Ngày 15/2, các nhà khoa học Brazil đã phát hiện virus Zika tồn tại trong não của những trẻ sơ sinh mắc tật đầu nhỏ (teo não).
Bà Lucia Noronha, một nhà nghiên cứu bệnh học tại Tổ chức bệnh học Brazil, cho biết: “Chúng tôi đã phát hiện sự tồn tại của virus zika trong mô não và điều này đã cung cấp thêm bằng chứng về mối liên quan giữa loại virus do muỗi truyền nhiễm này với dị tật đầu nhỏ, gây teo não ở hàng ngàn trẻ sơ sinh Brazil hiện nay”.
Trước đó, đội nghiên cứu của bà Noronha tại đại học PUC-Parana là những người đầu tiên phát hiện virus Zika có trong nước ối của nhiều phụ nữ mang thai, từ đó nâng cao tình trạng báo động về mối liên quan giữa loại virus nguy hiểm này với chứng dị tật đầu nhỏ mà nhiều trẻ sơ sinh mắc phải khi vừa mới sinh ra.
Brazil là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch Zika với khoảng 1,5 triệu người nhiễm bệnh
Bà Noronha cho biết thêm rằng: “Chúng tôi đã nhận được các mẫu mô não từ quỹ Oswaldo Cruz. Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ đã đưa ra kết luận rằng vi rút Zika tồn tại trong não bào thai”.
Hiện Brazil là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch Zika với khoảng 1,5 triệu người nhiễm bệnh. Trong số đó, phụ nữ mang thai có nguy cơ cao bị virus zika tấn công. Theo các nhà khoa học và bác sĩ thì hầu như các trường hợp bị nhiễm đều không thể hiện triệu chứng.
Bộ y tế Brazil cho biết từ giữa tháng 11/2015 đến tháng 2/2016, Brazil đã có 462 trường hợp trẻ sơ sinh bị dị tật đầu nhỏ, tăng 150 ca so với trước đó. Bên cạnh đó, tính đến thời điểm hiện tại, khoảng 3.852 trường hợp đang trong diện nguy hiểm và chờ kiểm tra.
Để chủ động phòng chống bệnh do virus Zika xâm nhập và lây lan tại nước ta, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau: - Người nhập cảnh về từ các quốc gia có lưu hành virus ZIKA chủ động tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày, nếu có biểu hiện sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà. - Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. - Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. - Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ chứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... - Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. - Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi để phòng, chống dịch. |