Nhìn 2 đứa con gái lớn tồng ngồng nhưng khờ khạo, bệnh tật đang chịu đói khát, bà Khánh ước các con được ăn một bữa thật thịnh soạn đủ cá thịt… sau đó chết cũng mãn nguyện.
Hình ảnh cặp vợ chồng già lom khom khoác chiếc bình nhựa to đi phun thuốc sâu thuê đã quá đỗi quen thuộc với người dân ấp Giồng Chùa, xã Phương Thạnh (Càn Long, Trà Vinh).
Thím Hai – hàng xóm sát vách cho biết vợ chồng bà Thạch Thị Quốc Khánh (64 tuổi) dù đã già yếu nhưng chưa một ngày được con cái chăm sóc, phụng dưỡng. “Ông bà ấy vất vả lắm, đi làm mướn quần quật cả ngày chỉ đủ mua gạo và ít rau nuôi 2 đứa con gái khờ khạo”, thím nói.
“Chúng có điên có dại vẫn là máu mủ, vợ chồng tôi đâu dám bỏ mặc”
Loay hoay dọn vệ sinh cho hai cô con gái, bà Khánh chốc chốc lại ngước ánh mắt buồn nhìn các con rồi thở dài. “Mấy chục năm nay, con Hoanh (37 tuổi) chẳng khác gì một đứa con nít, chỉ biết cười đùa và sống trong vô thức. Cái Liên khá hơn em một chút nhưng bị tật ở chân, đôi mắt mờ dần nên chẳng đỡ đần được cha mẹ”, bà Khánh sụt sùi.
Theo lời kể của bà Khánh, sau khi kết hôn, ông bà hạnh phúc đón chào lần lượt 2 cô con gái đáng yêu và kháu khỉnh. Tuy nhiên, họ càng lớn lại càng không người bình thường: đứa thì bị dị tật không đứng vững, đứa còn lại suốt ngày ú ớ, la hét như trẻ lên ba.
Loay hoay dọn vệ sinh cho hai cô con gái, bà Khánh chốc chốc lại ngước ánh mắt buồn nhìn các con rồi thở dài
“Cái Hoanh do bị bại não từ nhỏ không thể đi đứng, vận động bình thường. Mọi sinh hoạt từ ăn uống, tắm giặt,… cho đến đi vệ sinh đều một tay tôi làm giúp.
Hồi ấy, vợ chồng tôi nghèo lại kém hiểu biết nên khi con phát bệnh cứ nghĩ bị sốt nhẹ cho uống dăm ba loại thuốc lá cây là khỏi. Ngờ đâu, nó bệnh nặng hơn rồi… bại não. Đến giờ, nó vẫn vậy, thậm chí nhiều lúc còn không nhận ra bố mẹ”, bà đau đớn.
Nhìn mẹ già đưa đôi bàn tay gạt nước mắt, chị Hoanh bỗng hét to rồi mếu máo. Sau đó, chị gắng đưa đôi bàn tay chống xuống giường lết về chỗ bà Khánh đang ngồi. Chị nhoẻn miệng cười và thơm nhẹ lên má mẹ như đang an ủi: “Có con ở đây. Mọi chuyện sẽ ổn”.
Chị Hoanh dù đã lớn tuổi nhưng không khác gì một đứa trẻ, chỉ biết ăn và ngủ
Ôm con gái vào lòng, bà Khánh quay qua hỏi ông Kiêm Hoàng (64 tuổi, chồng): “Chúng ta phải làm gì để “cứu” tụi trẻ hả ông? Thứ gì đáng giá trong nhà đều đem bán lấy tiền mua thuốc cho các con hết rồi”.
Lúc này, ông Hoàng chỉ biết ngao ngán lắc đầu. Ông biết để có được ngày 3 bữa cơm còn khó, chứ nói gì đến chuyện chữa bệnh cho các con.
Nghĩ đến cảnh các con phải chịu đói chịu khát,... ông Hoàng lại đờ người ra
Mong các con được một bữa no rồi cả nhà cùng chết cũng mãn nguyện
“Tôi chỉ biết bất lực ngồi nhìn bố mẹ đã lớn tuổi mà vẫn chịu khổ vì hai chị em. Đôi lúc, tôi muốn treo cổ tự tử để khỏi làm phiền bố mẹ. Cả đời này, bố và mẹ chưa từng có một ngày ngủ ngon hay thảnh thơi với tuổi già. Thực sự, tôi cảm thấy mình có lỗi với gia đình nhiều lắm”, chị Liên tâm sự.
Từ ngày chị Liên không đi lại được, vợ chồng bà Khánh như ngồi trên đống lửa vì với đồng tiền ít ỏi từ việc làm mướn không đủ để mua thuốc trị bệnh cho con. Do đó, hễ có ai trong ấp kêu đi phun thuốc sâu thuê là ông Hoàng liền nhận lời.
Ngày ngày, ông Hoàng lại dắt chiếc xe đạp cũ đi khắp xã xem có ai thuê mướn việc làm hay không?
“Vợ chồng tôi già yếu lại không có đất canh tác nên ai kêu gì sẽ làm việc đó. Nhiều người bảo công việc phun thuốc sâu rất độc hại, nhanh chết nhưng tôi không sợ. Tôi chỉ cần có thêm đồng tiền mua mắm muối, thuốc men chữa bệnh cho các con là vui lắm rồi”, ông Hoàng kể.
Mỗi ngày, ông kiếm được vài chục nghìn từ việc phun thuốc trừ sâu thuê. Với số tiền đó, vợ chồng ông dành để mua gạo, rau cho 4 miệng ăn và để ra vài đồng mua thuốc cho 2 con gái bệnh tật. Ông bảo các con liên tục lên cơn co giật nhưng chưa bao giờ được đi bệnh viện thăm khám. Khi nào bệnh nặng, ông chạy ra tiệm mua vài vỉ thuốc tây về uống cầm chừng.
Cám cảnh các con bệnh tật, vợ chồng ông Hoàng chỉ ước có một bữa no cho các con rồi cả nhà cùng chết cho bớt khổ
“Nhiều lúc, vợ chồng tôi ước có một bữa sơm thịnh soạn đủ cá thịt rồi cả nhà ngồi ăn với nhau thật vui vẻ, sau đó cùng uống thuốc độc chết cũng mãn nguyện. Nhưng chắc mong muốn đó chẳng bao giờ thành hiện thực vì cơm ăn còn chẳng đủ huống gì cả nhà có một bữa no”, bà Khánh tâm sự.
Khi chúng tôi nhắc đến chuyện “về già”, ông Hoàng cười lớn: “Người ta nghĩ tôi sống tới từng này tuổi đã nếm đủ đắng cay cuộc đời nên chắc không còn sợ đối diện với ngày mai. Nhưng thực tế, tôi sợ lắm, sợ một ngày đổ bệnh không còn đi phun thuốc sâu hoặc vác lúa thuê được nữa. Khi ấy, hai đứa con gái tôi biết lấy gì mà bỏ vào bụng. Tôi sợ vợ chồng chết đi, ai sẽ là người chăm nom cho các con…”.
Mọi giúp đỡ vui lòng liên hệ ông Kiếm Hoàng, SĐT: 01629009936. Hoặc thông qua số tài khoản ngân hàng Vietcombank: 0741000665100. Chủ tài khoản: Thạch Thị Quốc Khánh, ngân hàng Vietcombank, chi nhánh tỉnh Trà Vinh. Xin chân thành cảm ơn! |