Tai nạn hy hữu vì một mảnh kính từ đầu tủ rơi xuống, đã khiến cháu bé 7 tuổi có nguy cơ bị liệt một cánh tay vĩnh viễn.
Hiểm họa từ các vật dụng trong gia đình
Các bác sĩ tại bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM cho biết, ngày càng nhiều những trường hợp bệnh nhi nhập viện vì những tai nạn “chẳng đâu vào đâu”. Trong đó, có nhiều bệnh nhi đối mặt với nguy cơ liệt tay, liệt chân vì những vật dụng thông thường trong gia đình.
Mới đây, bệnh viện tiếp nhận cháu L.P.L. 7 tuổi, quê Bình Thuận trong tình trạng tay trái không thể cử động được. Người thân cho biết, cháu đã cố với tay lấy chiếc lược trên đầu tủ để chải đầu. Nhưng không hiểu vì sao, một mảnh kính vỡ trên cao bất ngờ rơi xuống trúng cánh tay trái và cắt đứt toàn bộ mạch máu trên cánh tay.
Bác sĩ Trương Anh Mậu, khoa ngoại, bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy, cánh tay của cháu bé bị đứt toàn bộ gân cơ, tĩnh mạch, động mạch cần phải thực hiện nối vi phẫu thần kinh và mạch máu. Ca mổ cực kỳ phức tạp, kéo dài hơn 6 giờ, may mắn đã thành công.
Để thực hiện nối vi phẫu, các bác sĩ sẽ phải đeo kinh hiển vi.
Nối vi phẫu (nối dưới kính hiển vi) là một kỹ thuật khó. Những dây thần kinh, mạch máu rất nhỏ nên rất khó thấy được bằng mắt thường. Khi nối dây thần kinh, mạch máu cho những trường hợp bị đứt lìa hoặc gần đứt lìa chi trên, các bác sĩ sẽ phải đeo kính hiển vi để có độ phóng đại lớn. Các bác sĩ sẽ cố định xương, nối tĩnh mạch, động mạch bằng cách khâu lại để phục hồi các mạch máu, tiếp đến là nối các dây thần kinh vận động, thần kinh cảm giác, các gân cơ...
Tuy nhiên, theo các bác sĩ, cũng chưa thể nói trước được cánh tay của bệnh nhi có thể hồi phục vận động hay không. Vì còn tùy thuộc vào vật lý trị liệu, tái khám và các điều kiện về sức khỏe khác. Rất nhiều trường hợp đã nối mạch máu thành công nhưng sau đó vẫn bị liệt hoàn toàn.
Hiện sức khỏe của cháu P.L. đã dần ổn định, hệ thống dẫn lưu máu đã tới nuôi được phần cánh tay bị mảnh kính cắt đứt.
Thời gian vàng cứu sống phần chi đứt lìa
Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng đang tiếp nhận điều trị một trường hợp bệnh nhi bị đứt mạch máu cánh tay do bị mảnh tôn cắt trúng. Người thân gia đình cho biết, trong một phút bất cẩn, không quan sát cháu bé, đã để cháu tới chơi gần các miếng tôn thiết còn thừa. Cháu sơ ý té vào khiến cạnh sắc miếng tôn cắt đứt mạch máu.
Theo bác sĩ Trương Anh Mậu, những tai nạn cắt đứt tay chân ở trẻ thường tăng nhanh vào mùa hè. Mùa trẻ không đi học, và nhu cầu vui chơi, chạy nhảy tăng cao. Hầu hết các tai nạn ở trẻ đều bắt nguồn từ tính hiếu động và sự kiểm soát lơ là của người lớn.
Từ các tai nạn thương tâm ở trẻ em, ông Lê Huỳnh – Trưởng bộ môn Giáo dục kỹ năng sống, Trung tâm đào tạo huấn luyện viên võ thuật Việt Nam cho biết: “Đối với trẻ em, nguy hiểm nhất là để trẻ tự chơi mà không có sự giám sát phù hợp của người lớn. Cha mẹ cần phải nghĩ ra và loại trừ tất cả những trường hợp nguy hiểm ở trong nhà. Như trẻ dễ bị ngạt khi chui vô tủ đựng quần áo, tủ lạnh,… tự hại mình bằng các vật sắc nhọn…”.
Cũng theo các bác sĩ tại bệnh viện Nhi Đồng 2, thì thời gian vàng có thể cứu được phần chi bị đứt hoặc gần đứt lìa là khoản 6 tiếng. Với người lớn, thời gian vàng có thể ít hơn, vì người lớn mất máu nhiều hơn, dễ dẫn đến tử vong. Thế nên, sau khi tai nạn xảy ra, người lớn nên ngay lập tức đưa trẻ đến sơ cứu ở các trung tâm y tế gần nhất để được can thiệp điều trị kịp thời.