng bán với giá 3.000 đồng/lạng, còn bỏng ngô, gạo bọc đường đóng thành bánh 5.000 đồng/bánh.
Bỏng ngô là món quà vặt rất được chị em phụ nữ ưa thích. Ảnh: Bảo Anh
Nếu làm thủ công thì ít độc hại
Tuy là món ăn truyền thống và rất phổ biến với người dân Việt Nam nhưng bỏng ngô lại được xem là món ăn không mấy vệ sinh, bởi chính cách nó được bảo quản và bày bán.
Thông thường, bỏng chỉ được để trong các bao ni long to rồi chở dọc các con phố, phơi ra giữa dòng người, xe qua lại bụi bặm hay để ngay dưới vỉa hè không hề có dụng cụ che đậy.
Bạn Trần Thùy Linh, sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội nhận xét: “Tuy em vẫn hay ăn nhưng nhiều khi nhìn cũng thấy hơi “bẩn”, bỏng hay bị dính các vệt đen, bụi giống như sạn. Bỏng đường thì hầu như cái nào cũng có những hạt sạn đen lẫn vào, phải vừa ăn vừa để ý cạy bỏ đi”.
Cũng vì nhìn thấy món bỏng ngô không được vệ sinh lắm nên chị Trần Thị Thu Dung, trú tại phố Pháo Đài Láng, Đống Đa, Hà Nội cũng hạn chế tối đa ăn món này. Chị Dung cho hay: “Con phố chỗ tôi ở lại rất hay bán món này, ngày nào đi làm qua cũng nhìn thấy, nhưng hôm nào thèm lắm mới mua một ít ăn thôi vì nhìn không được sạch lắm”.
Trao đổi với PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Giảng viên Viện Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội về những lo lắng của người tiêu dùng xung quanh vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm của món ăn vặt rất phổ biến này, PGS.TS Thịnh cho hay, xét về mặt độc hại do hóa chất ở bỏng ngô thì không đáng lo ngại lắm.
Theo lý giải của PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nếu được làm bằng phương pháp thủ công thì bỏng ngô hầu như không chứa hóa chất. Thông thường, người ta làm bỏng ngô bằng phương pháp nổ nhiệt, dùng nhiệt độ cao tác động để hạt ngô chín và bung nở, tạo độ giòn ngon. Còn nếu là bỏng đường thì người ta thường dùng đường mía, không dùng đường hóa học bởi đường hóa học không thể tạo độ kết dính như đường mía. Do đó, bỏng ngô ít độc hại.
Tuy nhiên, về mặt bảo quản, vận chuyển và bày bán ở các hàng bán rong và bán vỉa hè thì PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nhận định, đúng là không được vệ sinh lắm!