"Tôi không hề giận mẹ vì tôi cũng là mẹ, thấu hiểu phần nào nỗi niềm của người làm mẹ. Có lẽ bà chỉ muốn tôi được sống ở nơi tốt hơn, không phải chịu khổ cực lẫn sự hắt hủi khi là con gái", chị Hoan tâm sự.
Chị Hoan (SN 1972, TP.HCM) gây ấn tượng với người đối diện bởi gương mặt phúc hậu, cử chỉ nhẹ nhàng... song vẫn có nét gì đó buồn buồn. Hỏi ra mới hay, chị vẫn luôn khắc khoải về cội nguồn của chính mình.
“Tôi vẫn cứ ngỡ mình là con ruột của ba mẹ, là em gái của các anh chị. Bởi mọi người yêu thương tôi hết mực. Đến khi lên 8 lên 9, bạn bè trêu đùa nói tôi là con nuôi, được nhặt ở thùng rác về thì mới hay. Khi đó tôi chỉ suy nghĩ, chứ không dám hỏi chuyện ba mẹ vì sợ họ buồn. Thế là, tôi cứ cất giữ mãi nỗi trăn trở ở trong lòng suốt tuổi thơ”, chị Hoan tâm sự.
Năm 19 tuổi – thời điểm chị Hoan kết hôn, một người dì đã nói cho chị biết toàn bộ sự thật về thân thế của mình. Lúc này chị chẳng mảy may suy nghĩ vì đã biết chuyện từ lâu rồi. Chị cũng không muốn tìm lại “quá khứ” buồn đau để làm gì?
Chị Hoan gây ấn tượng với người đối diện bởi gương mặt phúc hậu, cử chỉ nhẹ nhàng... song vẫn có nét gì đó buồn buồn.
Đến khi có con, chị mới dần thấu hiểu và cảm thông cho bố mẹ ruột. Nhưng gánh nặng cơm áo gìm sát đất đã khiến chị quên đi cái gọi là gốc gác bản thân. “Cách đây 13 năm, khi con cái đã lớn, gia đình ổn định, tôi đã quyết đi tìm ba mẹ đẻ của mình. Tôi biết cô Sáu chính là người đỡ đẻ cho mẹ ruột của tôi ở Bệnh viện Từ Dũ. Cô ấy có chơi với cô Hải – bạn thân của mẹ nuôi. Cô Sáu đã nói hết thông tin với cô Hải và mẹ tôi.
Sau này, con trai của cô Hải có kể với tôi, ngày mẹ ruột vào viện sinh, bà tâm sự với cô Sáu rằng: “Tôi đã sinh mấy đứa con gái, hoàn cảnh lại khó khăn. Nếu đứa trẻ trong bụng là trai thì tôi cố gắng giữ lại nuôi”. Ngờ đâu mẹ lại sinh ra tôi là gái nên muốn đem cho gia đình nào có điều kiện nuôi dưỡng.
Tôi không hề giận mẹ vì tôi cũng là mẹ, thấu hiểu phần nào nỗi niềm của người làm mẹ. Có lẽ bà chỉ muốn tôi được sống ở nơi tốt hơn, không phải chịu khổ cực lẫn sự hắt hủi khi là con gái. Hơn 13 năm nay tôi đã bỏ bao công sức lẫn tiền bạc để đi tìm ba mẹ ruột nhưng chẳng có thông tin gì cả”, chị Hoan tâm sự.
Chị Hoan cho biết thêm: “Mẹ nuôi không biết rõ ba mẹ ruột của tôi là ai song nghe phong thanh hoặc ba hoặc mẹ là người Việt, người còn lại gốc Bắc Kinh (Trung Quốc) hay người miền Bắc. Mẹ nuôi bảo không rõ cụ thể ra sao, chỉ loáng thoáng hay tin như vậy”.
Chị Hoan xưa và nay đều có nét gì đó trăn trở về cội nguồn của mình.
Nhắc đến bố mẹ nuôi, chị Hoan bỗng dưng niềm nở hơn. Chị kể có thời gian bố mẹ nuôi gặp khó khăn đã gửi chị qua gia đình khác nhờ nuôi giùm. Sau này kinh tế ổn đinh, họ đã đón chị trở lại. “Ba mẹ nuôi tốt lắm, đã không bỏ rơi tôi lúc khó khăn. Họ cưu mạng, yêu thương và nuôi dưỡng tôi lớn khôn như con ruột. Hồi muốn đi tìm ba mẹ đẻ, tôi không dám nói với ba mẹ nuôi. Tôi sợ họ buôn nghĩ rằng nuôi nấng tôi bao năm, giờ đã trưởng thành lại muốn về với ruột thịt.
Sau này mẹ nuôi gặp tai nạn phải nằm một chỗ, tôi đã tận tụy chăm sóc bà suốt 20 năm ròng. Tôi muốn báo hiếu và phụng dưỡng bà giống như một đứa con do chính bà mang nặng đẻ đau. Hiện bà đã qua đời”, chị Hoàn rưng rưng.
Suốt 13 năm đằng đẵng kiếm tìm bố mẹ ruột... không thành công, người phụ nữ Sài thành đành phải xuất hiện trên kênh YouTube G. nhờ kết nối nhân thân. Chị chỉ mong muốn ai biết hoặc quen với ba mẹ ruột của chị hãy báo để chị tìm được cội nguồn. “Tôi hi vọng ba mẹ ruột còn sống hoặc ai biết được thông tin gì của họ thì liên hệ với tôi. Tôi sẽ nhớ hơn mọi người suốt đời và xin hậu tạ”, chị Hoàn khẩn cầu.