Bi kịch sĩ tử vào viện tâm thần vì thi đại học

Ngày 04/07/2014 03:59 AM (GMT+7)

Không ít thí sinh đã phải bước vào bệnh viện tâm thần vì áp lực do mình và gia đình đặt ra.

Từ trước đến nay, với nhiều bậc phụ huynh, việc nuôi con ăn học đồng nghĩa với việc mong muốn sẽ đậu vào một trường đại học để làm rạng rỡ công danh cho gia đình, đồng thời sẽ là “lá bài” tốt đẹp cho tương lai. Cũng vì điều này, áp lực mỗi kỳ thi đại học không chỉ đè nặng lên các thí sinh mà ngay cả người thân cũng cùng cảnh ngộ. Điều đáng nói, không ít học sinh phải nhập viện, thậm chí nhiều trường hợp không chịu đựng nỗi áp lực của kì thi đại học đã tìm đến cái chết để “giải thoát”.

Kỳ 2: Bi kịch sỹ tử vào viện tâm thần vì thi đại học

Bước vào đại học được xem là ngưỡng cửa quan trọng của nhiều học sinh cũng như phụ huynh. Do đó, đối với việc vào trường đại học là áp lực vô cùng lớn của nhiều thí sinh. Nhiều phụ huynh xem vào đại học là tốt cho tương lai của con em mình. Điều đáng nói, cũng vì điều này mà không ít học sinh phải nhập viện.

Các bác sĩ tại Bệnh viện Tâm thần TP.HCM cho biết, mỗi năm, cứ đến gần kỳ thi đại học, cao đẳng là số lượng bệnh nhân đến khám cũng như nhập viện tăng. Hiện nay, mỗi tuần, có khoảng 600 đến 700 ca đến khám.

Bi kịch sĩ tử vào viện tâm thần vì thi đại học - 1

Cứ đến các kì thi lớn càng có nhiều học sinh tìm đến đây

Trường hợp của em N. đến khám và cho hay không thể ăn, ngủ suốt cả tháng vì lo lắng cho kỳ thi sắp tới. Sức khỏe yếu, nhiều khi, đang ngồi ôn bài, em bỗng nhiên ngất xỉu. Cha mẹ N. chỉ lo lắng đến kết quả của kỳ thi nên không để ý đến sức khỏe của con. Chỉ đến khi, N. ngồi ngơ ngẩn, có dấu hiệu bất thường thì cha mẹ mới đưa đi khám.

Trong khi đó, trường hợp của em T. lại rất đặc biệt. T. suốt nhiều năm liền là học sinh giỏi và là cán sự nòng cốt của lớp. Tất cả bạn bè, thầy cô đều đặt niềm tin T. sẽ đậu vào một trường thuộc top đầu. Bên cạnh đó, gia đình của T. suốt ngày khuyên nhủ, động viên con bằng cách cố gắng ôn tập thật tốt để thi vào trường Đại học Ngoại thương. Do sức ép lớn, sự tin tưởng của quá nhiều người gây áp lực rất lớn đối với T..

Suốt nhiều tháng liền, T. đóng cửa “tu luyện” bài vở. Kì thi chỉ còn vài ngày nữa diễn ra, gia đình phát hiện T. thường ngồi nói lảm nhảm, mắt đờ đẫn nên đưa đi khám. Rất may, T. được đưa đến bệnh viện kịp thời, được sự tư vấn của bác sĩ nên bệnh viện cho về nhà sớm. Tuy nhiên, theo như lời bác sĩ thì T. khó mới có đạt kết quả như mong đợi.

L. là học sinh nữ của một trường chuyên nổi tiếng tại TP.HCM. Em có học lực giỏi trong nhiều năm liền và nằm ở top đầu của lớp. Từ lâu, em luôn chia sẻ với bạn bè là muốn được học ngành báo chí của trường Đại học KHXHNV (trường Đại học Quốc Gia). Tuy nhiên, nhiều thành viên trong gia đình em đang công tác trong ngành ngân hàng. Do đó, ngay từ đầu, cha mẹ định hướng em thi vào ngành ngân hàng. Vì không chọn được ngành thi mong muốn, em luôn tỏ ra chán nản và mệt mỏi.

Cách đây khoảng chừng một tuần, cha mẹ phát hiện L. không giao tiếp với ai, chân tay run rẩy, mồ hôi đổ liên tục… nên đưa đến bệnh viện khám. Bác sĩ nhận định L. bị khủng hoảng tinh thần và đang có dấu hiệu bị trầm cảm do lo âu, căng thẳng… Khai thác bệnh sử, L. kể về nỗi lo lắng của mình. Bác sĩ trò chuyện với phụ huynh của L. và khuyên không nên tạo áp lực nếu không bệnh tình của em ngày càng nặng hơn. Đến lúc này, cha mẹ L. tỏ ra tiếc nuối vì không thể ngờ vì mình mà con bị bệnh tình như thế. “Tôi chỉ mong con mình được bình thường”, cha mẹ L. chia sẻ với bác sĩ.

Trao đổi với chúng tôi, vợ chồng anh Nguyễn Hữu Thành (quận 1) cho biết, gia đình chỉ có một cậu con trai duy nhất nên đặt rất nhiều niềm tin và hy vọng. Ngay từ khi con trai còn nhỏ, vợ chồng anh đã lo lắng, hoạch định kế hoạch sẵn cho con. Đến khi con học lớp 12, hàng ngày, vợ chồng anh vẫn chia nhau chở con đi học và đón về nhà. Thỉnh thoảng, vợ chồng anh cũng đọc lén nhật ký của con để nắm bắt được tình hình.

Bi kịch sĩ tử vào viện tâm thần vì thi đại học - 2

Đừng dập tắt nụ cười con em mình vì áp lực vào đại học, cao đẳng

Cách đây chừng một tháng, vợ chồng anh phát hoảng khi con trai ghi trong nhật ký là đang tương tư một cô bạn cùng lớp. Anh Thành cho rằng, con trai còn quá nhỏ, tương lai vẫn còn dài, không nên vướng vào con đường tình cảm. Ngay đêm hôm đó, vợ chồng anh la mắng và buộc con trai phải đóng cửa học bài. Thấy con trai không chống cự gì, suốt ngày đêm ngồi ôn tập anh mới cảm thấy yên tâm.

Thế nhưng, ngay trước kỳ thi, anh Thành hốt hoảng khi thấy con trai ngơ ngẩn, hỏi gì cũng không lên tiếng. Lúc này, anh lên mạng, đọc thông tin và nhận thấy con trai có nhiều biểu hiện tự kỉ. Vợ chồng anh vội vàng chở cậu “quí tử” đến bệnh viện khám. Anh kể hết tất cả những áp lực mình gây ra cho con. Đến lúc này, anh mới cảm thấy hối hận vì đã áp bức con trai quá nhiều đến mức phải bị bệnh.

Nhiều bậc phụ huynh có con đang điều trị, đưa con đến khám tại bệnh viện tâm thần luôn tỏ ra tiếc nuối, bởi chính họ đã tạo áp lực cho “núm ruột” của mình. Trước đây, họ luôn mong muốn con sẽ đậu đại học, đạt điểm cao để làm rạng rỡ danh dự của mình. Bây giờ, khi nhìn thấy con đang trở bệnh, họ chỉ mong muốn một điều là được nhìn thấy con khỏe và bình yên trở lại. Mong ước ấy là chính đáng, nhưng, ước gì, họ nhận ra điều này khi mọi chuyện vẫn chưa quá muộn.

Mời các bạn đón đọc Kỳ 3: Bấn loạn vì lo tương lai, thí sinh tìm đến cái chết vào lúc 0h ngày mai (4/7/2014) trên Eva.vn

Nhật Huân
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot