Không hỏa táng, không chôn cất, làng Trunyan là nơi duy nhất trên thế giới này để người quá cố “phơi thây” giữa thiên nhiên. Thế nhưng sự độc đáo của nghi thức này chưa dừng ở đó.
Nghĩa trang độc nhất vô nhị
Dưới chân núi Abang, trên đảo Bali, Indonesia, có một ngôi làng độc đáo, ít bị thế giới bên ngoài "làm phiền", đó là làng Trunyan. Nơi đây được biết đến là ngôi làng không bao giờ thực hiện nghi lễ chôn cất hay hỏa táng giống như những khu vực khác trên khắp đất nước Indonesia.
Làng cổ Trunyan là nơi sinh sống của những người tự xưng là "Bali Aga", tức là hậu duệ của những người Bali đầu tiên. Họ hạn chế tiếp xúc bên ngoài để bảo vệ người dân và truyền thống khỏi bị ảnh hưởng bởi thế giới bên ngoài.
Làng Trunyan có tục lệ phơi thi thể người quá cố trong những chiếc lồng tre đến khi phân hủy hoàn toàn.
Cộng đồng người "Bali Aga" có một lối sống vô cùng khác biệt với những ngôi làng còn lại ở Bali. Làng Trunyan có hai "đẳng cấp" rõ rệt là Banjar Jero và Banjar Jaba. Đó là những đẳng cấp được phân chia từ thời Gelgel. Người Banjar Jerro thuộc dòng dõi hoàng tộc, còn người Banjar Jaba là người bị cai trị. Ngôi làng có đền thờ riêng của mình gọi là Puser Jagat, được xây dựng dưới cây đa khổng lồ nhưng điều không may là các du khách sẽ không được vào trong nếu đến đây.
Điều thú vị nhất đối với du khách khi tìm hiểu về làng Trunyan đó là họ đối xử với người quá cố theo một cách rất kỳ lạ. Thay vì hỏa táng hay chôn cất người chết, họ chỉ để thi thể xuống gốc cây đa lớn, vây quanh là những lồng tre để bảo vệ không cho động vật đến xâm hại. Đã từng có những bộ xương bị mất và nghi phạm được cho là những con khỉ lang thang trong rừng. Điều bí ẩn bắt đầu sau đó, mùi của xác chết không còn mà được bao phủ bởi hương thơm của cây Taru Menyan mọc bên cạnh. Taru có nghĩa là cây và Menyan có nghĩa là mùi thơm, mùi ngọt ngào. Tên của làng Trunyan cũng bắt nguồn từ đây.
Hộp sọ của người quá cố được đặt trên bàn thờ đá.
Sau khi chỉ còn lại xương, hộp sọ của người quá cố sẽ được đặt lên bàn thờ đá. Phụ nữ của làng Trunyan bị cấm vào nghĩa trang khi có một xác chết mới đặt ở đó. Họ tin rằng nếu phụ nữ đến đây thì sẽ mang lại thảm họa lớn cho làng, chẳng hạn như núi lửa phun trào hoặc lở đất. Bên cạnh đó, người làng tin rằng nếu hỏa táng người chết thì cũng gây ra họa lớn cho núi lửa.
Lễ trưởng thành Beturuk
Ở làng Trunyan có một truyền thống khác có một không hai, đó là lễ dành cho những thanh thiếu niên mặc lá chuối khô, đeo mặt nạ linh thiêng và nhảy múa. Điệu nhảy diễn ra mà không có âm nhạc. Đó là màn trình diễn của một nhóm những trai tráng chưa lập gia đình. Họ phải trải qua giai đoạn tẩy trần và cách ly. Trong thời gian đó, những người này sẽ ngủ ở đền, kiêng sinh hoạt tình dục và được thầy tế ở đền hướng dẫn chuẩn bị biểu diễn.
Nghi lễ Berutuk này đại diện cho truyền thuyết về sự di cư của người làng Trunyan từ các khu vực khác ở Bali Aga, phía đông Bali đến đây. Trong khi những thanh niên này chạy quanh đền thì các khán giả phải cố trộm lá chuối, thứ được xem là bùa hộ mệnh của họ. Các vũ công sẽ dùng một cây roi đẩy người lấy trộm ra và nói nó sẽ chữa lành bệnh cho bất cứ ai bị quất. Lễ Berutuk sẽ kéo dài 3 ngày liên tiếp.
Lễ Berutuk là nghi lễ trưởng thành cho thanh niên tại làng Trunyan.
Vua và Hoàng hậu Berutuk tham gia vào một điệu nhảy quyến rũ lấy cảm hứng từ chuyển động của một loài chim ở Trunyan. Sau nghi lễ này, những thanh niên mới chính thức sẵn sàng kết hôn.
Nghi thức kết thúc sau khi hoàng hậu bị vua bắt và các vũ công tắm ở hồ Batur. Đây là nghi lễ diễn ra không theo chu kỳ cụ thể mà phụ thuộc vào nhu cầu của làng. Mỗi khi có bệnh dịch hay mất mùa thì người ta sẽ không tổ chức. Ngoài ra, làng Trunyan còn rất nhiều truyền thuyết bí ẩn khác mà nhiều nhà nghiên cứu muốn khám phá.