Người dân các xã ven biển ở TX Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đang hoang mang khi cá, ngao chết hàng loạt làm cho cuộc sống người dân đảo lộn. Các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh cho rằng sự việc vượt quá tầm tay của tỉnh, mong Chính phủ vào cuộc để sớm tìm ra nguyên nhân.
Khóc ròng vì cá chết hàng loạt
“Bao nhiêu cá nuôi của người dân thị xã (TX) Kỳ Anh chết sạch hết, giờ đến lượt cá biển, ngao có dấu hiệu chết dạt vào bờ biển. Người dân đang rất hoang mang mong sớm tìm ra nguyên nhân để có hướng làm ăn tiếp”, chị Nguyễn Thị Thủy, Phòng Quản lý Đô thị và Kinh tế, TX Kỳ Anh thốt lên tại cuộc làm việc giữa Sở NN&PTNT Hà Tĩnh với Vụ Nuôi trồng thủy sản, chiều 20/4.
Anh Nguyễn Thái Bảo (trú tại thôn Tây Hà, xã Kỳ Hà) cho biết, hơn 5.000 con cá Hồng Mỹ, cá mú nuôi hơn 1 tháng đang khỏe mạnh bỗng dưng lờ đờ trên mặt nước rồi chết hàng loạt. “Khoảng 12 giờ đêm cho cá ăn khỏe mạnh, đến rạng sáng 6/4, cá bỗng dưng chết hàng loạt. Chắc chắn có độc tố trong môi trường nước cá mới chết nhanh như vậy”, anh Bảo nói. Thiệt hại bước đầu của gia đình anh Bảo ước tính hơn 120 triệu đồng.
Tại thôn Hải Phong, xã Kỳ Lợi những hộ nuôi cá bị chết lo lắng bỏ cả nơi chăn nuôi lên bờ. “Giờ người dân không biết có nên tiếp tục đầu tư tiếp hay không”, anh Chu Văn Khánh nói. Chiều qua, PV Tiền Phong có mặt tại khu vực Mũi Đao, xã Kỳ Nam có rất nhiều loài cá chết bốc mùi trên bãi biển. Theo quan sát, cá chết đa phần loài cá nằm ở tầng đáy như cá đuối, cá lệch…
Nhiều ngư dân ở các xã ven biển của TX Kỳ Anh cho biết, hơn một tuần nay, sản lượng đánh bắt cá ở khu vực vùng lộng giảm hẳn. “Không chỉ sản lượng đánh bắt bị giảm, khi đánh cá về cá còn khó bán, giá bị hạ xuống do người mua truyền tai nhau cá bị nhiễm độc”, ngư dân Nguyễn Văn Ninh, xã Kỳ Lợi nói. Ngư dân các xã Kỳ Lợi, Kỳ Hà cho rằng, nguyên nhân cá bắt nguồn từ việc ô nhiễm nguồn nước từ các nhà máy trong khu Kinh tế Vũng Áng và lân cận.
Người dân Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc, TT-Huế) đổ xô đi vớt cá biển dạt vào bờ nhưng không khỏi hoang mang, lo lắng trước hiện tượng lạ này. Ảnh: Tiến Vinh.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, cá chết bất thường từ ngày 6/4 đến 14/4, các hộ nuôi trồng thủy sản ở các xã kỳ Lợi, Kỳ Ninh, Kỳ Hà, Kỳ Phương (TX Kỳ Anh) và cá tự nhiên quanh cảng Vũng Áng bị chết hàng loạt. Không chỉ dừng lại ở cá, tiếp theo cá chết là tôm nuôi và ngao nuôi cũng lâm vào cảnh tương tự. Thiệt hại ước tính bước đầu lên gần 5 tỷ đồng.
Độc tố cực mạnh?
Chiều qua (20/4), Sở NN&PTNT Hà Tĩnh có cuộc làm việc với đoàn công tác Vụ Nuôi trồng thủy sản do Phó Vụ trưởng Phạm Khánh Ly dẫn đầu.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, ông Lê Đức Nhân cho biết, sau khi nhận được thông tin, Sở chỉ đạo các lực lượng chức năng lấy mẫu quan trắc. Lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Tĩnh cho rằng, sự việc vượt quá khả năng của tỉnh Hà Tĩnh và ngành nông nghiệp. “Độc tố ảnh hưởng đến tôm, cá… liệu có ảnh hưởng gì đến con người hay không? Câu chuyện khó này vượt ra khỏi ngành nông nghiệp. Cần phải có sự vào cuộc của các cơ quan liên ngành của trung ương”, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh khẩn cầu.
Tại buổi làm việc, ông Phạm Khánh Ly đề nghị Sở NN&PTNT Hà Tĩnh phải lấy thêm mẫu đất để quan trắc xem có độc tố tồn tại hay không để cảnh báo cho người dân. “Các cơ quan ban ngành của Hà Tĩnh đã vào cuộc quyết liệt. Tuy nhiên việc xác định độc tố trong nước biển phải là Viện Hàn lâm khoa học hoặc các cơ quan chống độc mới tìm ra được”, ông Phạm Khánh Ly nói.
Yếu tố gây độc bắt nguồn từ nguồn nước thải?
Ngày 11/4, Trung tâm quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc (Viện Nghiên cứu NTTS I) thông báo kết quả quan trắc đột xuất hiện tượng cá chết bất thường tại một số xã ở TX Kỳ Anh. Theo đó, yếu tố gây độc có thể bắt nguồn từ nguồn nước thải. Theo kết quả phân tích, yếu tố môi trường vùng nuôi cá lồng và các tác nhân gây bệnh cho thấy, các yếu tố môi trường thông thường và khí độc do phân hủy hữu cơ; tác nhân vi sinh vật gây bệnh không phải là nguyên nhân gây ra hiện tượng cá nuôi lồng chết hàng loạt ở thị xã Kỳ Anh.
Giả thiết được đặt ra, yếu tố gây độc bắt nguồn từ nguồn nước thải chưa được xử lý đổ trực tiếp ra sông, biển, hòa lẫn vào nước biển. Đến khi thủy triều lên đưa theo chất độc vào đất liền gây độc cho cá. “Do tính chất thủy triều lên xuống trong ngày nên cùng với thời gian, yếu tố gây độc sẽ không còn đủ độc tính gây chết cho cá nữa. Do vậy, yếu tố độc gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt vẫn chưa được xác định cụ thể”, thông báo nêu rõ.
Từ kết luận trên, Trung tâm quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra, rà soát lại hệ thống xử lý nguồn nước thải của tất cả các Cty, nhà máy chế biến, khu công nghiệp trong vùng. Đồng thời, thực hiện việc quan trắc thường xuyên chất lượng nước ở các khu vực chịu sự ảnh hưởng của nước thải nội đồng hoặc chất thải công nghiệp, các nguồn nước phục vụ cho hoạt động NTTS để bảo đảm thả giống nuôi an toàn.
Trung tâm khuyến cáo các vùng nuôi tôm, cá nội đồng đã lấy nước bổ sung vào ao nuôi, hồ chứa... từ nguồn nước lấy ở vùng biển gần các khu vực xảy ra hiện tượng cá chết nêu trên cần thận trọng trong việc thả con giống hoặc lấy nước bổ sung vào ao nuôi thủy sản vì nguồn nước này có thể là nguyên nhân tiếp tục gây ra hiện tượng tôm, cá chết hàng loạt.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Công Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Hà Tĩnh cho biết, cá chết đa phần lúc thủy triều lên. “Phải là một chất cực độc và hàm lượng rất lớn mới hòa lẫn vào nước biển làm cá tự nhiên chết hàng loạt”, ông Hoàng nói. Những ngày qua, Chi cục Nuôi trồng thủy sản Hà Tĩnh khuyến cáo người dân không được đưa cá chết đi bán cho người khác, không được cho nước vào các ao nuôi trồng. |