Suốt 18 năm, chị Thân quét rác làm sạch khắp các tuyến phố Hà Nội, mưu sinh nuôi các con. Có lúc mệt mỏi, buồn tủi nhưng chị không dám yếu lòng vì sau lưng là những đứa con thơ.
Có một tuổi trẻ êm ấm như bao người, chị Hoàng Thị Thân (SN 1980) lớn lên, đi lập gia đình tại phường Trương Định, (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Chị và chồng có với nhau 3 người con, hai trai một gái. Con trai lớn vừa vào lớp 10, con gái thứ hai học lớp 8, con trai út đang học lớp 5.
Cuộc sống trôi qua yên bình đến những ngày cuối năm 2019, chồng chị Thân bất ngờ đột quỵ không qua khỏi, để lại chị và 3 người con nhỏ bơ vơ. Cũng từ đây, cánh cửa “màu hồng” gần như khép lại đối với chị Thân. “Cơm áo, gạo tiền” và 3 đứa con đang tuổi ăn học, tất cả đè nặng lên đôi vai người phụ nữ quanh năm quét rác.
Chị Thân quét rác mưu sinh, một mình nuôi 3 con nhỏ đang tuổi ăn học.
18 năm làm sạch cho đời, nuôi 3 con ăn học
8h tối, vài thùng rác di động trên phố Bạch Mai (Hoàng Mai, Hà Nội) đã được tập kết phía trước chợ Mơ. Một số thùng được cơi nới bằng các thanh gỗ dẹt, cao quá đầu người.
Những thanh gỗ cắm quanh thùng, ngả hẳn ra 4 hướng xung quanh do các túi rác sinh hoạt chèn ép, phía dưới một số thùng rỉ ra nước vàng đục. Sau thùng, chị Thân đang cặm cụi nhặt vài mẩu vụn vương vãi.
Chị Thân làm lao công quét rác suốt 18 năm nay.
Chị Thân tâm sự, trước đây khi còn có chồng, hai người nương tựa vào nhau mưu sinh, đỡ vất vả hơn. Sau khi chồng đột ngột qua đời khiến cuộc sống của gia đình chị Thân lâm vào bế tắc. Đã có lúc chị Thân muốn buông xuôi tất cả, thậm chí nghĩ rằng sẽ không thể một mình vượt qua, đối mặt với cuộc sống.
Nhưng rồi nhìn lại căn nhà trống, nhìn ánh mắt thơ dại của 3 đứa con đang cần vòng tay vỗ về, chăm sóc của mẹ, chị Thân tự vực dậy tinh thần, tiếp tục hành trình nuôi dạy các con.
Mỗi ngày, chị bắt đầu công việc đi quét rác, thu gom rác ở những con phố đã được phân công từ lúc 4h30 chiều. Những hôm xong việc sớm, chị về đến nhà lúc 1h, cũng có khi kéo dài đến tận 3h sáng.
Để có thêm tiền trang trải cuộc sống, chị tranh thủ làm thêm, dù mệt nhọc, vất vả nhưng chưa bao giờ chị Thân nản lòng, cố gắng hết sức để chăm lo cho 3 đứa con một cuộc sống đủ đầy nhất có thể.
Sau khi chồng qua đời, mọi gánh nặng kinh tế đè lên vai người phụ nữ nhưng chị đã vực dậy tinh thần, đối mặt với tất cả.
"Ngày nào đỡ mệt, tôi sẽ làm thêm ca sáng. Ca làm thêm này bắt đầu từ 5h sáng, nghỉ ăn trưa một tiếng rồi làm đến 4h chiều. 4h30 chiều, tôi lại làm ca đêm như thường lệ. Trong giờ nghỉ trưa mà ai thuê quét dọn tôi sẽ làm, tranh thủ kiếm thêm thu nhập. Vì con tôi phải cố, chứ giờ yếu đuối để ai xem”, chị Thân chia sẻ.
Mẹ chấp nhận hi sinh, làm tất cả vì con
Cuộc sống mệt mỏi nhưng chị Thân vẫn cảm thấy hạnh phúc vì có các con bên cạnh, 3 đứa con chính là nguồn động lực để chị Thân cố gắng. Hơn ai hết, chị hiểu từ lúc chồng mất đi, các con của chị đã thiếu bàn tay chăm sóc của bố, giờ chị phải vừa làm bố, vừa làm mẹ để nuôi dạy các con nên người.
Ngày thi vào lớp 10, con trai chị muốn tự đạp xe đến trường để mẹ nghỉ ngơi nhưng chị không đồng ý. “Con biết mẹ vất vả, bảo tôi đi làm rồi nghỉ ngơi, không phải đưa con đi nhưng làm sao tôi để con tự đi được. Người ta có đủ bố, mẹ đưa đi, con mất bố rồi, ít ra cũng phải có mẹ ở bên cho đỡ tủi thân. Dù cuộc sống vất vả, có những lúc tôi cảm thấy cô đơn nhưng tôi không cô độc vì còn các con”, chị Thân nghẹn lời.
Là một người mẹ kiên cường, chị Thân cố gắng làm thật nhiều việc để các con được ăn học đến nơi đến chốn
Còn trẻ tuổi nhưng người con trai cả của chị Thân đã thấu hiểu những vất vả, gánh nặng mà mẹ đang gánh vác. Có lần nghe con trai tâm sự: "Sau này, học hết lớp 12, mẹ không có tiền cho con đi học, con đi làm thuê nuôi mẹ và các em", chị Thân liền mắng yêu:
"Trừ khi con bảo không muốn học nữa, vất vả đến đâu mẹ cũng phải cố gắng làm, không để con cái phải nghỉ học, con chỉ cần học giỏi là mẹ vui rồi".
Mạnh mẽ là thế nhưng những ngày lễ, Tết, nhà nhà quây quần bên người thân, gia đình, chị Thân cũng có chút chạnh lòng khi lầm lũi mưu sinh, quét dọn rác thải thật sạch để trả lại vẻ đẹp cho các tuyến phố.
“Mọi người có gia đình đi chơi hạnh phúc, quây quần, trong khi mình đi quét rác bên đường. Nhiều khi cảm thấy chạnh lòng nhưng dần tôi cũng quen, tôi chỉ thương các con, nếu tôi có điều kiện hơn, mấy mẹ con cũng sẽ được đi chơi, sum vầy như thế. Nhưng mỗi người một số phận, giờ tôi chỉ tập trung làm để chăm lo cho các con, yếu đuối để ai xem”, chị Thân nghẹn lời.
Thấy chị Thân quanh năm vất vả, chạy ngược xuôi để lo cơm ngày 3 bữa, tiền học hành, sinh hoạt cho cả gia đình, 3 đứa con thường rủ nhau gấp hoa giấy để tặng mẹ vào những dịp lễ. Nhận những món quà nhỏ của các con, chị mắng yêu rằng các con chỉ bày vẽ nhưng thực ra trong thâm tâm, chị cảm thấy rất vui và xúc động.
Nhắc về những ngày sau, chị Thân chẳng dám mong ước gì cho bản thân, điều duy nhất chị mong muốn là có sức khỏe để được đi quét rác, kiếm tiền lo cho các con ăn học.
Chị Thân cũng chẳng dám nghĩ xa đến chuyện tình cảm của bản thân. “Đồng hành chia sẻ thì được, đi bước nữa thì không. Ở cái tuổi này, làm gì ai thương nữ lao công quét rác với 3 đứa con riêng”, chị cười rồi đẩy nốt những xe rác cuối giữa đường phố dần thưa người về điểm tập kết.
Nhìn những bước chân nặng trĩu của chị, suốt 18 năm vẫn ròng rã bước đi để vun vén cho hạnh phúc gia đình mới cảm nhận hết sự hi sinh cao cả mà một người mẹ dành cho các con. Cảm ơn chị Thân vì đã mạnh mẽ làm mẹ, làm những điều bình dị, tốt đẹp cho đời!