Cô bé Genie đã dành gần như toàn bộ thời thơ ấu của mình trong phòng ngủ, bị cô lập và lạm dụng trong hơn một thập kỷ. Và đến nay, đây vẫn là trường hợp đứa trẻ hoang dã gây sốc nhất thế giới.
Câu chuyện của Genie được biết đến vào ngày 4/11/1970 tại thành phố Los Angeles, bang California, Mỹ. Mẹ cô bé tìm nhân viên y tế đến nhà khám bệnh và người này phát hiện ra một bé gái bị giam trong một căn phòng nhỏ. Nhà chức trách vào cuộc điều tra và biết được đứa trẻ đã bị biệt giam trong căn phòng này, bị trói vào ghế bô suốt 13 năm.
Để bảo vệ danh tính và quyền riêng tư, cô bé được đặt cho cái tên mới là Genie (thiên thần). Trong bộ phim tài liệu có tên "Bí mật của đứa trẻ hoang dã", bà Susan Curtiss đã giải thích rằng cô bé được đặt tên là "thiên thần" bởi khi nghe đến nó, chúng ta sẽ luôn nghĩ đến những điều kỳ diệu, tốt đẹp trong trí tưởng tượng của trẻ thơ.
Cả bố và mẹ Genie đều bị buộc tội lạm dụng nhưng người bố đã tự sát một ngày trước khi ra hầu tòa. Ông ta để lại thư tuyệt mệnh nói rằng "thế giới sẽ không bao giờ hiểu được việc làm của mình".
Cuộc sống của Genie trước khi được phát hiện vô cùng kinh hoàng. Cô bé bị trói cả ngày trên chiếc bô, không một manh áo, chỉ có thể cử động được chân tay. Khi Genie gây ồn ào, cô bé sẽ bị bố đánh đập. Cả gia đình gồm bố, mẹ, anh trai rất ít khi tới lui nói chuyện với cô bé. Những lần hiếm hoi Genie được bố tương tác thì chỉ có những tiếng đay nghiến, quát tháo.
Câu chuyện của Genie sau đó lan truyền, thu hút sự chú ý của dư luận và giới khoa học. Nhà tâm lý học Harlan Lee nói rằng vụ việc rất nghiêm trọng bởi "đạo đức của chúng ta không cho phép tiến hành những thí nghiệm tước đoạt sự sống của con người".
Khi trường hợp của Genie nhận được rất nhiều sự quan tâm thì câu hỏi được đặt ra là nên làm gì với cô bé. Một nhóm các nhà tâm lý học và chuyên gia ngôn ngữ học đã bắt đầu quá trình phục hồi chức năng cho Genie.
Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia (NIMH) đã hỗ trợ kinh phí để nghiên cứu về trường hợp của Genie. Nhóm phục hồi chức năng cho Genie gồm nghiên cứu sinh Susan Curtiss, nhà tâm lý học James Kent.
Khi mới tới Viện Đại học California, cô bé chỉ nặng 26kg và di chuyển như thỏ rất kỳ lạ. Genie thường xuyên khạc nhổ và không thể duỗi thẳng chân, tay. Im lặng, không tự chủ và không thể nhai, ban đầu, cô bé dường như chỉ có thể nhận ra tên của mình và từ "xin lỗi".
Sau khi đánh giá các khả năng nhận thức và cảm xúc của Genie, James Kent mô tả cô bé là "đứa trẻ bị tổn thương sâu sắc nhất tôi từng gặp... Cuộc sống của Genie là một vùng đất hoang". Sự im lặng và không có khả năng ngôn ngữ khiến việc đánh giá khả năng trí tuệ của Genie gặp khó khăn. Nhưng trong các bài kiểm tra, cô bé đạt điểm gần bằng đứa trẻ 1 tuổi.
Genie bắt đầu tiến bộ nhanh chóng trong những lĩnh vực cụ thể, học cách sử dụng toilet và tự mặc quần áo rất nhanh. Trong vài tháng tiếp theo, cô bé bắt đầu phát triển nhanh hơn nhưng vẫn kém trong lĩnh vực ngôn ngữ. Cô bé thích ra ngoài chơi, khám phá môi trường mới với cường độ mà những người chăm sóc cũng như người lạ phải kinh ngạc.
Susan Curtiss cho rằng Genie có khả năng giao tiếp phi ngôn ngữ rất mạnh. Cô bé thường xuyên nhận được quà từ người lạ. Họ dường như hiểu nhu cầu khám phá thế giới xung quanh của cô gái nhỏ.
Mặc dù đánh giá ban đầu chỉ đạt điểm của đứa trẻ 1 tuổi nhưng Genie nhanh chóng học thêm được nhiều từ mới. Cô bé học những từ đơn lẻ rồi ghép lại với nhau như trẻ nhỏ. Susan cảm thấy Genie hoàn toàn có khả năng tiếp thu ngôn ngữ.
Sau một năm điều trị, Genie thậm chí còn bắt đầu ghép 3 từ lại với nhau. Ở trẻ em đang trải qua quá trình phát triển ngôn ngữ bình thường, sau giai đoạn này sẽ là sự bùng nổ ngôn ngữ. Thế nhưng không may là điều này không bao giờ xảy đến với Genie. Khả năng ngôn ngữ của cô bé vẫn bị bế tắc ở đây. Genie dường như không thể áp dụng được các quy tắc ngữ pháp, không thể nói những câu có ý nghĩa. Tại thời điểm này, sự tiến bộ của cô bé chững lại, việc tiếp thu ngôn ngữ mới tạm dừng.
Sau khi dịch sởi bùng phát, Genie được đưa đến cho một người giáo viên khác trong "nhóm Genie" chăm sóc, đó là nhà tâm lý học David Rigler. Dù có một số khó khăn nhưng cô bé đã ở lại đây trong 4 năm. Genie thích nghe nhạc cổ điển chơi bằng piano, thích vẽ và thường giao tiếp qua những bức tranh dễ dàng hơn các phương pháp khác.
Vào năm 1974, NIMH rút tiền tài trợ do chương trình nghiên cứu Genie không rút ra được các phát hiện khoa học. Năm 1975, Genie về sống với mẹ ruột. Khi việc nuôi con quá khó khăn, cô bé bị đẩy tới hàng loạt trung tâm nuôi dưỡng. Tại đó, cô bé thường xuyên bị ngược đãi và bỏ rơi.
Tình hình Genie tiếp tục xấu đi. Sau một khoảng thời gian dài sống tại các trung tâm nuôi dưỡng, cô bé được đưa trở lại Bệnh viện Nhi đồng. Thật không may, những ngày đầu trở lại đây Genie phải tiếp nhận cách điều trị tệ hại. Genie sợ hãi và không dám mở miệng, trở lại im lặng như xưa.
Mẹ ruột Genie sau đó đã kiện Bệnh viện Nhi đồng Los Angeles và nhóm nghiên cứu, cáo buộc họ thử nghiệm quá mức. Vụ kiện cuối cùng được giải quyết nhưng nó đặt ra những câu hỏi quan trọng về việc điều trị và chăm sóc Genie. Liệu nghiên cứu có can thiệp vào việc điều trị trị liệu của cô bé hay không?
Genie hiện nay đang sống trong một nhà nuôi dưỡng dành cho người lớn ở miền nam California. Người ta biết rất ít về tình trạng hiện nay của cô. Đã từng có một cá nhân thuê thám tử tư để theo dõi Genie vào năm 2000 và nói rằng cô đang sống hạnh phúc. Tuy nhiên, điều này trái ngược với nhiều báo cáo khác.
Bác sĩ tâm lý Jay Shurley đã đến thăm Genie vào sinh nhật lần thứ 27 và 29 của cô bé. Theo lời của bác sĩ này thì Genie phần lớn im lặng, trầm cảm và mất tính tự lực mãn tính.