Bé gái 4 tuổi teo thực quản do uống nhầm hóa chất

Ngày 08/10/2015 15:49 PM (GMT+7)

Do uống nhầm nước tro tàu (một loại nước dùng để làm bánh), một bé gái 4 tuổi đã phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng bỏng thực quản.

Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 1, bệnh nhi phải nhập viện trong tình trạng bỏng thực quản cấp độ 2 là cháu Phạm Thị Mai Lan (sinh năm 2011, quê ở Đồng Tháp). Được biết, cháu Mai Lan đã phải nhập viện nhiều lần do thực quản co rút. Hiện qua 4 tháng điều trị, bệnh nhi đã sụt giảm 6kg.

Theo hồ sơ bệnh án của bệnh nhi, cách đây 4 tháng, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã tiếp nhận bệnh nhi Mai Lan trong tình trạng nôn ói, nghẹn khi nuốt, không ăn uống được. Các bác sĩ khoa Tai Mũi Họng của BV Nhi Đồng 1 đã tiến hành soi cấp cứu và phát hiện cháu bỏng thực quản độ 2. Sau đó khoa đã tiến hành điều trị theo phác đồ băng dạ dày, chống nhiễm khuẩn, chống dính.

Bé gái 4 tuổi teo thực quản do uống nhầm hóa chất - 1

BS Bệnh viện Nhi đồng 1 đang thông tin về tình trạng sức khỏe cháu bé tại cuộc họp báo.

Nói về tai nạn xảy ra với con mình, bà Trương Thị Lan (mẹ bệnh nhi) cho biết, khi đến một đám giỗ ở quê, do khát nước nên bé Lan đã uống nhầm chai nước tro tàu (tên gọi hóa học là natri hydroxit (NaOH) hay kali hydroxit (KOH), được xem là một sản phẩm hóa chất công nghiệp). Khi phát hiện, người nhà đã đưa cháu đi cấp cứu tại bệnh viện huyện và điều trị khoảng 1 tuần. Sau khi xuất viện về nhà, bé có biểu hiện nôn ói, khó ăn uống, vì vậy gia đình quyết định đã chuyển cháu lên BV Nhi Đồng 1 để xử lý.

Nói về ca bệnh này, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, BV Nhi Đồng 1 - BS Đặng Hoàng Sơn cho biết, qua 3 tuần điều trị, bệnh nhi này đã được rút ống stent thông thực quản liên tục trước đó. Tuy nhiên, chưa đến kỳ hẹn tái khám, người nhà lại phải cho cháu nhập viện do thực quản có dấu hiệu hẹp dần. Tính đến thời điểm hiện tại, cháu Mai Lan đã 3 lần đặt ống stent và lần nhập viện mới đây vào ngày 5/10/2015.

Theo BS Sơn, hàng năm Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận khoảng 15 ca cấp cứu tương tự như trường hợp trên, do uống nhầm phải các loại hóa chất như a xít, kiềm, dầu hỏa... Hầu hết các trường hợp mất khá nhiều thời gian để điều trị, thậm chí hơn 1 năm trời.

Chí phí điều trị cũng khá cao, khoảng 30 đến 40 triệu đồng tùy theo trường hợp. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên để các loại hóa chất ngoài tầm tay của trẻ nhỏ. Nếu lỡ xảy ra việc uống nhầm, người nhà nên đưa các cháu đến ngay bệnh viện để cấp cứu bởi càng để lâu càng khó điều trị, gây tổn hại rất lớn đến sức khỏe cũng như sinh hoạt ăn uống của các bé…

Cách sơ cứu khi trẻ uống nhầm hóa chất

Với các hóa chất bay hơi, dung dịch tẩy rửa gây ăn mòn mạnh như: Axit, bazơ hoặc xăng dầu… khi trẻ uống nhầm người lớn không được gây nôn cho trẻ.

Cha mẹ thường nghĩ rằng cần phải cho trẻ nôn ra hết sẽ hết độc nhưng đây là quan niệm sai lầm. Nếu gây nôn, khi hóa chất được đưa ra ngoài cũng là lúc hơi hóa chất có cơ hội tràn vào khí quản lần nữa làm tăng mức độ ngộ độc, gây bỏng thực quản. Trẻ dễ bị viêm phổi là do hơi của các hóa chất này xâm nhập đường hô hấp.

Trước khi tới viện, có thể cho trẻ uống vài ngụm nước lọc nếu hóa chất gây bỏng rát trong cổ họng. Cho trẻ uống từ từ nhằm tránh sặc nước khiến tình hình nghiêm trọng hơn.

Với các loại hóa chất như thuốc diệt cỏ, phụ huynh cần nhanh chóng gây nôn cho trẻ càng sớm càng tốt. Trong vòng 1 giờ đầu uống nước và gây nôn bằng cách móc họng cho bệnh nhân. Nếu có thể, nên cho uống siro ipeca 10-15ml ở trẻ em, 30ml ở người lớn để gây nôn. Khi nôn, để bệnh nhân đầu thấp tránh sặc vào phổi. Hoặc đặt người bệnh nằm nghiêng tránh chất nôn, dịch tiết hay nước chảy vào khí quản gây tắc thở.

Sau khi bệnh nhân nôn, có thể cho bệnh nhân uống một trong các thuốc sau làm giảm hấp phụ chất độc vào cơ thể: Than hoạt tính 1g/kg/lần pha nước cho bệnh nhân uống; hoặc uống đất sét hấp phụ rất tốt paraquat. Sau đó khẩn trương đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Đình Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Những ca bệnh đặc biệt