Bộ NN&PTNT vừa có công văn yêu cầu Vietnam Airline chỉ chuyên chở cá tầm khi có đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.
Bộ NN&PTNT vừa có công văn gửi Bộ Công an, Quốc phòng, Tài chính, Công thương và Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airline) về việc tăng cường các biện pháp kiểm soát buôn bán động vật hoang dã.
Công văn đề nghị Vietnam Airline chỉ chuyên chở mẫu vật các loài động vật hoang dã, nhất là cá tầm khi có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc mẫu vật hợp pháp theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các Bộ Công an, Quốc phòng, Tài chính, Công thương chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát tại các cửa khẩu biên giới; đấu tranh, phá dỡ các đường dây buôn bán, vận chuyển trái phép mẫu động vật nguy cấp, quý, hiếm, nhất là mẫu vật cá tầm.
Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho hay, Việt Nam đã tham gia Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp (CITES) từ năm 1994. Theo đó, việc nhập khẩu loài thuộc danh mục CITES vào Việt Nam phải có giấy phép của Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam cấp, cơ sở nuôi các loài đó cũng phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền.
Trong danh mục CITES trên thì cá tầm thuộc phụ lục II, riêng cá tầm Đại Tây Dương và cá tầm Ban Tích thuộc phụ lục I.
Trước đó, theo văn bản của Hiệp hội phát triển cá nước lạnh Việt Nam gửi Thủ tướng Chính phủ thì mỗi ngày có 2 – 3 tấn cá tầm không rõ nguồn gốc được nhập lậu vào TP.HCM bằng đường hàng không qua sân bay Tân Sơn Nhất.
Trong đơn kêu cứu trên, Hiệp hội phát triển cá nước lạnh có gửi kèm theo hóa đơn vận chuyển của Vietnam Airlines với một số lô hàng cá tầm.
Khó phân biệt cá tầm Việt Nam (trái) và cá tầm Trung Quốc (phải)
Tuy nhiên, trả lời báo chí sau đó, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nội cho hay, chưa phát hiện vụ vận chuyển cá tầm lậu nào tại sân bay Nội Bài. Ông Hồng cũng đưa ra nhận định, thông tin vận chuyển cá tầm lậu bằng đường hàng không là thiếu cơ sở bởi dễ bị phát hiện, chi phí vận chuyển rất cao khiến giá thành có thể tăng lên gấp đôi.
Ngày hôm qua (17/7), Bộ Công an cũng cho hay, có khoảng 10 đầu nậu buôn bán, vận chuyển trái phép cá tầm và các loại thủy sản từ Trung Quốc vào Việt Nam tại các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn và Cao Bằng.
Các đường dây buôn lậu cá tầm được hình thành với các kẻ cầm đầu, chủ đầu nậu, các đường dây thu gom cá tầm rồi thuê cửu vạn “cõng” cá tầm qua biên giới, đường mòn, lối mở, cánh gà cửa khẩu, sau đó tập kết tại các địa điểm gần biên giới, chợ đầu mối rồi vận chuyển tiếp vào nội địa.
Để việc vận chuyển thuận lợi, mỗi đầu nậu đều có người bảo kê, bao biên, bao tuyến tại các khu vực biên giới và trên các tuyến giao thông.
Ngoài nghi án chứa chất tăng trọng, cá tầm không rõ nguồn gốc đã bị phát hiện chứa các chất có thể gây bệnh gan, thận trên người nếu ăn phải.