Bệnh viện dã chiến ở hầm Đạ Dâng: Chuyện bây giờ mới kể

Ngày 23/12/2014 10:13 AM (GMT+7)

BV Chợ Rẫy có 2 đoàn bác sĩ được cử đến cứu hộ các nạn nhân trong vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng. Những ngày bám hầm trực chiến đã để lại không ít kỷ niệm khó quên trong cuộc đời của những bác sĩ.

Ứng phó kịp thời

PGS.TS Trần Minh Trường, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, trưa ngày 17/12, nhận được chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế, đoàn bác sĩ đầu tiên của bệnh viện gồm PGS.TS Trần Minh Trường và 2 bác sĩ khoa hồi sức cấp cứu đã lên thẳng hiện trường để tham gia công tác cứu hộ cho 12 công nhân mắc kẹt trong vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng.

Bệnh viện dã chiến ở hầm Đạ Dâng: Chuyện bây giờ mới kể - 1

Trong bệnh viện dã chiến tại Thủy điện Đạ Dâng

PGS.TS Trần Minh Trường kể lại: “Tối muộn hôm đó chúng tôi lên đến nơi. Tôi đã đi thực địa vào tận cửa hầm ngách, sờ từng đường ống chuyển thức ăn để từ đó có được phương án cấp cứu tối ưu nhất”. 

Bệnh viện dã chiến ở hầm Đạ Dâng: Chuyện bây giờ mới kể - 2

Cảnh cấp cứu nạn nhân trong vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng

Phương án cấp cứu được đề ra ngay tại lán dã chiến đã được sự thống nhất của các lực lượng cứu hộ và lãnh đạo Bộ Y tế theo phương châm “3 tại chỗ”: Đón nạn nhân và phân loại tại chỗ; cấp cứu tại chỗ và lập bệnh viện dã chiến tại chỗ. 

Ngay tại cửa ngách hầm luôn có 2 bác sĩ túc trực để đón bệnh nhân và phân loại sức khỏe từng người để có phương án cấp cứu hợp lý. Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã chuẩn bị 12 bảng ghi số và 12 bộ hộ sơ bệnh án sẵn sàng cho các nạn nhân khi được đưa ra. 

Tại các lán trại y tế dã chiến, các phương tiện chữa trị, thuốc men đều đã chuẩn bị sẵn sàng, như chăn, túi giữ nhiệt, máy thở, máy sốc điện, bình ô xi… Mỗi công nhân sẽ luôn có tối thiểu một bác sĩ và y tế bên cạnh để theo dõi kịp thời những phản ứng của nạn nhân khi ra khỏi khu vực bị sập.

Theo bác sĩ Trường, quan điểm chung là cứu chữa tại chỗ để các nạn nhân trở lại ổn định, lúc đó mới tính phương án chuyển tới các cơ sở y tế cao hơn. Thậm chí, nếu cần thiết sẽ chuyển thêm phương tiện, máy móc, thuốc men, bác sĩ tới tận hiện trường để cấp cứu.

Bệnh viện dã chiến ở hầm Đạ Dâng: Chuyện bây giờ mới kể - 3

Nạn nhân vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng được chuyển đi cấp cứu. Ảnh: Trường Sơn

BS Trần Minh Trường cho biết, đội ngũ y tế đã tính cả đến những phương án xấu hơn có thể xảy ra như hầm tiếp tục sập vùi lấp đội ngũ cứu hộ dẫn đến thương vong và cấp cứu hàng loạt.

Các phương án, phác đồ điều trị của Bệnh viện Chợ Rẫy đưa ra đã nhận được sự thống nhất cao của Bộ Y tế và lực lượng y tế tại chỗ cùng các đơn vị cứu hộ. 

Theo kế hoạch của lực lượng cứu hộ, dự kiến việc đào hầm tới nơi các nạn nhân mắc kẹt phải rạng sáng ngày 20/12 mới xong. Tuy nhiên, việc giải cứu các nạn nhân đã diễn ra sớm hơn so với kế hoạch, các nạn nhân khi thấy lực lượng cứu hộ đào thông hầm đều ùa ra để ra ngoài, nên việc bố trí cáng đưa các nạn nhân ra không kịp.

Cuối cùng, có nạn nhân thì được cáng, có người được cõng, có người được các chiến sĩ công binh khiêng ra khỏi hầm. Những công nhân đưa ra liền được đặt lên những chiếc giường gần nhất, để bác sĩ dùng các biện pháp sưởi ấm cho các nạn nhân.

BS Trường cho biết, tuy kế hoạch có thay đổi chút ít, nhưng việc cấp cứu vẫn diễn ra thuận lợi. Sau khoảng 30 phút được giữ ấm để tăng thân nhiệt, các công nhân dần hồi tỉnh và được đưa ra xe cứu thương chuyển về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng cứu chữa. 

Riêng với trường hợp chị Đặng Thị Hồng Ngọc (công nhân nữ duy nhất bị mắc kẹt), phải mất hơn 2 tiếng đồng hồ hồi sức và sưởi ấm, truyền nước, thở ô xi… chị Ngọc mới dần hổi tỉnh. Chị là nạn nhân cuối cùng được các bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy hộ tống theo xe cứu thương tới bệnh viện.

Suýt vỡ đường ống truyền thức ăn

Kể về những ngày bám trụ tại Đạ Dâng, BS Trường tâm sự: “Chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn của lực lượng y tế địa phương, cả lực lượng công binh cũng luôn sẵn sàng có mặt khi có yêu cầu. Khi anh em công nhân chưa được đưa ra ngoài, việc đầu tiên chúng tôi phải làm là cung cấp thức ăn, vitamin, khoáng chất và tìm cách giữ ấm cho các nạn nhân. Có lên đến nơi mới thấy thương anh em lắm, vừa lạnh vừa đói vừa ướt”

Bệnh viện dã chiến ở hầm Đạ Dâng: Chuyện bây giờ mới kể - 4

BS Trần Minh Trường (phải) và BS Trương Dương Tiển kể lại những kỷ niệm tại Đạ Dâng

Ngay khi lên đến Đạ Dâng, được sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Y tế, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã cung cấp dung dịch dinh dưỡng năng lượng cao thay cháo, sữa… cho các công nhân mắc kẹt để đảm bảo năng lượng, giúp công nhân giữ được thân nhiệt. Đây là loại dung dịch dành cho các bệnh nhân hồi sức tích cực, chứa hàm lượng dinh dưỡng với các chất đường, đạm, muối, chất béo… rất cao.

BS Trương Dương Tiển, Phó khoa hồi sức cấp cứu cho biết, 2h sáng ngày 18/12, 50 thùng dinh dưỡng năng lượng cao được chuyển đến Đạ Dâng nhưng khi tiến hành bơm dung dịch đã gặp sự cố. Do đường ống quá nhỏ lại kéo dài (khoảng hơn 30m), dung dịch dinh dưỡng có nhiều chất béo đã tạo thành áp suất lớn khiến đường ống phình to có nguy cơ vỡ ống.

Các bác sĩ đã khẩn trương tìm cách pha loãng dung dịch để việc bơm bằng áp suất diễn ra dễ dàng hơn. Mỗi ngày, các công nhân được bơm tối thiểu 1000ml, cứ cách 3 tiếng dung dịch này lại được bơm vào cho các công nhân một lần. 

BS Trường và BS Tiển không thể quên sự nhiệt tình quên mình của các y bác sĩ thuộc 8 trung tâm y tế Lâm Đồng, sẵn sàng chia sẻ nơi ăn chốn ở cho các bác sĩ bám trụ. BS Tiển cười vui: “Gần 30 bác sĩ chúng tôi đã có những bữa cơm chỉ có 1 con gà kho cùng nồi canh rau cải và cơm trắng, nhưng không ai nản lòng vì chúng tôi biết, sau lưng chúng tôi luôn có các lực lượng hỗ trợ, cố gắng tối đã vì sự an toàn của các công nhân”.

Theo An Nhiên (Pháp luật TPHCM)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot