Làn sóng sa thải ngày càng tăng có thể đang quét qua Thung lũng Silicon, nhưng công việc hấp dẫn này vẫn có chỗ đứng vững chắc.
Thung lũng Silicon đang “rung chuyển” bởi làn sóng sa thải nhân sự nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính trong bối cảnh tình hình kinh tế có dấu hiệu suy thoái. Cả Meta, Google và Microsoft đều cho biết đã phát triển nhanh chóng trong đại dịch, nhưng đến nay buộc phải sa thải bớt nhân viên khi nhu cầu của thị trường ngày càng giảm. Những thông điệp với màu sắc tương đồng cũng đã được ghi nhận trong các thông báo của Amazon, Stripe, Spotify hay Salesforce với số lượng nhân viên sa thải lên với vài trăm ngàn.
Full-stack developer quản lý databases, servers, systems engineering và client work…
Dù làn sóng sa thải đang quét qua thung lũng Silicon, nhưng lại có một công việc vẫn được các công ty - tập đoàn công nghệ tuyển dụng đều đặn và được đánh giá là công việc hấp dẫn nhất trên thị trường hiện nay trong lĩnh vực công nghệ. Đó là Full-stack developer – lập trình viên full stack. Vậy Full-stack developer (viết tắt là FSD) là gì? Tương lai nào cho ngành nghề này ở thị trường lao động tiềm năng như Việt Nam?
Có thể hiểu rằng, FSD là người có thể làm các công việc liên quan tới databases, servers, systems engineering và client work. Họ có thể là một FSD về di động (mobile stack), web (web stack) hoặc phần mềm (native applications). Những người làm công việc này sẽ chịu trách nhiệm tổng hợp kiến thức và sự hiểu biết trực quan, sâu sắc về front-end (thiết kế UI, UX và flow) cho tới back-end (thiết kế database và viết các API cần thiết). Các nhà phát triển Full Stack phải có một số kỹ năng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như mã hóa, cơ sở dữ liệu, thiết kế đồ họa và quản lý UI/ UX để có thể hoàn thành tốt công việc của mình.
Vị trí này được đánh giá là có tiềm năng phát triển trong tương lai.
Nói chung, từ thiết kế giao diện đến Database đằng sau thì một chuyên viên FSD đều phải chịu trách nhiệm cho đến khi sản phẩm vận hành trơn tru. Tuy nhiên, tùy theo mỗi công ty mà sẽ có một công việc cụ thể riêng. Nhưng điểm chung là công việc này đều là vị trí không thể thiếu ở bất kỳ công ty công nghệ nào và mức lương được chi trả cho vị trí này đều “khủng”. Ngoài ra, tiềm năng phát triển của công việc này cũng thuộc hàng những công việc có cơ hội phát triển lớn nhất trong bảng xếp hạng hàng năm của Truth về "việc làm tốt nhất" ở Hoa Kỳ, nhờ triển vọng mạnh mẽ trong 10 năm tới và nhu cầu tuyển dụng chuyên gia lành nghề ngày càng tăng trong một số ngành.
Về mức lương của một nhân viên (nhà phát triển/chuyên viên/kỹ sư…) FSD, tại Mỹ, trung bình sẽ rơi vào khoảng 129,637 USD. Theo nghiên cứu của Truth, công việc này không chỉ được trả lương cao, mà còn mang lại rất nhiều sự linh hoạt tại nơi làm việc. Đa phần, các vị trí này tại các công ty công nghệ lớn nhỏ đều là làm việc từ xa hoặc kết hợp tại văn phòng 50% và làm việc ở nhà 50%. Một số nhân viên có thể cùng lúc nhận nhiều công việc freelancer - tức không làm cố định cho một công ty mà làm nhiều công ty cùng lúc.
Một FSD đa di năng có thể đảm nhiệm nhiều công việc.
Tại Việt Nam, mức lương của nhân viên FSD tùy thuộc vào trình độ chuyên môn và kinh nghiệm làm việc của các ứng viên, tuy nhiên đều nhỉnh hơn so với các vị trí nhân viên IT khác. Khảo sát trên các trang web tìm kiếm việc làm cho thấy, các công ty luôn có nhu cầu tuyển dụng một lập trình viên có trình độ chuyên môn cao với mức lương hấp dẫn từ 1300 USD tới 2500 USD/tháng.
Đặc biệt, trong những tháng gần đây, nhu tuyển dụng lập trình viên full-stack đã tăng vọt. Đó là bởi vì những năm gần đây, các công ty công nghệ phát triển vượt bậc ở thị trường Việt Nam và lập trình viên full stack sở hữu một bộ kỹ năng có thể mang lại lợi ích cho các công ty ngoài ngành công nghệ. Theo thời gian, từ chăm sóc sức khỏe, giáo dục, tài chính, thương mại điện tử và chính phủ, tất cả đều cần nhân viên FSD nói chung và các ứng dụng công nghệ nói riêng để xây dựng sự hiện diện trực tuyến của họ.
Mức lương của nhân viên FSD "khủng" kèm theo rất nhiều phúc lợi đi kèm.
Vậy học ngành gì để trở thành một nhân viên FSD? Lượng kiến thức để làm Full-Stack nhiều gấp đôi, gấp ba kiến thức để làm Front-end và Back-end vì phải chịu trách nhiệm, nắm hết mọi thứ từ đầu tới cuối. Do đó, ngoài các kiến thức IT cơ bản được đào tạo tại các trường đại học thì tự học là yếu tố tiên quyết để các nhân viên FSD nâng cao kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ của mình. Nếu không được đào tạo tại một chương trình đại học chuyên sâu về công nghệ thông tin, bạn có thể xây dựng kiến thức chuyên môn của mình thông qua các khóa học trực tuyến, chương trình đào tạo mã hóa hoặc chương trình chứng chỉ để có đủ kiến thức làm việc ở vị trí FSD.
Một lý do nữa khiến các nhà quản lý tuyển dụng ưu tiên chuyên môn kỹ thuật hơn nền tảng giáo dục, đó là bởi họ tìm kiếm người có các kỹ năng như viết mã, sử dụng ngôn ngữ lập trình như Python hoặc Javascript và thiết kế ứng dụng hoặc trang web, sau đó đào tạo một người theo lộ trình phát triển của công ty. Từ đó, một nhân viên FSD có thể “đa-zi-năng” linh hoạt và làm việc trên nhiều dự án khác nhau, đồng thời thường có thể tìm ra các giải pháp sáng tạo cho các vấn đề kỹ thuật.