Dù có nhiều kinh nghiệm chống dịch trước đây ở Việt Nam như SARS, H5N1, H1N1…, các quy trình bác sĩ Sang đều thuần thục nhưng virus corona nCoV là chủng mới, nên khi tiếp xúc bệnh nhân lần đầu, dĩ nhiên anh không phải là không lo lắng.
Sáng 4/2, bác sĩ chuyên khoa I (BSCKI) Nguyễn Thanh Sang - Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy có mặt tại bệnh viện từ sớm. Hôm qua là một ngày đặc biệt với BS Sang, ngày mà 1 trong 2 bệnh nhân đầu tiên được phát hiện nhiễm virus corona chủng mới (nCoV) tại Việt Nam được xuất viện. Người may mắn là Li Zhichao (28 tuổi, người con) quốc tịch Trung Quốc. BS Sang là người bên họ suốt những ngày khó khăn vừa qua.
Nhưng không chỉ họ - những bệnh nhân - mới khó khăn.
Hôm qua, sau buổi tổ chức lễ ra viện cho Li, bác sĩ Sang xúc động không kém bệnh nhân. Anh nói với chúng tôi khi giọng nghẹn ngào và mắt rưng rưng.
BSCKI Nguyễn Thanh Sang, khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ về quá trình điều trị cho hai bệnh nhân nhiễm virus corona.
Chia sẻ với PV Báo Gia đình & Xã hội về quá trình điều trị cho 2 bệnh nhân Trung Quốc, bác sĩ Sang cho biết, lúc đầu bố của Li Zichao – ông Li Ding – không hợp tác lắm trong khi Li Zichao chỉ nghĩ là đưa cha đi khám thôi chứ không nghĩ mình mắc bệnh nên họ có cảm giác hoài nghi và cảnh giác.
Khi biết kết quả xét nghiệm hai cha con bệnh nhân dương tính với virus corona, bằng sự quan tâm và tinh tế, bác sĩ Sang và điều dưỡng đã dùng liệu pháp tâm lý cho cả hai người bệnh để họ tin vào sự điều trị và cảm giác được an toàn dù ở khu cách ly.
"Khi phân công người vào khu vực cách ly và chăm sóc bệnh nhân nhiễm, lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy cũng như Khoa Bệnh nhiệt đới phải chọn thứ nhất là các bác sĩ có kinh nghiệm chuyên môn vững vàng, có kinh nghiệm đối phó với một số dịch trước đây; thứ hai là người có tâm lý vững vàng; thứ ba là người có khả năng tiếp xúc với người bệnh. Điều trị và chăm sóc cho hai cha con người Trung Quốc bị nhiễm virus corona có 30 người bao gồm bác sĩ, điều dưỡng, lực lượng kiểm soát nhiễm khuẩn, thu dọn chất thải xử lý đúng quy trình" – bác sĩ Nguyễn Thanh Sang chia sẻ.
Các bác sĩ Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy mặc trang phục bảo hộ trước khi vào phòng cách ly bệnh nhân nhiễm virus corona.
Với bác sĩ Sang, mặc dù có nhiều kinh nghiệm chống dịch trước đây xảy ra ở Việt Nam như SARS, H5N1, H1N1…, các quy trình anh đều nắm được thuần thục nhưng virus corona là chủng mới nên khi tiếp xúc với bệnh nhân lần đầu tiên thì anh không phải là không có chút lo lắng.
Sau cả quá trình tiếp xúc, trao đổi liên tục với bệnh nhân Li Zichao, bác sĩ Sang cảm thấy cha con Li Zichao thật sự cần sự giúp đỡ của đội ngũ y tế Việt Nam. Vậy nên anh đã cùng các bác sĩ, điều dưỡng bệnh viện đã cố gắng điều trị cho các bệnh nhân hết sức có thể về cả mặt thể chất lẫn tinh thần, tạo cho họ cảm giác yên tâm và tuân theo hướng dẫn của mình.
Suốt từ 29 Tết cho đến mùng 3, bác sĩ Sang đều có mặt ở bệnh viện trực tiếp điều trị cho hai cha con người Trung Quốc. Trong khi đó, vợ và con gái 3 tuổi rưỡi của anh ở nhà mong chồng và bố về đi chúc Tết. Trước khi về nhà, bác sĩ Sang tắm giặt, súc họng, sát khuẩn, sau đó sinh hoạt với gia đình bình thường nhưng tránh hôn hít con. Vị bác sĩ trẻ này tâm sự, anh không muốn cho gia đình biết mình lo lắng bởi vì người thân sẽ thấy bất an ngay.
Mỗi lần vào khu cách ly anh lại mặc lên người bộ đồ bảo hộ khó mặc và cồng kềnh, trùm kín mít từ đầu đến chân đồng thời phải uống từ 0,5-1 lít nước bởi chỉ cần vào trong đó 30 phút là cơ thể mất 1 lít nước rồi. Việc mất nước nhanh dẫn đến đầu óc bị choáng, không tỉnh táo kéo theo thao tác không chuẩn thật sự là một thách thức đối với bác sĩ Sang và đồng nghiệp. Đấy là chưa kể mỗi lần tháo bộ đồ bảo hộ như phi hành gia đó ra rất mất thời gian, phải vệ sinh tay chân, tắm giặt.
Không chỉ riêng bác sĩ Nguyễn Thanh Sang, 30 bác sĩ , điều dưỡng, nhân viên y tế tại khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) từ 28 Tết Nguyên đán đến nay đã thay phiên nhau trực tiếp điều trị, chăm sóc cho hai cha con Li Zichao nhiễm nCoV.
Không run sợ ngay cả tính mạng mình
Nói đến thành công của ca điều trị nhiễm virus corona đầu tiên ở Việt Nam này, không thể không kể đến những điều dưỡng viên – người trực tiếp chăm sóc cho bệnh nhân. Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang cho biết, tại nơi anh làm việc, bác sĩ và điều dưỡng luôn là một cặp đi với nhau bởi cả hai có thể quan sát, hỗ trợ cho nhau được khi mặc đồ, cởi đồ đồng thời hạn chế tối đa nguy cơ phơi nhiễm đối với dịch tiết cũng như là các nguy cơ về đâm kim, tạo các thủ tục khí dung cho bệnh nhân. Một trong số đó là điều dưỡng Nguyễn Minh Tâm – điều dưỡng viên hạng IV của khoa Bệnh Nhiệt đới với 15 năm kinh nghiệm trong nghề.
Với dáng người cao gầy, nụ cười hiền, khi được hỏi về những khó khăn khi điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus corona, điều dưỡng Tâm chia sẻ: "Thông qua các phương tiện truyền thông, mình thấy dịch bệnh này lan nhanh với số lượng lớn ở Trung Quốc nên ban đầu nhận nhiệm vụ mình cũng hơi lo lắng. Tuy nhiên, mình được huấn luyện thường xuyên trước đó, có kinh nghiệm từ dịch H5N1, H1N1, trang phục mặc tới mặc lui do đó an tâm hơn".
Điều dưỡng Nguyễn Minh Tâm – điều dưỡng viên hạng IV của khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy.
Trung bình một ngày, anh Tâm phải vào bệnh viện chăm sóc, vệ sinh cho bệnh nhân 3 lần, tổng thời gian lên đến 10 giờ. Ví dụ như buổi sáng nay, anh vào khu cách ly lúc 7h30 thì 10h30 anh mới được ra.
Với chuyên môn tốt, được huấn luyện kỹ cộng với chuẩn bị tâm lý vững nên anh Tâm không có cảm giác lo lắng quá. Khi được hỏi: "Giả sử trường hợp anh bị nhiễm virus corona, anh có lo sợ không", anh Tâm khẳng định: "Mình xác định, nếu không may bị mắc virus sẽ phải cách ly, tránh gây cho đồng đội. Hơn chục năm trong nghề, mình không còn run sợ ngay cả tính mạng mình".
Thực tế cho thấy, đằng sau một bệnh nhân nhiễm virus corona được điều trị khỏi là biết bao hy sinh, can đảm, đóng góp sức lực, thời gian của các bác sĩ, điều dưỡng hằng ngày nhằm ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm này. Thay vì sợ hãi và bỏ cuộc, họ lại ngày đêm sát cánh cùng bệnh nhân.
Và còn nhiều, nhiều hơn nữa những vấn đề mà họ phải đối diện nhưng ý thức trách nhiệm, tinh thần đồng đội, sự hy sinh, niềm tin và sự hỗ trợ từ gia đình, ngành y tế là động lực to lớn để họ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Cách đây 17 năm, khi đại dịch SARS tung hoành trên toàn cầu (năm 2003), tại Việt Nam đã có 6 bác sĩ hy sinh trong công tác điều trị và phòng chống dịch. Đặc biệt phải kể đến vị bác sĩ người Ý Carlo Urbani - chuyên gia dịch tễ và bệnh truyền nhiễm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Hà Nội.
Carlo Urbani là người trực tiếp tham gia điều trị cho bệnh nhân SARS đầu tiên xuất hiện ở VN và cũng là bác sĩ đầu tiên trên thế giới xác định hội chứng SARS. Ông qua đời bởi chính căn bệnh này trong mùa dịch năm ấy.