Bữa cơm đầu năm của người mẹ nuôi con khờ dại, nhặt cả đồ hết hạn vì con thèm ăn

Ngày 03/01/2020 12:00 PM (GMT+7)

Bữa cơm với vài cọng rau, bát tép vụn rang mặn nhưng đó lại là bữa ăn sang nhất đầu năm 2020 của bé Ngọc và người mẹ già cụt một cánh tay.

Video bữa tối đầu năm 2020 của hai mẹ con bà Luân.

Người mẹ già nhặt rác và đứa con thích nằm ngủ ở xó nhà

Những ngày đầu năm 2020, chúng tôi tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Luân (62 tuổi) - một người mẹ đơn thân ngày đêm đi nhặt rác để nuôi đứa con gái ẩm ương ở phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Dưới ánh đèn đường hiu hắt, không khó để nhận ra ngôi nhà của bà Luân khi phế thải được bà chất đầy dọc hai bên tường rào và dọc hai bên cổng để đi vào bên trong. Mặc chiếc áo khoác dạ đã chuyển màu cháo lòng, xen lẫn đó là màu đen của nhọ nồi, dầu mỡ, bà nói phải chờ một chút mới được vào nhà vì con gái bà mới ngủ và bà cũng đang dở tay thu nốt những chiến lợi phẩm vừa đi nhặt về.

Bữa cơm đầu năm của người mẹ nuôi con khờ dại, nhặt cả đồ hết hạn vì con thèm ăn - 1

Cổng vào nhà bà Luận chất đầy rác và phế liệu, đó là chiến lợi phẩm bà đi nhặt về.

Bữa cơm đầu năm của người mẹ nuôi con khờ dại, nhặt cả đồ hết hạn vì con thèm ăn - 2

Bữa cơm đầu năm của người mẹ nuôi con khờ dại, nhặt cả đồ hết hạn vì con thèm ăn - 3

Bà Luân cụt 1 tay nhưng ngày đêm vẫn đi nhặt rác để kiếm tiền nuôi con khờ dại.

Người phụ nữ 62 tuổi, đầu đã 2 thứ tóc, dù chỉ có 1 tay nhưng vẫn thoăn thoắt nhặt những chiếc chai lọ để cho vào tải. Kéo chiếc bao tải vào phía trong, bà nói mà như chửi để hả cơn giận trong lòng: “Đã nghèo thì chớ, có cái kiềng nấu cơm mà mẹ con tôi cũng bị người xấu lấy trộm”.

Chờ đợi gần 30 phút, bà Luân bước nhẹ vào nhà bật bóng đèn quả nhót ở hiên hè để tiếp khách. Bà bảo rằng dùng bóng đó cho tiết kiệm điện và chỉ có khách mới bật, chứ hai mẹ con thì dùng đèn pin mà hàng ngày vẫn đi nhặt rác là đủ sáng rồi.

Ánh sáng vàng vọt từ bóng đèn quả nhót vừa được bật lên, bỗng tiếng một đứa trẻ cất lên: “Mẹ! Chói mắt quá con không ngủ được”. Nhìn quanh chẳng thấy người, thấy khách tỏ vẻ ngạc nhiên, bà Luân vội giải thích: “Là con gái tôi đó”. Nói rồi người mẹ già chỉ xuống góc hiên hè nơi được che tạm tấm bạt và nói thêm: “Em nó nằm ờ dưới kìa”.

Bữa cơm đầu năm của người mẹ nuôi con khờ dại, nhặt cả đồ hết hạn vì con thèm ăn - 4

Mâm cơm dọn sẵn trên bàn, con gái bà Luân co ro ngồi dưới thềm hè ngủ ngon lành.

Ánh đèn điện thoại rọi sâu vào trong góc hè, một thiếu nữ đang nằm co ro, đắp trên mình một chiếc áo khoác mỏng và tay liên tục đánh những con muỗi đang làm phiền giấc ngủ của mình. Ngay trên bàn nơi cô bé nằm ngủ là mâm cơm đã được bà Luân chuẩn bị sẵn cho bữa tối nhưng chưa đến giờ ăn.

Bữa cơm năm mới và món hải sản có một không hai

Con gái bà Luân tên Phạm Thị Minh Ngọc, năm nay 15 tuổi đang học lớp 9. Dù đang học cuối cấp II, nhưng Ngọc chỉ biết mặt chữ, chẳng biết tính toán gì. Sở dĩ Ngọc được ngồi trên ghế nhà trường là do chính quyền, ngành giáo dục tạo điều kiện bởi đó cũng là một liệu pháp chữa bệnh cho cô bé này.

Từ khi sinh ra, Ngọc đã là đứa trẻ không bình thường vì bị động kinh, tăng động, giảm chú ý… Nếu không đến trường, không tiếp xúc với các bạn thì bệnh càng nặng thêm, thậm chí đã 2 lần Ngọc có ý định tự tử tại nhà nhưng may mắn được bà Luân phát hiện kịp thời.

Bữa cơm đầu năm của người mẹ nuôi con khờ dại, nhặt cả đồ hết hạn vì con thèm ăn - 5

Ngọc có vấn đề về thần kinh, đã không ít lần có ý định tự tử những may được mẹ phát hiện kịp thời.

Bữa cơm đầu năm của người mẹ nuôi con khờ dại, nhặt cả đồ hết hạn vì con thèm ăn - 6

Dù mang thân hình thiếu nữ, nhưng khi đi học Ngọc vẫn mang chiếc cặp sách như một đứa trẻ.

“Đến lớp cháu không quậy phá gì, nhưng về nhà, nhiều hôm đập phá hết đồ đạc, thậm chí ăn cơm nếu không có mẹ ở cạnh là cháu vầy rơi hết cơm ra xung quanh. Mỗi khi lên cơn, ngay cả đi vệ sinh cũng không tự chủ được”, bà Luân kể.

Bữa cơm ngày đầu năm 2020 của hai mẹ con bà Luân hôm nay “sang” hơn mọi ngày khi có bát tép nát mấy bà buôn ế ở ngoài chợ cho. Ngoài ra còn có thêm một bát rau bắp cải nấu cùng với muối trắng, không dầu không mỡ. Mẹ con bà Luân lấy cơm ra 2 bát tô to và xúc ăn ngon lành chứ chẳng cần mâm, đũa hay giữ kẽ điều gì.

Bữa cơm đầu năm của người mẹ nuôi con khờ dại, nhặt cả đồ hết hạn vì con thèm ăn - 7

Bữa cơm đầu năm của người mẹ nuôi con khờ dại, nhặt cả đồ hết hạn vì con thèm ăn - 8

Bữa cơm của mẹ con bà Luân chỉ có tép vụn rang, bát canh rau bắp cải nhưng đó đã là quá sang rồi.

Cả bữa cơm và suốt cả buổi trò chuyện, Ngọc chỉ tủm tỉm cười, câu duy nhất em nói đó là bữa cơm hôm nay ngon quá vì có thêm món hải sản rang. “Mọi ngày mẹ con ai cho gì ăn nấy, có hôm chỉ bát rau luộc là xong. Vì thế, hôm nay có mấy con tép rang mặn, cháu nói là hải sản”, bà Luân vừa nhìn con, vừa nói.

Có lúc cùng cực định trộn thuốc độc ăn để hai mẹ con cùng được giải thoát

Chẳng giấu giếm hoàn cảnh của mình, bà Luân kể với chúng tôi rằng, trước đây là là công nhân nhà máy gạch, năm 1977 bà bị tai nạn lao động cụt mất một tay nên bà phải nghỉ việc và bắt đầu công việc nhặt rác đến tận bây giờ.

Thời con gái bà cũng từng có một tình yêu đẹp, nhưng vụ tai nạn đã cướp đi tất cả tương lai của người phụ nữ này. Năm 47 tuổi, sau bao đêm nằm suy nghĩ, bà quyết định đi “xin” một đứa con để bầu bạn lúc tuổi già. Sau khi có con, bố của bé Ngọc cũng bỏ hai mẹ con đi biệt tăm, đến giờ chẳng biết sống chết ra sao. Một mình bà hàng ngày đi nhặt rác, kiếm tiền cùng con rau cháo qua ngày.

Bữa cơm đầu năm của người mẹ nuôi con khờ dại, nhặt cả đồ hết hạn vì con thèm ăn - 9

Nơi bà Luận ở là khu vực dành cho những người cơ nhỡ ở địa phương.

Bữa cơm đầu năm của người mẹ nuôi con khờ dại, nhặt cả đồ hết hạn vì con thèm ăn - 10

Bà Luận mất đi cánh tay đến nay đã hơn 40 năm.

Trong ký ức của Ngọc, người bố của mình chỉ còn trong tấm ảnh duy nhất còn sót lại và được đặt trang trọng ở chiếc tủ kính để trên thềm hè. Còn bà Luân, dù rất muốn biết “chồng hờ” của mình sống chết ra sao, nhưng nếu có quay về bà cũng không chấp nhận, vì nhiều lý do mà bà chẳng tiện nói ra.

Bữa cơm đầu năm của người mẹ nuôi con khờ dại, nhặt cả đồ hết hạn vì con thèm ăn - 11

Ký ức về người bố của Ngọc chỉ có trên tấm ảnh ở góc tủ kính.

Trước đây dù mất 1 tay nhưng bà Luân vẫn còn kiếm được cái ăn, cái mặc. “Nếu trời thương thì tôi cũng không đến nỗi khổ như thế này. Nhưng số phận tôi quá éo le, khổ đủ trăm đường”, bà Luân vừa nói, vừa gạt đi những giọt nước mắt. Năm 2015 khi đang đi nhặt rác bà bị một chiếc xe đâm từ phía sau vào khiến bà bất tỉnh. Khi các bác sĩ cứu được tính mạng tỉnh dậy bà Luân mới biết mình bị gãy hết sương sườn, gãy hết xương chậu và phải trải qua nhiều ca phẫu thuật. Đến giờ bị thoái hóa cột sống, đi lại, sinh hoạt gặp nhiều khó khăn.

Thời điểm đó bà Luân đau ốm, con gái không người chăm sóc nên bị lên cơn động kinh, tăng động rất nhiều. Có những hôm không tự chủ được vệ sinh, Ngọc đi vãi ra khắp nhà, nhìn cảnh đó, bà Luân bất lực đến mức định đi mua thuốc độc về uống để hai mẹ con cùng ăn rồi chết. Thế nhưng, là người mẹ, bà lại không nỡ xuống tay với con gái mình.

Bữa cơm đầu năm của người mẹ nuôi con khờ dại, nhặt cả đồ hết hạn vì con thèm ăn - 12

Nhìn nụ cười khờ dại của con, bà Luận không nỡ xuống tay dù có lúc bị dồn đến bước đường cùng.

Nhặt nhạnh đồ hết hạn vì con thèm ăn, thấy nụ cười của con là bao mệt mỏi tan biến hết

Thế rồi mọi thứ cũng cứ thế trôi đi, bà sống qua được giai đoạn khó khăn nhất cũng nhờ sự đùm bọc của hàng xóm, láng giềng và chính quyền địa phương. Điều bà cảm thấy ân hận nhất là chẳng thế đáp ứng được đủ nhu cầu cho con, khi con thèm miếng thịt cũng chẳng có mà ăn. Thậm chí, gói xúc xích hết hạn họ bỏ đi nhưng thấy còn lành lặn bà vẫn cố nhặt về.

Bữa cơm đầu năm của người mẹ nuôi con khờ dại, nhặt cả đồ hết hạn vì con thèm ăn - 13

Bữa cơm đầu năm của người mẹ nuôi con khờ dại, nhặt cả đồ hết hạn vì con thèm ăn - 14

Nghĩ con thèm ăn, bà Ngọc xin xúc xích vừa hết hạn về cho con ăn vặt.

“Tôi chứng kiến hôm đưa con đi học, thấy các bạn ăn sáng vứt nắm xôi, nửa cái bánh mì vào bãi rác, nhưng vẫn còn gói trong túi bóng. Thấy vậy, Ngọc chạy lại nhặt lên ăn, đứng ngoài tường rào quát con không được, cố chạy vào thì con đã ăn xong. Khi đó tôi đánh vào tay con trong vô thức, con đau khóc và tôi cũng ôm con khóc nức nở”, bà Luân khóc khi nhớ lại.

Tết Nguyên đán đã cận kề, khi nghe nói về Tết, cô bé Ngọc lại reo lên: “Tết á, Tết mẹ lại mừng tuổi cho con. Lại được đi bờ Hồ chơi”. Trong ký ức của cô bé này, Tết chỉ có mẹ cho tiền và chỉ có Tết mới được đi chơi nên rất háo hức.

Ngồi bên cạnh, bà Luân cho hay, năm nào Tết hai mẹ con cũng mua mấy chục nghìn tiền giò, dăm lạng thịt xay và túi miến về nấu ăn vào ngày mùng 1. Sau đó, hai mẹ con bắt xe buýt lên bờ Hồ chơi, tối về ngủ và sáng mùng 2 lại cùng nhau đi nhặt rác ở khắp các phố phường.

Bữa cơm đầu năm của người mẹ nuôi con khờ dại, nhặt cả đồ hết hạn vì con thèm ăn - 15

Bà Luân khóc hết nước mắt khi nghĩ về tương lai đứa con của mình.

Bữa cơm đầu năm của người mẹ nuôi con khờ dại, nhặt cả đồ hết hạn vì con thèm ăn - 16

Sau bữa cơm "hải sản", Ngọc lại nằm xuống hiên hè ngủ một giấc ngon lành.

Khi bà Luân vẫn đang kể dở câu chuyên cuộc đời bẩy nổi ba chìm của hai mẹ con, bé Ngọc ăn xong lại ghé luôn xuống bờ hè và đắp chăn ngủ ngon lành. Nhìn đứa con gái có lớn chẳng có khôn, người mẹ đã ngoài 60 tuổi nói rằng: “Động lực sống duy nhất của tôi là bé Ngọc. Nhiều lúc mệt mỏi lắm, nhưng mỗi khi đi nhặt rác về nghe tiếng con gọi mẹ, rồi tiếng cười của con là bao mệt mỏi tan biến hết”.

Mọi sự giúp đỡ xin liên hệ:

Bà Nguyễn Thị Luân – Số 7, ngõ 339, Tổ dân phố ố 5 – Đường Xuân Phương (Phường Xuân Phương, Nam Từ Liêm, Hà Nội). SĐT: 0333307632

Bữa tối của Hồng và nỗi lòng mẹ già mong một lần nhìn thấy con gái trước khi nhắm mắt
Đứa con gái hàng ngày đi lang thang, bà Hồ ở nhà từng giờ mong con về và chuẩn bị sẵn cơm tối để con về ăn cho khỏi đói.
Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Những câu chuyện cảm động