Bữa cơm chỉ có nối nước đun sôi và vài mẩu bí, người mẹ cố gắng gọi các con đến quây quần bên nồi cơm gia đình nhưng vô vọng.
Video bữa cơm trong gia đình có 5 người điên dại.
Hy vọng vừa vụt lên rồi lại vụt tắt ngay trước mắt
Giữa tháng 10, chúng tôi tìm về gia đình bà Nguyễn Thị Lung (75 tuổi, ở xóm Trại, thôn Mộ Đạo, xã Đạo Đức, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) đúng lúc thời tiết đang chuyển mùa. Trong căn nhà cũ kỹ được xây dựng từ những năm 1970, bà Lung đang nằm bẹp trên giường. Trước đó 2 hôm bà bị cảm nặng đến mức cơm cũng chẳng ăn được.
Thấy khách vào nhà, bà Lung cố gượng dậy ngồi tựa ở cuối giường tiếp chuyện. Phía đối diện 3 đứa cháu của bà cười khúc khích, chúng chạy ra bắt vội con mèo đang ngồi bên ghế rồi chui tọt vào chăn để trốn người lạ.
Những đứa cháu của bà Lung cố thủ ở chiếc giường đối diện không chịu ra ngoài.
Gia đình bà Lung có tất cả 6 thành viên, trong đó 5 người thần kinh không bình thường. Bà Lung không có chồng và chỉ có 1 người con nuôi là Nguyễn Văn Đắc (SN 1978) được bà nuôi từ khi còn đỏ hỏn và bị tâm thần phân liệt, đi lang thang từ sáng đến tối mới về nhà.
Dù bị vấn đề về thần kinh, nhưng năm 20 tuổi qua mai mối anh Đắc cũng lấy được người phụ nữ hơn mình 8 tuổi, ở làng trên. Vợ anh Đắc là chị Vũ Thị Sơn (SN 1970) cũng có vấn đề về thần kinh, đã thế còn bị tai nạn vài năm trước khiến việc đi lại gặp nhiều khó khăn.
Năm 1999 - một năm sau khi lập gia đình, chị Sơn sinh cậu con trai đầu lòng và đặt tên là Nguyễn Văn Trường. Ngày mới chào đời cho đến khi 3 tuổi, Trường phát triển bình thường, mặt mũi khôi ngô. Khi đó, bà Lung mừng lắm, trong đầu bà nghĩ đó là hy vọng của cả gia đình.
Trường hồi nhỏ rất khôi ngô, lớn lên bắt đầu có biểu hiện về thần kinh.
Năm Trường 3 tuổi, cứ thấy túi nilon là Trường lại cho vào mồm nhai ngấu nghiến. Thấy vậy, bà Lung lắc đầu và nói: “Nó lại như thằng bố ngày xưa”. Lên 6 tuổi, Trường được bà nội cho đến trường như bao đứa trẻ khác nhưng chẳng thể tiếp thu. Qua thăm khám bác sĩ kết luận, Trường bị thiểu năng trí tuệ và phải bỏ học giữa chừng.
Dưới Trường còn hai em gái là Nguyễn Kim Yến và Nguyễn Thùy Linh. Yến năm nay vừa tròn 17 tuổi, còn Linh mới bước sang tuổi 14 vài ngày. Giống như đứa cháu trai, cả 2 cháu gái bà Lung đều bị thiểu năng trí tuệ. Đến giờ chỉ còn Linh là đi học, dù chẳng biết đọc, biết viết nhưng Linh rất thích đến trường vì: “ở nhà toàn bị mẹ mắng”.
Phải mất khá nhiều thời gian, những đứa con của chị Sơn mới bắt đầu tỏ ra thân thiện. Trong các loại đồ chơi, mỗi đứa luôn cầm 1 con dao trên tay.
Tiếng ú ớ gọi con và bữa cơm khổ vô cùng tận
Suốt mấy chục năm qua, một tay bà Lung hết chăm con rồi lại nuôi cháu. Giờ đây, khi đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, bà không còn đủ sức chống chọi với những lúc “trái nắng, trở trời”. Vừa kể chuyện ngày xưa, bà vừa chỉ tay xuống bếp và nói: “Nay tôi ốm, con dâu lo cơm nước, nấu từ 10 giờ sáng, đến giờ hơn 2 tiếng vẫn chưa được ăn”.
Căn bếp nơi chị Sơn đang nấu bữa trưa tối om, xộc mùi ẩm mốc và phân gà. Thấy sự xuất hiện của chúng tôi, chị Sơn cười hềnh hệch rồi khoe: “Đang nấu cơm củi đấy, nay biết có khách nấu nhiều cơm lắm”. Nói rồi, người mẹ 3 con lê từng bước chân lên nhà, vớ vội chiếc quần vắt ở ghế mặc lồng bên ngoài chiếc quần đang mặc vì không muốn khách lạ nhìn thấy chị mắc quần rách đũng.
Mẹ chồng ốm chị Sơn phải tự mình nấu bữa ăn cho cả gia đình.
Chiếc quần mặc vội vẫn còn thồi thoài của chị Sơn khi khách đến nhà.
Gương mặt chị Sơn khắc khổ, mái tóc rối bù có lẽ rất lâu rồi chưa được chải, quần áo cáu bẩn vì bụi đất bám đầy. Vừa nấu nốt bữa cơm, chị vừa nói chuyện với chúng tôi, nhưng chẳng ai hiểu chị nói gì.
12 giờ 30 phút, khệ nệ bê từng nồi gang lên gian giữa ngôi nhà lớn, chị Sơn ú ớ gọi đàn con đang trốn trên giường xuống ăn cơm. Chiếc giường gãy gần hết nan, manh chiếu rách đẩy dồn vào một góc. Trên giường đầy những đồ chơi của 3 đứa con “có lớn mà chẳng có khôn”, đó là những con dao, những chiếc đinh và cả những con mèo đã chốc hết cả lông.
Chị Sơn nhiều lần ú ớ gọi con dậy ăn cơm nhưng điều bất lực.
Con chị Sơn đứa thì ngồi nhai nylon, đứa thì chạy nhảy khắp nhà chứ nhất định không xuống ăn cùng mẹ.
3 đứa con của chị Sơn đứa thì nằm, đứa thì ngồi, nhưng nhất định không chịu xuống ăn cơm. Riêng đứa con trai lớn tên Trường rất ít khi nước chân ra khỏi giường. Trường cũng chẳng cần tắm rửa, sở thích duy nhất là nhai những túi nylon.
Gọi con không được, chị Sơn lầm lũi ra nơi đặt nồi cơm. Bữa cơm hôm nay của cả gia đình chỉ có nồi cơm trắng và một xoong to chứa đầy nước với lèo tèo vài miếng bí đỏ. Chẳng cần mâm, cũng chẳng cần bàn ghế chị Sơn ngồi phệt xuống nền đất ăn liền 2 bát cơm trắng mà chẳng cần chút thức ăn nào.
Không gọi được con, chị Sơn xuống ăn một mình mặc kệ nhà đang có khách. Bữa cơm của cả gia đình chỉ có nồi canh bí với 9 phần là nước.
Xong bữa, chị cũng chẳng dọn dẹp mà chỉ đậy vung để đó. Ở trên giường, bà Lung lắc đầu và nói: “Hôm nào chẳng thế, có người lạ đến là chúng nó làm trò. Lát các anh về nồi cơm đó hết veo”.
Hướng ánh mắt nhìn ra phía khoảng không trước nhà, rồi bà Lung lại cố nhổm người lên nhìn sang chiếc giường nơi các cháu bà đang nằm để xem có trêu chọc gì nhau không. Mọi ngày khỏe, bà Lung hô hào các cháu đến bữa ăn cơm, hay quét hộ được cái nhà. Hôm nay bà Lung ốm, chẳng còn hơi để nói nên bà kệ. Rồi mai đây, khi không còn sức lực và về với tổ tiên, không biết những người con, người cháu của bà sẽ sống ra sao.
Bà Lung với ánh mắt đượm buồn, bà lo lắng không biết nay mai khi bà mất đi đàn con, cháu của bà sẽ ra sao.