Ngôi mộ tập thể ấy có tên gọi là Mả Nguỵ, nằm trong vùng đất khá rộng – nơi tập trận và diễu binh của nhà Nguyễn ở Gia Định thành ngày xưa. Nó gắn liền với rất nhiều chuyện ly kỳ và rùng rợn được người đời đồn từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Vòng xoay Dân Chủ – điểm kết nối giữa các trục đường chính Võ Thị Sáu, Cách mạng Tháng Tám và Ba Tháng Hai (quận 3, TP.HCM) vốn được biết đến là khu vực sầm uất với hàng nghìn lượt xe cộ/ngày, nhà cao tầng san sát… Song ít ai biết rằng nơi đây từng là nghĩa địa lớn nhất Sài Gòn với cái tên “đồng mồ mả”. Hơn cả nơi này cũng là vị trí được cho là có ngôi mộ tập thể chôn gần 2.000 người già, trẻ, trai gái bị xử tử vì tội phản nghịch trong cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi (1833-1835) dưới thời vua Minh Mạng.
Ngôi mộ tập thể ấy có tên gọi là Mả Nguỵ, nằm trong vùng đất khá rộng – nơi tập trận và diễu binh của nhà Nguyễn ở Gia Định thành ngày xưa. Nó gắn liền với rất nhiều chuyện ly kỳ và rùng rợn được người đời đồn từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Sử sách chép rằng, năm 1832, Lê Văn Duyệt – Tổng trấn thành Gia Định vừa mất thì Bạch Xuân Nguyên – quan Bố chính có tiếng tham ác xưng phụng mật chỉ truy xét và soi mói đời tư của ông rồi ra lệnh bắt giam con nuôi ông – Lê Văn Khôi.
Một phần nhỏ của Đồng Mồ Mả được người Pháp chụp lại.
Không lâu sau Lê Văn Khôi vượt ngục, tập hợp lực lượng để trải thù. Ông đã cùng thuộc hạ xông vào dinh quan Bố, thẳng tay giết cả nhà Bạch Xuân Nguyên. Sau đó ông chiếm luôn thành Phiên An, tự xưng là Đại Nguyên Soái và phong quan tước cho thuộc hạ như một triều đình riêng.
Chưa dừng ở đó, Lê Văn Khôi còn đem quân đánh chiếm các tỉnh lân cận và chỉ trong vòng một tháng đã chiếm được 6 tỉnh Nam kỳ thời bấy giờ. Lúc này triều đình Huế cho hàng chục nghìn quân thủy bộ vào bao vây chặt thành Phiên An. Nhưng thành được xây dựng bằng đá ong, cao rộng và sâu nên quân triều đình đánh lần nào cũng thua, chết nhiều người.
Tháng Chạp năm 1833, Lê Văn Khôi chết vì bệnh phù thũng. Con trai là Lê Văn Câu mới 8 tuổi lên thay cha và 2 năm sau quân quân triều đình mới hạ được thành, vào bắt giết tất cả 1.831 người, đem chôn vào một chỗ - được gọi là Mả Nguỵ.
Kết cục trên đã khiến dân thành Gia Định kinh hãi suốt một thời gian dài. Nơi ấy thường được người ta nhắc lại như một vùng đất oan hồn, không ai dám đặt chân tới. Thậm chí dân Sài Gòn lúc đó khi cúng cô hồn thường làm bánh xanh, đỏ dành cho Lê Văn Câu và trẻ con bị chết oan.
Ngã sáu Công trường Dân Chủ.
Tại Mả Nguỵ, mỗi khi chạng vạng tối lại xuất hiện ánh sáng mờ đục như phủ một lớp sương. Người xưa đồn đó là vong hồn của gần 2.000 người bị chôn tập thể, bắt đầu trồi lên để sống phần của người cõi âm.
Về vị trí của Mả Nguỵ, đã có rất nhiều ý kiến tranh cãi khác nhau. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu xác định khoảng gần Mô Súng, tức Ngã sáu Dân Chủ ngày nay. Nhưng có người lại cho rằng nó năm ở trường đua ngựa cũ thuộc làng Chí Hoà, tại góc đường Thuận Kiều, nay là Cách Mạng Tháng Tám hoặc nằm phía tay phải đường Điện Biên Phủ. Song nhìn chung mả Nguỵ cũng chỉ quẩn quanh khu vực Vòng xoay Dân Chủ.
Nhiều người cao tuổi tại Sài Gòn cho biết, trên đường Cao Thắng (quận 10), dân địa phương tự phát đề cao một ngôi đình làng nhằm mục đích hương khói, thờ cúng những người chết đã dám đứng vào hàng ngũ của Lê Văn Khôi. Họ cúng tế khá long trọng, trống chiêng vang rền.
Trải qua hàng trăm năm, vẫn chưa có bằng chứng nào xác định chắc chắn vị trí chính xác của mả Nguỵ và nó vẫn là một giai thoại trường tồn với lịch sử của vùng đất Sài Gòn. Giờ đây người dân lớn tuổi tại xứ này khi nhắc đến nó vẫn tỏ ra xót xa với bao điều bí ẩn không thể giải đáp được.