Có thể do bố mẹ quá bận rộn, trẻ không có sân chơi lành mạnh nên phải sử dụng những vật dụng trong nhà làm đồ chơi, từ đó dẫn đến những tai nạn đáng tiếc.
Ngày 25/5, Công an Quận 7, TP HCM đã có kết luận chính thức về vụ việc một bé trai 7 tuổi tử vong tại chung cư Bellaza, phường Phú Mỹ. Theo đó, nguyên nhân dẫn đến cái chết là do ngạt khí trong máy giặt.
Trước đó, vào khoảng 17h ngày 15/5, người nhà đã phát hiện ra cháu N.M.H đang bất động trong máy giặt lồng ngang có cửa hông. Ngay lập tức, người thân mở cửa máy giặt kéo cháu H. ra nhưng cháu đã tử vong trước đó.
Liên quan đến vụ tai nạn thương tâm này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS Võ Tường Kha, Phó giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam. Theo TS Võ Tường Kha, đây là trường hợp tai nạn khá hy hữu, tuy nhiên lỗi một phần cũng là do sự bất cẩn của chính các bậc phụ huynh khi sử dụng máy giặt không an toàn trong gia đình. Một điều đáng trách khác là bố mẹ chưa tạo được sân chơi lành mạnh cho trẻ nhỏ.
TS Võ Tường Kha, Phó giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam.
“Hiện nay, những khu vui chơi giải trí cho trẻ nhỏ có khá nhiều, nhất là các thành phố lớn, vì thế bố mẹ dù bận đến mấy cũng nên thu xếp thời gian đưa con đến các điểm vui chơi lành mạnh này và phải liên tục để mắt đến trẻ. Ngoài ra, khi ở nhà cũng nên chơi các trò chơi bổ ích cùng con như đọc sách, tìm kho báu, nhập vai …”, BS Kha nhấn mạnh.
Quay trở lại với trường hợp tai nạn do ngạt khí máy giặt trên, BS Kha cho biết, trong trường hợp trẻ bị ngạt khí do kẹt trong máy giặt, bố mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ ra chỗ thoáng khí, nới rộng quần áo, cần thực hiện hô hấp nhân tạo bằng miệng - miệng, hoặc miệng- mũi.
Nếu trẻ dần hồi phục tuần hoàn và hô hấp, hãy đặt ở tư thế hồi phục và cứ sau 10 phút nên kiểm tra mạch, tần số hô hấp. Trường hợp trẻ bất tỉnh, hãy đặt nằm nghiêng ở tư thế an toàn, vừa hà hơi thổi ngạt trên đường chuyển tới cơ sở y tế gần nhất để cứu chữa kịp thời.
Cũng liên quan đến vấn đề giáo dục trẻ nhỏ để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra, PGS.TS Lê Văn Hảo – Viện Tâm lý (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) chia sẻ: “Giáo dục, dạy dỗ trẻ là trách nhiệm của các bậc phụ huynh. Tuy nhiên giáo dục như thế nào để trẻ vừa nghe lời, vừa hiểu được là điều không phải vị phụ huynh nào cũng biết”.
PGS.TS Lê Văn Hảo – Viện Tâm lý (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).
“Tôi lấy ví dụ nhiều trẻ khi thấy quạt điện quay thường tò mò cho tay vào trong lồng cánh quạt. Điều này là vô cùng nguy hiểm và phụ huynh phải có trách nhiệm hướng dẫn trẻ để tránh tai nạn.
Tuy nhiên, hướng dẫn bằng cách nào, không phải ta đánh trẻ, mắng trẻ là trẻ sẽ hiểu. Với trường hợp đó, bố mẹ có thể lấy một cành cây mềm hoặc những chiếc lá đưa vào trong cánh quạt, khi trẻ nhìn thấy chiếc lá bị đứt lìa, thì bố mẹ dùng lời lẽ để khuyên nhủ con rằng: nếu cho tay vào thì sẽ bị đứt như chiếc lá đó. Như vậy, trẻ sẽ hiểu vấn đề rất nhanh”, PGS Hảo lấy ví dụ.
Cuối cùng để không xảy ra những trường hợp tai nạn đáng tiếc như trường hợp trên, TS.BS Võ Tường Kha khuyến cáo, các bậc phụ huynh nên đặt máy giặt ở những vị trí an toàn, khóa máy giặt cẩn thận sau khi sử dụng, có thể làm hàng rào chắn phía ngoài để tránh trường hợp trẻ tò mò nghịch ngợm.
Nên hướng dẫn, giáo dục cho trẻ cách chơi đồ chơi an toàn và tránh xa những đồ vật nguy hiểm có nguồn điện như điều hòa, ti vi tủ lạnh, máy giặt lò vi sóng…