Vượt muôn ngàn khó khăn, lặn lội đường sá để tìm người thân, cuối cùng, điều an ủi duy nhất với người đàn ông tật nguyền ấy là sự dang tay chào đón của họ hàng. Còn riêng với mẹ, người dứt ruột sinh ra anh thì trốn tránh, không gặp mặt.
Đứa trẻ tật nguyền bị mẹ ruột bỏ rơi không một lời từ biệt
Ở tuổi 35, anh Liêm có 1 vợ, 2 con. Hiện tại, anh đang làm thời vụ cho một công ty may ở Sài Gòn. Bình thường, công việc chính của anh là đi bán vé số. Có thể so với nhiều người, cuộc sống và thu nhập như vậy không phải là lý tưởng, thế nhưng, để có được những điều ấy là một sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của anh Liêm. Bởi lẽ, anh là một người bị tật nguyền từ nhỏ. Đau lòng hơn, anh bị mẹ ruột bỏ rơi không một lời từ biệt. Bao nhiêu năm qua, một mình anh vật lộn, bươn chải, kiếm sống và vươn lên.
Câu chuyện về tuổi thơ của anh Liêm khiến nhiều người không cầm được nước mắt. Anh tâm sự, cho tới giờ, ký ức của anh về mẹ chỉ là người phụ nữ có tên là Hoa, dáng người hơi mập vì anh bị mẹ bỏ rơi khi còn quá nhỏ.
Anh Liêm không nhớ chính xác quê quán của mình ở đâu, chỉ biết mình từng sống ở một tỉnh miền tây. Năm lên 4 – 5 tuổi, anh được mẹ ruột đưa lên Sài Gòn. Đứa trẻ tội nghiệp khi ấy không muốn đi vì đã quen ở bên cạnh họ hàng, người thân, hơn nữa, họ hàng ai ai cũng muốn giữ lại. Thế nhưng mẹ đã quyết nên chẳng ai ngăn cản được. Anh cũng đành khăn gói theo mẹ lên thành phố.
Anh Liêm, người đàn ông với câu chuyện buồn bị mẹ bỏ rơi
Thời gian đầu, mẹ anh thuê một căn nhà trọ, tiếng là để 2 mẹ con ở nhưng kỳ thực bà đi tối ngày, chẳng mấy khi ở nhà. Thời gian sau đó, có lúc bà lại dẫn Liêm đi Vũng Tàu, hai mẹ con cứ rong ruổi, không chỗ ăn, chỗ ở ổn định, nay đây mai đó.
Và rồi, lần cuối cùng Liêm được gặp mẹ là khi bà dẫn anh đến nhà một người được gọi là má nuôi, tên Sáu. Mẹ anh hứa hàng năm sẽ gửi tiền nuôi con. Sau đó, bà rời đi, Liêm ở lại, chấp nhận cảnh sống với mẹ nuôi. Nhưng rồi những tháng ngày đó cũng chẳng kéo dài lâu, khi mà sau 1 năm, mẹ hoàn toàn không có động thái chu cấp tiền, mẹ nuôi cũng không thể cáng đáng được 1 đứa trẻ tật nguyền, vậy là mẹ Sáu gửi Liêm vào cô nhi viện. Cuộc đời anh lại rẽ lối.
Nỗ lực vươn lên, bao năm rong ruổi khắp nơi mong tìm gặp người thân
Sau khi vào cô nhi viện, anh được làm lại giấy tờ khai sinh với năm sinh là 1987. Phần tên cha, tên mẹ đều bỏ trống. Dù đôi chân không được lành lặn như người thường, lại chịu những tổn thương tinh thần nhưng anh vẫn lạc quan sống, vươn lên. Ngoài 30 tuổi, anh hiện đã có vợ và 2 con. Anh cũng đang sống ở quê vợ Thanh Hóa. Vì mưu sinh, anh có làm thời vụ cho một công ty may ở Sài Gòn.
Trong anh Liêm, nỗi niềm canh cánh không nguôi là tìm lại người thân, tìm gặp lại mẹ. Bởi vậy, khi lớn lên, dù đôi chân tật nguyền nhưng anh không ngần ngại đi nhiều tỉnh ở miền Tây với hi vọng tìm lại được quê hương, bản quán, thân nhân của mình. Đến mỗi tỉnh, anh ở vài tháng, rồi đi bán vé số. Công việc này giúp anh mưu sinh, đồng thời hỏi han manh mối về người thân của mình. Tuy nhiên, nhiều năm trời trôi qua vẫn không có kết quả.
Bao nhiêu năm qua, anh lê đôi chân tật nguyền đi khắp các tỉnh miền Tây với mong muốn tìm gặp được người thân của mình
Tâm sự về mong muốn tìm gặp lại người thân, anh Liêm nghẹn ngào: "Mình chỉ muốn tìm họ hàng ở dưới quê chứ không tìm mẹ. Vì nếu mẹ muốn tìm mình thì bà đã đi tìm rồi. Mình cũng nghĩ mẹ có lý do, hoặc có bất trắc nào đó, nhưng không hiểu sao nhiều năm may mẹ không tìm. Nếu muốn thì mẹ tìm mình rất dễ, bởi sau khi vào cô nhi viện một thời gian, mình có quay trở lại nhà má Sáu và để lại thông tin ở đó".
Thật may mắn, câu chuyện buồn của anh Liêm được một kênh Youtube có tiếng, với lượng người theo dõi đông đảo đưa tin. Tại quê nhà, họ hàng của anh đã nhận ra đứa em tội nghiệp lưu lạc mấy chục năm trời. Rất nhanh chóng, một người con bác ruột của anh Liêm là anh Tuấn đã thân chinh lên Sài Gòn để gặp em. Cuộc đoàn tụ mừng mừng tủi tủi.
Tới tận lúc này, anh Liêm mới biết, quê của mình ở ấp Bình Thành, xã Trung Hiếu, huyện Vĩnh Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Anh Tuấn là họ hàng bên ngoại, gọi mẹ của anh Liêm bằng dì. Tuy nhiên, thông tin về gia đình bên nội của anh Tuấn thì không ai hay biết.
Niềm an ủi người thân yêu thương, nỗi tủi hờn mẹ ruột phũ phàng né tránh
Gặp lại họ hàng thân thiết, anh Liêm vô cùng hạnh phúc khi được mọi người đón nhận, yêu thương. Khi anh Liêm theo anh họ tên Tuấn về quê, từ hàng xóm, láng giềng đến những người họ hàng xa đều kéo đến chúc mừng, gặp mặt, mừng anh tìm được nguồn cội sau bao năm xa cách. Anh mừng rỡ, hạnh phúc đến trào nước mắt bởi từ nay anh không còn cô độc, một giọt máu đào hơn ao nước lã… Trong cuộc sống khó khăn này, dẫu có gặp những biến cố, anh cũng có thể sẻ chia niềm vui, nỗi buồn với người thân của mình.
Họ hàng nhận ra đứa em tội nghiệp lưu lạc mấy chục năm trời, đích thân lên tận Sài Gòn tìm gặp anh Liêm
Tình cảm gia đình ấm áp, thậm chí, anh Tuấn còn cho anh Liêm một mảnh đất để tạo điều kiện cho anh về quê hương, bản quán sinh sống. Anh Liêm cũng đang lên kế hoạch đón vợ con về, cả nhà đoàn tụ, sinh sống trên mảnh đất quê hương này.
Tuy nhiên, trong niềm vui trùng phùng ấy, anh Tuấn vẫn có một nỗi buồn sâu sắc khi mà mẹ anh – người mẹ ruột thân yêu nhất, người đã sinh ra anh lại có thái độ trốn tránh, không muốn gặp lại con.
Khi anh Liêm về lại quê hương, người thân trong họ có điện thoại báo cho mẹ anh biết để về gặp. Thế nhưng 5 lần 7 lượt bà đều tìm lý do để không về. Sau đó, mẹ anh không còn nhận điện thoại từ họ hàng nữa. Theo lời kể của mọi người, hiện tại mẹ anh Liêm đã có gia đình mới, sống ở một huyện khác của tỉnh Vĩnh Long. Bà làm ăn buôn bán, kinh tế khá.
Anh Tuấn - Anh họ của anh Liêm còn tặng cho em mảnh đất để về quê sinh sống, lập nghiệp
Thái độ phũ phàng của mẹ khiến anh Liêm tủi hờn nhưng ẩn sâu trong trái tim của người con, anh không hề hận hay trách mẹ: “Mình rất buồn, vì sau khi bỏ mình thì mẹ về quê sống từ đó đến giờ. Cũng có lúc mình nghĩ hay là mẹ chết rồi nên không đi tìm mình? Nhưng nay biết mẹ còn sống mà không hề tìm thì mình rất thất vọng.
Mình muốn nhắn nhủ với mẹ rằng, con về gặp mẹ không phải để xin mẹ vật chất hay muốn về sống chung với gia đình của mẹ. Mà con chỉ muốn mẹ hỏi một câu xem con có khỏe không, cuộc sống như thế nào thôi.
Ước mong lớn nhất của anh Tuấn là tìm gặp được mẹ, để xem mẹ có mạnh khỏe hay không nhưng đáp lại, mẹ tìm cách né tránh không gặp
Mẹ bỏ con, con phải cố gắng phấn đấu mới được như bây giờ, trong lòng con lúc nào cũng yêu thương mẹ. Con mong một ngày nào đó, mẹ sẽ gọi cho con. Nếu mẹ liên lạc, con sẽ không bao giờ trách mẹ. Đó là điều tuyệt vời mà con đã mong chờ 30 năm rồi” – anh Liêm chia sẻ.