Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới thì rối loạn trầm cảm cực đơn là nguyên nhân đứng hàng thứ ba của gánh nặng bệnh tật.
Tuyến huyện trắng dịch vụ chăm sóc
PGS. TS Lương Minh Khuê, Cục trưởng cục Khám chữa bệnh ( Bộ Y tế) cho biết: Rối loạn tâm thần kinh hiện khá phổ biến trên toàn cầu. Cứ 4 người thì có 1 người bị ảnh hưởng bởi rối loạn tâm thần hoặc thần kinh tại một vài thời điểm trong cuộc sống. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu của bệnh tật và tàn tật. Có 450 triệu người trên thế giới chịu ảnh hưởng của các rối loạn tâm thần và hành vi.
Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới thì rối loạn trầm cảm cực đơn là nguyên nhân đứng hàng thứ ba của gánh nặng bệnh tật. Ước tính đến năm 2030, trầm cảm là nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật toàn cầu.
Nhiều người mắc tâm thần không được điều trị
Ông Khuê cũng cho biết thêm: Tại Việt Nam 14,9% dân số mắc rối loạn tâm thần. Đáng ngại là tỷ lệ người mắc trầm cảm đang ngày một gia tăng. Nguyên nhân là do áp lực công việc, gia tăng sự cách biệt giàu – nghèo và bất bình đẳng; do lạm dụng rượu bia, chất kích thích.
“Điều này khiến cho cá nhân và gia đình không may có người mắc rối loạn tâm thần rơi vào cảnh nghèo đói. Mặt khác, người rối loạn tâm thần tỷ lệ tử vong cao, thống kê cho thấy người tâm thần phân liệt, trầm cảm có nguy cơ tử vong cao gấp 1,4- 1,6 lần” – ông Khuê nhấn mạnh.
Mặc dù được đánh giá là đáng báo động, tuy nhiên công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần vẫn chưa được chú trọng. Ths Trương Lê Vân Ngọc (chuyên viên Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế) cho biết thêm: Tính đến năm 2010, cả nước chỉ có khoảng 6.500 giường bệnh, tương đương với 7,6 giường bệnh/100.000 dân.
Trong số này, chỉ 4% số giường bệnh bệnh viện cho trẻ em và thanh thiếu niên. Thậm chí, tại tuyến huyện hầu hết không có dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Chưa có luật riêng
Là người có nhiều năm gắn bó với công tác nghiên cứu, chăm sóc sức khỏe tâm thần tại Việt Nam, GS Harry Minas (GĐ Trung tâm sức khỏe tâm thần toàn cầu, ĐH Melboune) thẳng thắn bày tỏ, Việt Nam đang đối diện với rất nhiều thách thức trong hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Đầu tiên phải kể đến là sự tham gia của người bệnh tâm thần, gia đình người bệnh và các tổ chức cộng đồng trong việc đưa ra quyết định ở tất cả các cấp là rất yếu. Tiếp đến là thiếu sự phối hợp có tính hệ thống giữa các Bộ (Y tế, LĐ TB & XH, GD&ĐT; Bộ KH & CN) trong lập kế hoạch tài chính và quản lý các chương trình sức khỏe tâm thần cộng đồng. Ngoài ra, chúng ta chưa có sự lồng ghép sức khỏe tâm thần vào các chương trình sức khỏe, sự hỗ trợ xã hội và các chương trình phát triển kinh tế xã hội.
Trong khi đó khung pháp lý về sức khỏe tâm thần và thực hành về sức khỏe tâm thần lại chưa tập trung, không có luật dành riêng cho sức khỏe tâm thần mà mới chỉ nằm rải rác trong các luật, nghị quyết, nghị định, quyết định, thông tư liên quan.
“Ở hầu hết các lĩnh vực như HIV, dịch bệnh, sức khỏe bà mẹ trẻ em đều có các Cục, Vụ chuyên trách nhưng riêng lĩnh vực sức khỏe tâm thần lại không có. Việc không có một Vụ sức khỏe Tâm thần tại Bộ Y tế khiến cho không có “ai” đứng ra chịu trách nhiệm về chính sách, kế hoạch, theo dõi và đánh giá các dịch vụ sức khỏe tâm thần trong các viện, bệnh viện và cộng đồng” – GS Harry Minas nói.
Được biết, trong hai thập kỷ tới, gánh nặng kinh tế toàn cầu gây nên bởi bệnh mạn tính ước 47 nghìn tỷ đô, trong đó 1/3 (khoảng 16 nghìn tỷ đô) là do các rối loạn tâm thần. Trong đó, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, hai nguyên nhân lớn nhất của gánh nặng kinh tế toàn cầu là bệnh tim mạch và trầm cảm. Việt Nam cũng không nằm ngoài guồng quay đó.
Vì thế, GS Harry Minas cho rằng, Việt Nam cần quan tâm chú ý đến sức khỏe tâm thần, nhằm giảm gánh nặng tàn tật và phát triển kinh tế - xã hội một cách hiệu quả. Với mục tiêu mà chúng ta đề ra đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và nâng cao sức khỏe cho tất cả mọi lứa tuổi, GS Harry Minas cho rằng điều này khá tham vọng. Để đạt được, đòi hỏi có sự hợp tác giữa các Bộ, ban ngành, các đối tác một cách chặt chẽ và bền vững.