Bi kịch ghen tuông của người tuổi 'xế chiều'

Ngày 29/03/2015 00:09 AM (GMT+7)

Từ trước đến nay, tôi vẫn bảo lưu quan điểm, khi tình cảm không còn hay quá bí bức thì nên chia tay, giải thoát cho nhau. Tôi không đồng tình việc nhân danh tình yêu để sát hại người tình, người vợ hay người chồng của mình mỗi khi có trắc trở trong chuyện tình cảm.

Bi kịch đông con

Tôi có vài người bạn thường hay ghen. Bất kể vợ đi đâu, làm gì, họ cũng nghi ngờ. Dù biết, tính hay ghen là không tốt, dễ làm mất hạnh phúc gia đình nhưng họ vẫn không thể kìm được. Thế rồi, khi người vợ bất lực trước sự ghen tuông của chồng đã tính đến chuyện chia tay. Ắt hẳn, khi người phụ nữ nghĩ đến điều này là cả một sự đau đớn, dằn vặt lớn. Vì muốn giữ mái ấm của mình, những ông chồng phải thay đổi chính mình. Theo tôi, đó là điều cần thiết.

Thế nhưng, không phải tất cả mọi chuyện trong cuộc đời này đều kết thúc có hậu như thế. Trường hợp ghen tuông của Phạm Phú Tình (64 tuổi, xã Tân Phong, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) là một điển hình. Ở miền sông nước, thanh niên, thiếu nữ lấy chồng, cưới vợ sớm lắm. Thế nhưng, Tình bước qua tuổi 30 vẫn chưa thành gia lập thất. Hàng xóm thấy vậy, bàn ra tán vào. Lẽ đương nhiên, người quê chưa bao giờ có ác ý. Chỉ là thấy chuyện lạ nên thích bàn. Chỉ vậy thôi.

Bi kịch ghen tuông của người tuổi #039;xế chiều#039; - 1

Tình buồn hiu hắt trong phiên tòa

Tình buồn không? Buồn chứ. Tình ái ngại với ánh mắt, lời nói săm soi của mọi người. Lắm lúc, Tình e dè khi bước ra khỏi nhà. Tình duyên lạ lắm, có muốn trốn tránh cũng khó. Khi những lời dị nghị lên đến đỉnh điểm, mọi người bất ngờ khi Tình cho biết sắp kết hôn với bà Nguyễn Thị Sáu thua mình 7 tuổi, ở cùng ấp. Ngày đám cưới diễn ra, cả xã vui mừng, bởi, một thanh niên ế đã tìm được một nửa cùng mình.

Phải nói rằng, gia đình Tình ban đầu hạnh phúc, tiếng cười luôn ngập tràn. Cũng giống như những người khác tại địa phương, Tình làm vườn, trồng nhãn theo mùa vụ nên chỉ đủ ăn. Mà ở quê, chừng ấy đã là mãn nguyện. Có lẽ, cuộc sống gia đình ấy cũng ổn định nếu vợ chồng Tình biết kế hoạch hóa. Tiếc rằng, bà Sáu sinh nở liền tù tì. Cứ đứa con này vừa ra đời là bà lại có thai đứa tiếp theo. Bảy đứa con lần lượt ra đời.

Một gia đình giàu có, nuôi số con ấy cũng khó khăn chứ nói gì đến gia đình Tình. Những bữa cơm thiếu thức ăn. Những ngày nắng thiếu áo quần là điều bình thường. Cái nghèo, cái khổ cứ đeo đẳng. Con cái của Tình cũng lớn dần trong sự túng thiếu. Nhưng, con của Tình chưa một lần mở lời than trách số phận. Có lẽ, họ quá quen với cuộc sống thiếu thốn nên cũng quên mất cái sự hằn học với cuộc đời. Đây cũng chính là điều tôi thích nhất đối với những người ở miền sông nước. Tôi nghĩ, đó là một đức tính rất hay mà tôi học hỏi mãi vẫn không thể nào học được.

Dân gian vẫn thường nói, trong một gia đình, nếu sinh quá nhiều ắt hẳn phải có đứa này, đứa nọ. Vợ chồng Tình sinh nhiều và cũng gặp phải cảnh này. Sáu đứa con đầu phát triển bình thường. Tuy nhiên, cậu con trai út lại bị khù khờ, thiểu năng. Tuổi và thể trạng thì có lớn nhưng đầu óc cứ như một đứa trẻ. Trong khi các anh chị, bạn bè cố tung ra khỏi mái nhà thì cậu vẫn quẩn quanh dưới sự che chở của cha mẹ. Cậu cũng chính là sự trăn trở lớn của vợ chồng Tình. Hai người dồn hết tình cảm cho đứa con chịu nhiều thiệt thòi.

Riêng Tình, nhiều đêm không ngủ được cứ nghĩ đến gia đình của mình. Tình biết, mình đã cố gắng lao động để tạo dựng gia đình nhưng cái đói, cái nghèo vẫn cứ đeo bám. Cũng như nhiều người đàn ông khác, Tình tìm đến rượu như một cứu cánh. Mà hơi men thấm vào người nhiều khiến thần kinh yếu. Khi thần kinh yếu thì kẻ say thường nói nhiều. Để thỏa mãn tính nói nhiều, họ tìm đến việc chửi mắng vợ con, hàng xóm, bạn bè… Tình cũng không là ngoại lệ.

Nỗi buồn thế gian

Chừng 7, 8 năm trước, khi sáu đứa con đầu lần lượt cưới vợ, lấy chồng ra riêng, Tình bàn tính với vợ để mình lên tỉnh Bình Dương đi làm thuê kiếm sống. Điều hiển nhiên, bà Sáu đồng ý. Ông đi, chừng vài ba tháng về thăm nhà một lần. Riêng bà Sáu ở nhà, vẫn làm lụng suốt ngày để có tiền nuôi cậu con út bệnh tật. Lắm khi, về quê, trong những bữa nhậu, ông nghe bạn bè trêu: “Đi lâu thế không sợ vợ ngoại tình sao?”.

Ban đầu, Tình cũng không để ý nhiều đến những lời này. Bởi, ông hiểu, vợ mình là người phụ nữ hết mực vì chồng con. Tuy nhiên, những lời trêu đùa ấy cứ kéo dài, Ông cũng dần mất sự tin tưởng. Những ý nghĩ sai trái cứ quanh đi quẩn lại trong đầu người đàn ông. Thế rồi, khi trở về, trong những cơn say, ông lại chửi mắng vợ con. Ông truy hỏi về việc vợ có ngoại tình hay không. Người vợ phân trần, khẳng định mình vẫn chung tình nhưng chồng không tin. Cứ thế, điều đau lòng này cứ lặp đi lặp lại hoài và chính là nguồn cơn của bi kịch.

Bi kịch ghen tuông của người tuổi #039;xế chiều#039; - 2

Tình nhận mức án chung thân

Cách đây chừng một năm, Tình bảo không muốn đi làm thuê xa nhà nữa. Bà Sáu cũng đồng ý, bởi cho rằng, vợ chồng già rồi, gần nhau vẫn tốt hơn. Lắm khi, bà kể với hàng xóm, đã đến tuổi mãn kinh, không thể đáp ứng được sự đòi hỏi của chồng. Bà cũng từng nói điều này, mong muốn người chung chăn gối thông cảm nhưng ông vẫn không chịu hiểu.

Trong khi đó, Tình lại đang độ tuổi hồi xuân… Thấy vợ xa lánh nên ông càng suy diễn là vợ có người đàn ông khác nên không muốn "chung đụng" với mình. Từ đây, những cơn ghen càng có điều kiện bộc phát. Cứ hễ uống rượu say, ông lại chửi mắng vợ con. Thậm chí, có khi, ông còn kéo cả dòng họ, gia đình vợ để chửi.

Bà Sáu buồn và đau lắm. Khi sự chịu đựng đạt đến cực điểm, bà suy nghĩ đến chuyện ly hôn. Mà, ở quê, một cặp vợ chồng chia tay là cả một vấn đề lớn. Trong khi đó, vợ chồng bà đã chung sống hơn 30 năm, có với nhau 7 mặt con. Các con cũng đã có gia đình riêng. Bà suy đi, tính lại nhiều. Không biết, bao nhiêu đêm, bà ôm gối khóc khi nghĩ đến quãng đời còn lại phía trước.

Thế rồi, ngày 4/6/2014, bà mang đơn xin ly dị đến nộp tại TAND huyện Cai Lậy. Chiều đó, bà dẫn cậu con ruột để xin tá túc. Một phần, bà muốn tránh những lời chua chát từ chồng, một phần bà muốn lấy lại chút bình tâm và chờ ngày giỗ của mẹ vào ngày mồng 9/6.

Khoảng 18 giờ cùng ngày, Tình đi nhậu về, thấy cửa khóa ngoài, điện lại không được bật. Ông biết, vợ bỏ về nhà cha ruột nên nảy sinh ý định sát hại người cùng chung chăn gối. Ông vào bếp, lấy một cao dao rồi đến nhà cha vợ. Ông không vào nhà mà đứng ở vách thăm dò tình hình. Ông nghe vợ tâm tình cùng cha và bảo, lần này quyết tâm ly hôn để giải thoát cho mình. Lúc này, ông xông vào dùng dao chém quyết liệt vào đầu, mặt, vai và ngực vợ.

Con trai chứng kiến cảnh này, dùng ghế ném vào người cha. Tình đau đớn mới cầm dao bỏ chạy đến nhà anh ruột gần đó. Ông kể lại sự việc cho anh trai nghe rồi ra công an xã đầu thú. Riêng nạn nhân, được người thân đưa đến bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh Tiền Giang cấp cứu. Tuy nhiên, do vết thương quá nặng nên 21 giờ cùng ngày, bà đã tử vong.

Ngày 27/3/2015, Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM mở phiên tòa phúc thẩm đối với Tình. Tuổi già, sức yếu, cộng với những tháng ngày ngồi trong ngục tối, trông ông càng già hơn. Nhìn đầu tóc muối tiêu, vết nhăn tuổi tác hằn sâu trên mặt cùng giọng nói run rẩy khiến những người dự khán không khỏi mủi lòng. Tòa phúc thẩm tuyên y án chung thân về tội Giết người. Dẫu biết, tội ác phải được trừng trị, nhưng, nhìn người đàn ông ở tuổi gần đất xa trời phải nhận mức án nặng nề ấy cũng khiến tôi đủ buồn.

Khôi Nguyên
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề An ninh hình sự