Các phương án bồi thường trong vụ cháy chung cư Carina làm 13 người chết

Ngày 24/03/2018 13:30 PM (GMT+7)

Trong vụ cháy chung cư ở TP.HCM làm 13 người chết, nếu có dấu hiệu tội phạm sẽ khởi tố điều tra và xử lý người nào có hành vi phạm tội.

Vụ cháy chung cư cao cấp ở TP.HCM làm 13 người chết đang có nhiều luồng ý kiến về trách nhiệm bồi thường.

Theo Cảnh sát PCCC, lửa xuất phát từ một xe máy tại tầng hầm rộng hàng nghìn m2 (chứa hơn 1.000 xe máy, hàng chục ô tô) rồi lan ra các xe xung quanh.

Các phương án bồi thường trong vụ cháy chung cư Carina làm 13 người chết - 1

Chung cư cao cấp ở TP.HCM bốc cháy khiến 13 người thiệt mạng

Qua nắm tình hình thì nguyên nhân ban đầu phát cháy từ một phương tiện dưới tầng hầm (có thể là một chiếc xe). Hiện, công an đã thu giữ các camera và hệ thống dữ liệu của hệ thống chữa cháy tự động và báo cháy, đồng thời lấy lời khai những người liên quan, làm việc với Ban quản lý và thu thập những hồ sơ nghiệm thu, kiểm tra định kỳ về an toàn phòng cháy chữa cháy.

Các cơ quan tố tụng cũng đang gấp rút hoàn tất việc khám nghiệm pháp y. Tính đến thời điểm này, có 13 người tử vong, 28 người bị thương; cháy 13 xe ô tô trong đó có 5 xe bị thiêu rụi hoàn toàn và cháy 150 chiếc xe máy.

Có thể khởi tố điều tra

Đây là sự cố cháy nổ đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản xảy ra trên địa bàn TP.HCM. Hậu quả xảy ra là hết sức đau lòng khi có nhiều người tử vong, trong đó có các cháu nhỏ, người già.

Để có căn cứ xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật, các cơ quan tố tụng cần phải làm rõ nguyên nhân cháy nổ dẫn tới hậu quả thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Trên cơ sở kết luận giám định của cơ quan chuyên môn về nguyên nhân cháy sẽ là căn cứ xử lý tương ứng theo quy định pháp luật. Nếu có dấu hiệu tội phạm sẽ khởi tố điều tra và xử lý người nào có hành vi phạm tội.

Theo điều tra ban đầu của cơ quan điều tra, nguyên nhân phát cháy từ một phương tiện dưới tầng hầm (có thể là một chiếc xe). Từ chiếc xe này đã cháy lan sang các phương tiện khác và cháy sang các khu chung cư phía trên. Trước hết cần phải xác định nguyên nhân cháy phương tiện này có xuất phát từ hành vi có chủ ý hay không.

Nếu có căn cứ xác định, chủ phương tiện có hành vi cố ý gây cháy nổ thì với hậu quả xảy ra sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng về Tội giết người và Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 123 và Điều 178 BLHS 2015.

Ngoài ra, nếu đối tượng thực hiện hành vi phạm tội vì động cơ chính trị, nhằm mục đích chống chính quyền nhân dân thì sẽ phải chịu trách nhiệm về Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân theo Điều 113 BLHS 2015.

Trường hợp, nếu xác định là nguyên nhân cháy do chập cháy điện từ hệ thống điện của tầng hầm thì cần làm rõ người trực tiếp quản lý hệ thống điện của Chung cư có vi phạm quy định về PCCC hay không. Ví dụ: Người cán bộ được Công ty giao quản lý Trạm biến áp trong tòa nhà, hàng tháng phải thay thế, bảo dưỡng định kỳ thiết bị nhưng đã không thực hiện đúng nên khi có sự cố chập điện đã không tự động ngắt điện gây cháy nổ. Nếu người được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý hệ thống điện của Chung cư mà không thực hiện, hoặc thực hiện không đúng quy định của luật PCCC dẫn tới hậu quả đặc biệt nghiêm trọng sẽ phải chịu trách nhiệm về Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 313 BLHS 2015.

Các phương án bồi thường trong vụ cháy chung cư Carina làm 13 người chết - 2

Rất nhiều xe máy dưới tầng hầm của chung cư bị thiêu rụi hoàn toàn

Để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này cần xác định các quy định cụ thể nào bị vi phạm trong các văn bản pháp luật về PCCC, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại xảy ra.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ giải quyết như nào?

Trường hợp xác định người có lỗi (vô ý hay cố ý) gây cháy nổ dẫn tới thiệt hại, ngoài trách nhiệm hình sự thì phải chịu trách nhiệm bồi thường dân sự theo quy định tại các Điều 589, 590, 598 Bộ luật dân sự 2015.

Nếu người của pháp nhân gây ra, thì pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.

Trường hợp cháy nổ được xác định rủi ro, căn cứ Nghị định 23/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018 quy định về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc thì Nhà chung cư; nhà đa năng, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ cao từ 05 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3 trở lên phải mua bảo hiểm bắt buộc.

Như vậy, nếu thiệt hại xảy ra thì Bảo hiểm sẽ có trách nhiệm chi trả toàn bộ thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, Bảo hiểm sẽ từ chối trách nhiệm bồi thường rủi ro trong một số trường hợp như thiên tai, do những biến cố về chính trị, an ninh và trật tự an toàn xã hội gây ra; Thiệt hại do hành động cố ý gây cháy, nổ của người được bảo hiểm; do cố ý vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy và là nguyên nhân trực tiếp gây ra cháy, nổ...

Điều 313. Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy

1. Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 08 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Người vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

5. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác, nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm

Trích xuất camera phát hiện thủ phạm vụ cháy chung cư Carina khiến 13 người thiệt mạng
Qua trích xuất camera tại tầng hầm chung cư Carina, các cơ quan chức năng ghi nhận ngọn lửa cháy từ xe tay ga Attila rồi cháy rụi cả trăm xe khác.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Đoàn Luật sư TP Hà Nội
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề An ninh hình sự