Mặc dù Bộ GD&ĐT có quy định giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa nhưng trên thực tế phụ huynh cho biết, con đang phải đi học thêm rất nhiều.
Học thêm tràn lan
Đa số các trường tiểu học hiện nay đã thực hiện dạy học 2 buổi/ ngày nhưng sau giờ học chính khóa, ở nhiều nơi học sinh vẫn phải đi học thêm ở trung tâm với chính giáo viên chủ nhiệm.
Chị N.T.T, có con học lớp 3 một trường ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, mỗi tuần 2 buổi, sau khi kết thúc giờ học buổi chiều, phụ huynh lại đưa con đến một ngôi nhà giáo viên thuê để dạy thêm. Tại đây, học sinh được học thêm kiến thức Tiếng Việt và Toán mỗi buổi kéo dài 1,5 giờ với mức thu 150.000 đồng/buổi. “Gia đình cho con học thêm Tiếng Anh ở trung tâm 2 buổi/ tuần nữa như vậy mỗi tuần con phải đi học thêm 4 buổi. Trên lớp đã học cả ngày lại liên tục phải đi học thêm khiến cả gia đình quay cuồng đưa đón, tốn kém, mệt mỏi”, chị T. nói.
Học sinh hối hả đến một trung tâm học thêm sau một ngày học tập ở trường.
Cũng theo chị T., vì lịch học các môn văn hóa kín mít nên lắm hôm ăn vội miếng cơm tối, con lại phải ngồi vào bàn làm bài tập và soạn bài cho các môn học trên lớp ngày hôm sau, không có thời gian học các môn năng khiếu như vẽ, múa… dù gia đình rất muốn đầu tư cho con. "Nhìn con gầy gò vác trên vai một ba lô đầy sách vở, học ngày học đêm mà thương lắm”, chị T. nói.
Anh T.Q có 2 con đang theo học một trường tiểu học ở quận Hai Bà Trưng cũng chia sẻ câu chuyện tương tự. “Hai con học một trường nhưng 4 giờ 30 chiều con tan lớp, phụ huynh đón xong cho con ăn lót dạ rồi chở đến trung tâm học thêm. Nói là trung tâm nhưng đó là cơ sở do chính cô giáo thuê để dạy học sinh của chính mình”, anh T.Q nói.
Tương tự, không ít phụ huynh có con đang ở bậc tiểu học cho biết, dù không bị ép nhưng giáo viên tổ chức lớp dạy thêm nên lại phải cho con đi vì sợ khi kiểm tra đánh giá các nội dung không có phần dạy học trên lớp.
Đưa ra nhiều quy định "cấm"
Mới đây, trả lời kiến nghị của cử tri về việc sửa đổi thay thế thông tư 17/2012/TT-BGDĐT về quy định dạy thêm học thêm, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, về dạy thêm, học thêm trong các cấp học, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 17/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012.
Sau khi luật Sửa đổi luật Đầu tư đưa hoạt động dạy thêm, học thêm ra khỏi danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, một số điều quy định về điều kiện và cấp phép tổ chức dạy thêm, học thêm (Điều 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14) tại Thông tư số 17 không còn hiệu lực.
Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT khẳng định các quy định khác của Thông tư số 17 vẫn có hiệu lực thi hành như quy định về nguyên tắc dạy thêm, học thêm, các trường hợp không được dạy thêm, học thêm, trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm của địa phương, cơ sở giáo dục.
Hoạt động dạy thêm, học thêm phải bảo đảm các nguyên tắc cơ bản sau: không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa; học sinh trong cùng một lớp dạy thêm, học thêm phải có học lực tương đương nhau, khi xếp học sinh vào các lớp dạy thêm, học thêm phải căn cứ vào học lực của học sinh. Không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá để đưa vào giờ dạy thêm.
Không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá; đối tượng học thêm là học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm.
Hoạt động dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của học sinh.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng khẳng định lại, về các trường hợp không được dạy thêm, học thêm, Thông tư số 17 đã quy định: không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
Giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa, khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.
Bộ GD&ĐT cũng nhắc lại quy định về trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm của địa phương, cơ sở giáo dục đã được quy định rõ trong Thông tư số 17. Cụ thể: UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn; ban hành văn bản quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn.
Đồng thời trách nhiệm của Sở GD&ĐT là cơ quan đầu mối, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan triển khai, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện quy định này và quy định của UBND cấp tỉnh; chịu trách nhiệm trước UBND cấp tỉnh về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn theo quy định.
Tổ chức hoặc phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan tổ chức phổ biến, thanh tra, kiểm tra về nội dung dạy thêm, học thêm; phòng ngừa và xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm; tổng hợp kết quả thực hiện quản lý dạy thêm, học thêm báo cáo UBND cấp tỉnh, Bộ GD&ĐT khi kết thúc năm học hoặc theo yêu cầu đột xuất.
Các hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường thực hiện theo Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm Thông tư số 32/2020.
Cũng theo bộ trưởng Sơn, thời gian tới Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ đề xuất Quốc hội đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Sau khi được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm (sửa Thông tư số 17) nhằm đảm bảo phù hợp cho việc quản lý dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường.